Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Sân bay Long Thành sẽ kết nối Tân Sơn Nhất bằng đường bộ, đường sắt

22/03/2019 07:55
Đề xuất ngay phương án kết nối hai sân bay

Khẳng định tầm quan trọng của giao thông kết nối sân bay Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải xây dựng ngay một Đề án về giao thông kết nối sân bay Long Thành. Đề án phải đề xuất được một số trục giao thông kết nối thẳng từ sân bay vào TP.HCM qua đường bộ và đường sắt nhẹ cũng như hình thành trục kết nối ngang để liên kết hệ thống các đường giao thông.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan chức năng phải nghiên cứu và đề xuất ngay phương án kết nối trực tiếp sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất. Kế đó, Bộ trưởng lưu ý phương án kết nối sân bay với các đô thị lớn trong khu vực như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…

“Những dự án nào đã nằm trong quy hoạch quốc gia rồi chỉ điều chỉnh quy mô cho hợp lý. Những dự án nào thuộc trách nhiệm của địa phương, cần có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: Đầu tư sân bay mà không đầu tư giao thông kết nối là không được. Đề án giao thông kết nối phải được trình Chính phủ cùng lúc với Dự án sân bay Long Thành.

Liên quan đến giao thông kết nối sân bay, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) Lê Đỗ Mười cho biết cơ bản thống nhất với phương án kết nối sân bay Long Thành của ACV, trong đó có 3 tuyến kết nối trực tiếp vào sân bay (qua QL51; cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến kết nối từ phía sau sân bay ra vành đai 4) cũng như các tuyến kết nối gián tiếp khác.

Tuy nhiên, ông Mười đề xuất một dự án khác mà theo ông rất quan trọng là tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm đi sân bay Long Thành, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP HCM từ Tân Sơn Nhất về Thủ Thiêm. Ngoài ra, ông Mười cũng đề xuất làm cầu Cát Lái nối tỉnh lộ 25 với sân bay Long Thành để phá thế độc đạo kết nối sân bay Long Thành theo một hướng...

Tân Sơn Nhất cần đồng bộ kết nối cả bên trong

Về dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ 2 báo cáo. Báo cáo thứ nhất phân tích các phương án đầu tư nhà ga hành khách T3 bằng nguồn vốn NSNN, bằng nguồn vốn của DN (ACV); và vốn xã hội hoá huy động vốn các nhà đầu tư… Mỗi phương án, Bộ GTVT sẽ phân tích rõ quy trình thủ tục đầu tư, thời gian hoàn thành, ưu điểm, hạn chế…, báo cáo Chính phủ để thảo luận và quyết định.

Báo cáo thứ hai đề xuất phê duyệt chủ trương cho ACV đầu tư. “ACV là doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư nhà ga này đúng sở trường, đúng năng lực, đúng kinh nghiệm. ACV đầu tư vào nhà ga này thành công thì hơn 95% hiệu quả sau này sẽ thuộc về nhà nước”, Bộ trưởng thông tin.

Chỉ đạo dự án xây dựng nhà ga T3, Bộ trưởng lưu ý: Xây nhà ga mà không quan tâm tới giao thông kết nối thì sẽ ùn tắc ngay. “TP HCM đang có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án, các đồng chí phải nắm cụ thể kế hoạch, tiến độ các dự án này để làm cơ sở báo cáo bộ, ngành có liên quan”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Cùng với giao thông tiếp cận, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự lo ngại với việc kết nối hạ tầng bên trong sân bay. “Làm nhà ga lớn mà không có đường lăn kết nối vào sẽ ùn tắc. Đường cất hạ cánh đang xuống cấp nếu không đầu tư nâng cấp thì làm nhà ga cũng sẽ lãng phí. Do đó, cần nghiên cứu, tham mưu ngay Chính phủ các dự án kết nối bên trong sân bay, làm rõ nguồn vốn ở đâu, triển khai như thế nào để khi Chính phủ quyết định chủ đầu tư nhà ga T3 sẽ quyết định luôn chủ đầu tư hạ tầng bên trong”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Kế đó, Bộ trưởng lưu ý Cục Hàng không VN cần khẩn trương xây dựng Đề án cụ thể hoá một số điều của Nghị định 44 về quản lý, khai thác hạ tầng khu bay. Ngân sách không có khả năng bố trí 4.200 tỷ để nâng cấp đường băng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Bộ KH&ĐT cũng đã khẳng định không có nguồn cho dự án này. Do đó, Đề án cần xây dựng theo hướng lấy nguồn thu từ dịch vụ cất hạ cánh, kết hợp với vốn của ACV đang có để đầu tư. Đề án cũng làm rõ cơ chế hoàn trả nguồn vốn này cho ACV.


“Đường băng là công trình đặc thù, liên quan chặt chẽ đến an toàn bay. Đường băng mà hỏng, bong tróc, ổ gà là tai nạn có thể xảy ra ngay, hậu quả khôn lường. Nếu sử dụng vốn NSNN thì khó có thể đáp ứng tính cấp bách. Đường băng mà không an toàn là tuyệt đối không cho bay, chứ không có chuyện trong khi chờ sửa chữa thì cho tàu bay giảm bớt tốc độ”, Bộ trưởng phân tích.

VITIC tổng hợp/ Tham khảo Báo Giao thông
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 4.353.232
Chung nhan Tin Nhiem Mang