Trung Quốc và Nepal hợp tác xây dựng tuyến đường sắt nối Himalaya với Tây Tạng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm 2 ngày tại Nepal và đạt được nhiều thỏa thuận riêng biệt để xây dựng một tuyến đường sắt kết nối với Tây Tạng và một đường hầm trong bối cảnh quốc gia Himalaya này đang tìm cách tăng cường kết nối với Bắc Kinh, chấm dứt phụ thuộc vào các tuyến đường thương mại của Ấn Độ.
Tuyến đường sắt dài 70km vừa được lãnh đạo Trung Quốc - Nepal thỏa thuận sẽ kết nối Gyrion tại Tây Tạng với Thủ đô Kathmandu của Nepal, đưa dự án này trở thành một trong những kế hoạch hạ tầng tham vọng nhất tại nước này, nằm trong Sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc.
Cùng với đó, một tuyến đường bộ dài 28km sẽ giúp cắt giảm hơn nửa quãng đường từ Kathmandu đến biên giới Trung Quốc, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. “Trung Quốc sẽ nghiên cứu tính khả thi về dự án đường sắt này sau đó sẽ hỗ trợ xây dựng đường hầm”, ông Rajeshor Gyawali, người phát ngôn Bộ Giao thông và Hạ tầng Nepal cho biết.
Nepal đang tìm cách tăng kết nối với Trung Quốc bởi lệnh cấm vận dọc biên giới với Ấn Độ khiến Nepal thiếu nhiên liệu và thuốc men. “Những dự án hạ tầng mới sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi có được những tuyến thương mại thay thế trong bối cảnh phải đối mặt với những động thái phong tỏa biên giới”, ông Gyawali nói.
Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng đối với Nepal - vùng đệm tự nhiên giữa hai quốc gia. New Delhi chiếm gần 2/3 thương mại Nepal và là nguồn cung cấp dầu mỏ duy nhất của nước này.
Với Trung Quốc, ngoài 2 thỏa thuận trên, giới chức Nepal và Bắc Kinh đã ký 20 thỏa thuận liên quan tới thương mại, cung cấp nước và thuốc cổ truyền khi ông Tập kết thúc chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc tại Nepal trong 22 năm.
Một số thông tin về đất nước Nepal:
Dân số hiện tại của Nepal là 30.034.705 người vào ngày 15/10/2019 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc.
Nepal, quốc gia nằm trên triền núi phía nam dãy Himalaya, mang trong mình những nét văn hóa đặc sắc lâu đời. Quốc gia này sở hữu nhiều đỉnh núi cao, trong đó có đỉnh Everest - “nóc nhà” của thế giới. Lumbini thuộc Nepal là một địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra, quảng trường Durbar ở thủ đô Kathmandu, ngọn núi Xa-rang-cót, ngọn núi Annapurna… cũng là những địa điểm du lịch nổi tiếng tại quốc gia này.
Ngành du lịch Nepal gặp khó khăn sau trận động đất lớn hồi năm 2015 tại nước này, tuy nhiên những năm gần đây đã có sự phục hồi đáng kể. Các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch được chú trọng đẩy mạnh trong nước và ngoài nước. Tháng 3/2019, tại TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) đã diễn ra hội thảo giới thiệu về tiềm năng du lịch và đầu tư kinh doanh của Nepal. Tại hội thảo, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Nepal tại Thái-lan J.Gurung chia sẻ, Nepal có rất nhiều núi và phong cảnh đẹp; thời gian qua, lượng khách du lịch đến thăm Nepal rất đông. Ông J.Gurung cũng nêu rõ, Nepal kêu gọi thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực như giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch, khai khoáng, giáo dục, y tế, thủy điện…
VITIC tổng hợp