Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Kết nối giao thông- đòn bẩy phát triển kinh tế phía Nam

30/08/2018 16:00
Với vị trí chiến lược và tầm quan trọng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và TP HCM. Mức tăng trưởng kinh tế của vùng gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40%  kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mỗi địa phương có thế mạnh riêng, nhưng phát triển công nghiệp ở Đồng Nai, du lịch ở Bà Rịa - Vùng Tàu… sẽ bị chững lại nếu giao thông với TP HCM và các địa phương trong vùng không thuận lợi.

Mới đây, ngành Giao thông 8 tỉnh đã họp và thống nhất kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông trong vùng. Theo đó, sẽ bổ sung mới 5 tuyến liên vùng chiều dài gần 240km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 32.200 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn từ 2020-2025 và sau 2025. Cụ thể gồm các tuyến: đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối với sông Sài Gòn (TP HCM); đường nối từ nút giao Gò Công (Tiền Giang) qua sông Đồng Nai kết nối QL20, QL1; Đường nối QL14 với Chơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát (Tây Ninh). Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh, nếu đoạn cao tốc từ TP HCM đến Mộc Bài được đầu tư sớm sẽ phát huy hiệu quả kết nối các thành viên trong vùng cũng như cả vùng với Campuchia.

Các tỉnh cũng đề xuất kéo dài 10 trục đường đã quy hoạch với tổng chiều dài gần 727 km, tổng mức đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng. Bao gồm: Trục khép kín vành đai 4 qua Cần Giờ và kết nối với đường liên cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) qua cầu Phước An (Đồng Nai); điều chỉnh kết nối giữa trục đô thị số 4 với cao tốc Bến Lức - Long Thành và sân bay Long Thành (Đồng Nai); đường vành đai 4 nhằm giảm áp lực cho cao tốc Long Thành - Dầu Giây khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác; điều chỉnh hướng tuyến vành đai Bắc Biên Hòa qua sông Đồng Nai đi Bình Dương để kết nối với đường vành đai 3 TP HCM…

Một trong những dự án có tính kết nối vùng quan trọng nhất hiện nay là đường vành đai 3 được nhiều địa phương quan tâm. Đường vành đai 3 có chiều dài 89,3km đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn (Bình Dương), QL22 và kết thúc tại Bến Lức. Tuyến đường này được chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Tân Vạn (TP HCM) tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 23.600 tỷ đồng. Đoạn 2 từ Mỹ Phước - Tân Vạn đang được tỉnh Bình Dương đầu tư tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 3.500 tỷ đồng. Đoạn 3 từ Bình Chuẩn (Bình Dương) - QL22 (TP HCM) tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.800 tỷ đồng. Đoạn 4 từ QL22 - cao tốc TP HCM - Trung Lương (TP HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.500 tỷ đồng. TP HCM cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ kêu gọi đầu tư một số đoạn tuyến quan trọng trước đề từng bước khép kín vành đai 3.

Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cũng đang khẩn trương hoàn tất báo cáo khả thi trình Bộ GTVT và Chính phủ điều chỉnh quy hoạch dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ. 

VITIC tổng hợp

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 6.239.811
Chung nhan Tin Nhiem Mang