Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Xin ý kiến một số yêu cầu kỹ thuật mới đối với khai báo Vận đơn gom hàng và Vận đơn chủ

16/09/2017 11:29

Tổng cục Hải quan thông báo tới các Hãng tàu, Đại lý hãng tàu, Công ty giao nhận,doanh nghiệp về việc Tổng cục đã/đang/sẽ triển khai một số yêu cầu kỹ thuật mới đối với khai báo Vận đơn gom hàng và Vận đơn chủ như sau:

- Bổ sung chỉ tiêu Ngày vận đơn, Số lượng kiện và đơn vị tính số lượng kiện cho từng Vận đơn gom hàng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

- Dự kiến nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với khai báo thông tin Vận đơn chủ trong Bản khai hàng hóa, cụ thể:

+ Đối với doanh nghiệp khai báo trên giao diện Cổng thông tin một cửa quốc gia: Bổ sung chỉ tiêu Ngày vận đơn, Số lượng kiện và đơn vị tính số lượng kiện cho từng Vận đơn chủ;

+ Đối với doanh nghiệp khai báo qua chuẩn thông điệp EDI: Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để tiếp nhận chuẩn thông điệp EDI D98B.

Ý kiến của doanh nghiệp đề nghị gửi về Tổng cục Hải quan trước ngày 30/9/2017.

Công văn 6095/TCHQ-CNTT được ban hành ngày 15/9/2017.

Một số thông tin thêm: 
Vận đơn gom hàng, Consolidated or groupage bill of lading Là vận đơn container mà người chuyên chở ký phát cho người gom hàng sau khi người này tập hợp nhiều lô hàng lẻ từ nhiều chủ hàng và thuê chung 1 container để gửi đi. Trên vận đơn, ngoài các mục thông thường, có ghi tên người gom hàng tại mục “Người gửi hàng” và tên đại lý hoặc đại điện của họ tại mục “Người nhận hàng”. Như vậy, vận đơn gom hàng là một văn kiện pháp lý chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở và người gom hàng mà cũng là người gởi hàng, do đó vận đơn này không có chức năng thanh toán trong mua bán quốc tế.

 

Vận đơn chủ (Master bill of lading) hay Vận đơn nhà (House bill lading).

Vận đơn chủ hay vận đơn đường biển là vận đơn do người chuyên chở chính thức (effective carrier) phát hành còn vận đơn nhà hay vận đơn thứ cấp do người chuyên chở không chính thức (contracting carrier) hay còn gọi là người giao nhận phát hành trên cơ sở vận đơn chủ. Ðây là cơ sở pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ giao nhận kho vận với khách hàng.

 

Muốn phân biệt một vận đơn là Master bill hay House bill phải căn cứ vào nội dung và hình thức của vận đơn.

 

Thứ nhất, vận đơn đường biển thường có dẫn chiếu một số công ước quốc tế phổ biến như Hague Rules, Hague Visby Rules hoặc Hamburge Rules. Ngược lại, trên thế giới không có một công ước nào điều chỉnh vận đơn thứ cấp.

 

Thứ hai, vận đơn đường biển chỉ quy định các quyền và nghĩa vụ người vận tải biển liên quan tới việc bốc xếp, chuyên chở, dỡ hàng và trả hàng phát sinh từ hợp đồng thuê tầu. Ngược lại vận đơn thứ cấp còn chứa đựng những quy định pháp lý về chuyên chở bằng đường bộ, đường sông, đường sắt. Vì vậy, không gian pháp lý của vận đơn thứ cấp rộng hơn vận đơn đường biển.

 

Thứ ba, trong vận đơn thứ cấp thường ghi địa điểm nhận hàng để chở (place of receip) và địa điểm trả hàng (place of delivery) chứ không đơn thuần cảng bốc hàng và cảng dỡ hàng.

 

Thứ tư, vận đơn đường biển bao giờ cũng ghi rõ: đã bốc hàng lên tầu (shipped on board)hoặc đã nhận để bốc lên tầu (received for shipment). Ngược lại, vận đơn thứ cấp thường ghi: nhận để vận chuyển (taken in charge for transport) vì có thể chở bằng đường biển, đường sông, đường bộ...

 

Thứ năm, trong vận đơn đường biển, người gửi hàng gọi là shipper còn trong vận đơn thứ cấp, người gửi hàng gọi là congignor. Trong vận đơn đường biển luôn ghi người nhận hàng là consignee hoặc đích danh hoặc theo lệnh nhưng trong vận đơn thứ cấp luôn ghi là: hàng được giao nhận theo lệnh (consigned to order of....).

 

Thứ sáu, vận đơn đường biển luôn có chức năng là chứng từ nhận quyền định đoạt hàng hoá nhưng với vận đơn thứ cấp, tính chất này có hay không do hai bên thoả thuận khi phát hành.

 

Thứ bảy, người chuyên chở đường biển không chịu trách nhiệm về hàng đến chậm nhưng người giao nhận lại phải chịu trách nhiệm về việc này. Có khi họ phải đến gấp đôi số tiền cước cho thiệt hại do giao hàng chậm.

 

Thứ tám, thời hiệu khiếu nại trong vận đơn đường biển là 1 năm, trong khi đó ở vận đơn thứ cấp chỉ là 9 tháng. Số thời gian chênh lệch là dành cho người giao nhận khiếu nại lại người vận tải chính thức.

 

Thứ chín, vận đơn đường biển chỉ cần 1 con dấu và 1 chữ ký vì nó chỉ được cấp sau khi hàng đã bốc lên tầu. Trong khi đó, vận đơn thứ cấp do được phát hành khi nhận hàng để chở nên phải có thêm 1 con dấu và 1 chữ ký nữa xác nhận rằng hàng đã được bốc lên tầu (ngày cấp vận đơn thứ cấp và ngày bốc hàng có thể khác nhau).

 

Tuy nhiên trong thực tế sự phân biệt giữa 2 loại vận đơn này chỉ là tương đối. Ðiều quan trọng là khi có một vận đơn trong tay phải xem xét xem nó là loại gì và ai là người phát hành để khi có tổn thất có thể giải quyết kịp thời, đúng đối tượng.

 

Do House bill là vận đơn do người giao nhận cấp (freight forwader), khi họ cung cấp dịch vụ gom hàng trong vận tải đường biển cũng như vận tải hàng không. Vận đơn này chưa được Phòng Thương mại quốc tế thông qua và người cấp thông thường không là người chuyên chở thực sự (người kinh doanh vận tải không có tầu). Vì vậy trong nhiều trường hợp nó không đáp ứng yêu cầu của L/C, nên nó có xu hướng bị thay thế bằng FBL (FIATA bill of lading) và Neutral Air waybill (trong vận tải hàng không)…

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 9
Số người truy cập: 6.324.449
Chung nhan Tin Nhiem Mang