Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Vietnamese English

Tìm thêm giải pháp tài chính, hóa giải khó khăn về vốn

19/05/2023 14:31

Việc tiếp cận vốn ngân hàng còn nhiều trở ngại trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa “đủ sức” tham gia vào thị trường trái phiếu, chứng khoán… nên việc tìm kiếm, đa dạng nguồn tài chính là bài toán còn nhiều “trăn trở”.

Không ít doanh nghiệp phải xoay sang "tín dụng đen"

Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 4 vừa qua, tiếp cận tín dụng đã trở thành khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quy mô vốn càng nhỏ thì tỷ lệ tiếp cận được càng thấp, chủ yếu do thủ tục vay vốn phiền hà.

Chính vì thế, các doanh nghiệp đã phải xoay xở từ các nguồn khác để có vốn kinh doanh. Báo cáo PCI 2022 cho biết, 75,5% doanh nghiệp phải vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% trong báo cáo 2021. Ngoài ra, 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng khác (như công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân) là 21%. Khoảng 10,9% doanh nghiệp vay cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng nhưng không qua thủ tục chính thức trong năm 2022. Đáng lo ngại hơn cả, có tới 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay “tín dụng đen”, tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021, với lãi suất rất cao, trung bình lên tới khoảng 46,5%/năm, cao gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng.

Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã yêu cầu các bộ, ngành phải hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng. Giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Thực tế, nhiều bộ, ngành đã thành lập các quỹ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo từng lĩnh vực. Chẳng hạn, để đầu tư khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp có thể tìm đến Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và quỹ thuộc nhiều tỉnh/thành; hay Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát triển Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia - quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ; hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cùng với đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tài chính từ các chương trình hỗ trợ phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, khởi nghiệp... của nhiều bộ, ngành.

Linh hoạt và hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp

Nói về việc tìm kiếm nguồn vốn, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (Anmi Tools) cho biết, để đầu tư mới máy móc, thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ cao của đối tác quốc tế, mỗi năm, các doanh nghiệp công nghiệp có thể cần đến 5-7 triệu USD, nên nhu cầu về vốn là rất lớn. Vì thế, Công ty đã tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, với nguồn giải ngân cho năm 2022 là 34 tỷ đồng, năm 2023 là 24 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ là 5%/năm nhưng cố định trong 5 năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng hiện nay.

Ngoài ra, nhiều chương trình, các quỹ hỗ trợ đã hợp tác quốc tế, liên kết với ngân hàng. Chẳng hạn, mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận đồng tài trợ lên tới 5 triệu USD để phát triển các công nghệ tài chính (fintech) có thể giúp giải quyết vấn đề bao trùm tài chính còn thấp ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng “may mắn” tiếp cận được những nguồn tài chính ngoài ngân sách từ các quỹ như trên. Đơn cử như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, sau hơn 4 năm triển khai từ năm 2018, chỉ có 7,34% doanh nghiệp tiếp cận được. Cả nước có gần 30 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng. Quy mô này còn nhỏ nên không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, nhiều quỹ tài chính, quỹ bảo lãnh tuy có lãi suất thấp nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, trong khi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì sẽ đến thẳng ngân hàng để vay vốn, bởi không muốn mất thêm thời gian và thủ tục để tiếp cận các quỹ.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn cải thiện chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ tài chính, cần linh hoạt với quy định về vốn đối ứng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí có thể vay vốn tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã không ít lần đề xuất xây dựng một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, giúp tạo thuận lợi cũng như đưa ra cơ chế cởi mở hơn cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng; nhưng quỹ bảo lãnh này cần được quản lý hiệu quả, tránh trục lợi và kém hiệu quả như trước đây.

Hương Dịu
Link gốc

enlightenedBỐI CẢNH NHIỀU KHÓ KHĂN BUỘC CÁC DOANH NGHIỆP CẦN QUAN TÂM HƠN TỚI HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀ TÀI CHÍNH CỦA MÌNH. ĐỂ TÌM HIỂU THÊM VỀ QUẢN TRỊ VỐN DOANH NGHIỆPVUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU
Những nội dung và chuỗi dữ liệu chính trong Cẩm nang gồm có: 
(i)    Hệ thống hóa và cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến quản trị vốn của doanh nghiệp tại Việt Nam và quốc tế; 
(ii)    Phân tích tình hình thực tiễn về thị trường vốn Việt Nam nói chung và tình hình quản trị vốn tại các doanh nghiệp Việt Nam; 
(iii)    Thực hiện các nghiên cứu điển hình đối với một số trường hợp quản trị vốn: Thành công, thất bại và kinh nghiệm rút ra, yêu cầu về tái cấu trúc vốn…; 
(iv)    Dự báo xu hướng về quản trị vốn trên thế giới và Việt Nam; 
(v)    Đưa ra một số khuyến nghị chung và các chủ đề thảo luận liên quan.
(vi)     Một số bài tập vận dụng và gợi ý cách giải. 


(Hệ thống quy định, chính sách, các số liệu liên quan đến thị trường, doanh nghiệp, thông tin được cập  nhật mới nhất đến quý 1/2023 và xuyên suốt giai đoạn từ 2017-2023, chi tiết vui lòng xem ở Danh mục Bảng, Biểu đồ). 

enlightenedĐỂ TÌM HIỂU SÂU HƠN VỀ TÌNH HÌNH VÀ XU HƯỚNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA, PHÂN TÍCH SÂU MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG, VUI LÒNG THAM KHẢO TÀI LIỆU
 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 15
Số người truy cập: 4.197.983
Chung nhan Tin Nhiem Mang