Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

“Kịch bản” mới cho siêu dự án cảng cửa ngõ Liên Chiểu

21/02/2024 15:01

Đã rõ thêm nhiều thông số quan trọng của công trình hàng hải lớn nhất khu vực duyên hải miền Trung - Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng (phần kêu gọi đầu tư) có tổng mức đầu tư lên tới 48.304 tỷ đồng.

Chọn đầu tư tổng thể

Theo thông tin của Báo Đầu tư, ông Lê Trung Chính, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa ký Tờ trình số 17/TTr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng (phần kêu gọi đầu tư). Tại tờ trình này, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Một trong những thông tin quan trọng nhất tại Tờ trình số 17/TTr-UBND là việc UBND TP. Đà Nẵng đề nghị cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) theo hướng kêu gọi đầu tư tổng thể bến cảng Liên Chiểu theo quy hoạch.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và TP. Đà Nẵng, đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2021. UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức khởi công vào tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Trong khi đó, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) bao gồm 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng. Theo tính toán sơ bộ của UBND TP. Đà Nẵng, chi phí đầu tư vào khoảng 48.304 tỷ đồng.

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng từng đề xuất hai phương án đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư). Cụ thể, phương án 1 triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư 2 bến khởi động trong giai đoạn I với tổng chiều dài cầu cảng 750 m; các bến tiếp theo sẽ được triển khai sau. Phương án 2 thực hiện kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu gồm 8 bến container; 6 bến tổng hợp cho giai đoạn đến năm 2050 (trong đó phân kỳ đầu tư đến năm 2030 là 2 bến container) với tổng diện tích 450 ha; lượng hàng thông qua đạt khoảng 50 triệu tấn.

Hiện phương án 1 đã có 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng và liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - Tập đoàn Adani (Ấn Độ) nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng 2 bến khởi động cảng Liên Chiểu. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư trên cơ sở hồ sơ của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Điều đáng nói là, thời gian qua, UBND TP. Đà Nẵng luôn nghiêng về phương án 2, đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hướng dẫn UBND TP. Đà Nẵng thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Sức hấp dẫn lớn

Theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, nếu chọn phương án 1 cho Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư), sẽ có nhiều nhà đầu tư đáp ứng được năng lực tài chính, kinh nghiệm khai thác cảng; tiến độ đầu tư có khả năng đáp ứng đồng bộ với thời điểm hoàn thành, đưa vào khai thác của Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu (vào năm 2025).

Tuy nhiên, phương án 1 có hạn chế là có thể không chọn được nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính đầu tư tổng thể toàn bộ khu bến, dẫn tới việc khai thác thiếu đồng bộ như tại một số bến cảng giai đoạn trước đây, việc khai thác bến cảng không phát huy hiệu quả bằng phương án đầu tư toàn bộ khu bến.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị, nếu đầu tư theo phương án 2, phải dừng thẩm định các hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đã nhận. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có thể dừng thẩm định nếu cả hai hồ sơ đều không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 33, Luật Đầu tư. Do đó, nếu triển khai theo phương án 2, UBND TP. Đà Nẵng cần nghiên cứu đề xuất phương án xử lý.

Tại Công văn số 8131/BKHĐT-PTHTĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tại phương án 1, do đầu tư thành từng 2 bến riêng lẻ, sẽ không chọn được nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính để đầu tư toàn bộ khu bến; việc khai thác không phát huy hiệu quả bằng phương án đầu tư toàn bộ khu bến.

Phương án 2 có tính tổng thể, tận dụng và tối ưu hóa hiệu quả khai thác đường bờ chiều dài khu bến, có cơ hội thu hút được nhà đầu tư lớn, tiềm lực, đầu tư đồng bộ khu bến cảng và khu hậu cần sau cảng, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển; đồng thời có thể sẽ lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực về tài chính và khả năng khai thác cảng.

Tuy nhiên, trường hợp có 1 nhà đầu tư khi thực hiện gặp rủi ro về năng lực tài chính, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh khai thác của toàn bộ dự án, lỡ mất cơ hội đầu tư xây dựng các bến cảng khu bến Liên Chiểu theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại, việc kêu gọi đầu tư toàn bộ một lần khu bến cảng Liên Chiểu có thể dẫn đến việc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không được tham gia đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác giai đoạn khởi động.

Đồng thời, với tiến trình quy hoạch sau năm 2030 từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, có khả năng gây mất vốn nhà nước và phát sinh các vấn đề xã hội đối với người lao động.

Hiện nay, các khu bến cảng có quy mô lớn là các khu bến Cần Giờ (TP.HCM), Cái Mép Hạ và Cái Mép Hạ hạ lưu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Đề (Sóc Trăng) đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Trường hợp cấp thẩm quyền quyết định đầu tư khu bến Liên Chiểu theo phương án 2, sẽ là tiền đề để kêu gọi đầu tư một lần toàn bộ từng khu bến nêu trên.

“Việc đầu tư đồng bộ toàn bộ các bến cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch) sẽ tối ưu hóa khả năng khai thác tuyến mép bến cho cỡ tàu lớn, nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác, nhất là đối với các cảng biển lớn, phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và quốc tế hiện nay, có khả năng dành dư địa để phát triển tiếp trong tương lai (sau năm 2050)”, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (đơn vị nắm 75% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng) đã ký thỏa thuận hợp tác với Adani để có thể hình thành liên danh tham gia đầu tư bến cảng Liên Chiểu khi Thủ tướng thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư. Trong trường hợp này, việc dừng các bước thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không có vướng mắc.

Ngoài ra, hiện có một số nhà đầu tư lớn khác như liên danh BRG - Sumitomo đang quan tâm tới Dự án. “Do đó, việc kêu gọi đầu tư theo phương án 2 sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện công trình”, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đánh giá.

Nguồn: Link nguồn Báo Đầu tư

 

(1)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
(2) Công nghệ mới trong logistics và quản trị chuỗi cung ứng, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 32
Số người truy cập: 6.233.784
Chung nhan Tin Nhiem Mang