Các bến xe đã sẵn sàng hòa mạng quản lý chung
Giải pháp nâng cao chất lượng vận tải khách
Về quy định này, ông Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) cho biết: “Hải Phòng có một bến loại 1 (bến xe phía Bắc), một bến loại 2 (bến xe Thượng Lý) còn lại là các bến xe loại 2, 3, 4. Hiện, toàn bộ các bến xe đều thực hiện nghiêm túc theo quy chuẩn với đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, diện tích và các dịch vụ tiện ích”.
Tại Hải Phòng, bến xe Thượng Lý được đánh giá là hiện đại nhất với cơ sở hạ tầng mới, quản lý bằng công nghệ hiện đại, kết nối truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN. Ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Kim khí Hải Phòng (đơn vị quản lý bến xe Thượng Lý) cho biết: “Bến xe đang hướng tới chất lượng phục vụ tương tự sân bay, kiểm soát tự động bán vé, thống kê lượng xe vào, hành khách”.
Tương tự, ông Trần Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Nam Định) cho hay, vừa qua các bến xe trên địa bàn thực hiện công bố lại, Sở GTVT đã yêu cầu bến phải áp dụng phần mềm quản lý có kết nối, truyền dẫn dữ liệu về máy chủ của tổng cục thì mới đủ điều kiện công bố lại. Hiện, trên địa bàn có 11 bến xe thì chỉ còn bến xe Ý Yên (bến loại 5) chưa công bố lại và chưa kết nối.
Ông Phan Kế Đức, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Yên Bái) cho biết, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 7 bến xe, trong đó có 4 bến xe loại 4 trở lên đều đã lắp phần mềm quản lý bến, hệ thống camera giám sát và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN. 3 bến xe còn lại là bến xe loại 5 nên theo quy định chưa cần lắp đặt phần mềm quản lý này. Hàng tháng, Sở GTVT có văn bản yêu cầu các bến xe rà soát, báo cáo tình hình hoạt động thường xuyên để nếu có vấn đề sẽ xử lý ngay.
Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó giám đốc Sở GTVT Lào Cai cho biết, đến nay, 100% các bến xe trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phần mềm quản lý bến xe và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN. “Phần mềm quản lý của các bến đang phát huy tốt hiệu quả”, ông Thạo cho hay.
Lo ngại trục trặc đường truyền dẫn
Chiều 21/9, PV Báo Giao thông có mặt và ghi nhận tại bến xe Hà Tĩnh mới được đầu tư xây dựng nên cơ sở hạ tầng, thiết bị khá khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, theo quan sát, lưu lượng xe khách ra vào bến khá thưa thớt. Ngoài bằng lái được kiểm tra bằng phần mềm thì việc kiểm tra các loại giấy tờ khác của xe chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công, do con người rà soát nên còn khá cồng kềnh.
Được biết, ngay sau khi đầu tư xây dựng mới, bến xe Hà Tĩnh đã ứng dụng Phần mềm quản lý bến xe nội bộ LCSMS mua tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Hoàn, Phó trưởng bến xe Hà Tĩnh, qua thời gian sử dụng, phần mềm LCSMS xuất hiện nhiều lỗi bất cập. Ví dụ: Một nhà xe đăng ký 3 xe chạy tuyến thì bình thường mọi thông số của nhà xe đều hiện lên phần mềm. Nhưng vào các dịp lễ, Tết có thêm xe tăng cường, hoặc xe đăng ký có sự cố nhà xe điều xe tăng cường thì bến xe lại phải đăng nhập tại từ đầu như khi đăng ký 3 xe thì mới hiển thị các thông số. Chưa kể, phần mềm này được xây dựng trên số tuyến của Đà Nẵng mà không xây dựng trên số tuyến của các bến xe trên cả nước. Nên nếu tuyến nào Đà Nẵng không có thì sẽ phải điện thoại vào đơn vị xây dựng phần mềm để được bổ sung, khá mất thời gian. “Ngoài ra, phần mềm LCSMS không lưu trữ dữ liệu, cứ hết 24 giờ là tự động mất hết, dữ liệu đó có truyền đi nơi nào không chúng tôi cũng không biết được”, ông Hoàn thông tin.
Theo ông Nguyễn Kiều Huân, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Bắc Kạn), hiện trên địa bàn tỉnh có 4/6 bến xe đang lắp đặt hệ thống phần mềm quản lý mua tại một công ty ở Đà Nẵng, nhưng chưa thể truyền về được cho tổng cục vì trục trặc, trong khi đơn vị cung cấp và lắp đặt chậm giải quyết vướng mắc. “Sở GTVT đã có thông báo yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm, đưa vào sử dụng ổn định, hiệu quả theo tiến độ đề ra”, ông Huân thông tin.
Ông Lưu Việt Anh, Phó giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có bến xe khách tại TP Tuyên Quang đang áp dụng phần mềm quản lý bến xe, hệ thống camera giám sát, kết nối và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ. Phần mềm này cũng mua từ một công ty tại TP Đà Nẵng, nhưng mấy ngày qua hệ thống lỗi không thể truyền dữ liệu. “Các bến xe trên cả nước nên có một phần mềm quản lý chung và một nhà cung cấp chất lượng, hợp lý để dữ liệu truyền về tổng cục được đồng nhất, thuận lợi cho cả tổng cục trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin lẫn các bến xe trong quá trình vận hành, sửa chữa”, ông Việt Anh nói.
Ông Lê Ngọc Thành, Phó giám đốc Công ty CP Xe khách Thanh Hóa cũng thông tin, doanh nghiệp vừa phối hợp với một công ty ở Đà Nẵng lắp đặt phần mềm quản lý ở 3 bến xe của TP Thanh Hóa (Bến xe phía Nam, bến xe phía Tây và bến xe phía Bắc). Qua sử dụng, phần mềm có một số trục trặc như giật, đơ, khởi động lâu gần 1 tiếng đồng hồ. “Chúng tôi mong muốn có một phần mềm ổn định để lắp đặt xong cho các bến trước ngày 31/12/2018, sau đó khi thông tuyến dữ liệu sẽ tiến tới áp dụng phần mềm quẹt thẻ cho các xe ra vào bến”, ông Thành nói.
Cùng quan điểm, ông Bùi Phan Lương, Trưởng bến xe Hà Tĩnh mong muốn Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ có những hướng dẫn để các bến xe tìm kiếm, tiếp cận được phần mềm hoàn thiện, hiệu quả cao khi triển khai. Còn ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái (Sở GTVT Ninh Bình) đề nghị Tổng cục Đường bộ VN thống nhất sử dụng một loại phần mềm chung áp dụng cho tất cả các bến xe trên cả nước để tiện cho công tác theo dõi xử lý.