Thương mại nông sản ĐBSCL: Muốn phát triển cần cải thiện logistics
Ngày 23/4/2019, UBND TP Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản & thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Theo VLA , ĐBSCL là vùng cây ăn trái chủ lực, chiếm 50% tổng diện tích và 60% sản lượng trái cây của cả nước. Tổng sản lượng thủy sản 2018, cả nuôi trồng và đánh bắt, là 7,74 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 8,9 tỷ đô la Mỹ, trong đó chủ yếu là khu vực ĐBSCL, chiếm 4-5% GDP.
Hội thảo là nơi các chuyên gia, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, thảo luận về các vấn đề tồn tại và đưa ra các giải pháp, các mô hình vận tải và logistics hiệu quả để cắt giảm chi phí logistics hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu hàng nông sản và thủy sản tại Cần Thơ nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.
Tại hội thảo, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, TP đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hạng II, tại cảng Cái Cui (quận Cái Răng) với diện tích trên 242ha. UBND TP Cần Thơ cũng đã trình chính phủ dành hơn 300ha xây dựng Trung tâm logistic hàng không. Cạnh đó, Cần Thơ có cảng biển, sân bay quốc tế nhưng lại chưa khai thác hết công suất, đường sắt thì cũng chưa có.
Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá dịch vụ logistics tại ĐBSCL còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ và tính kết nối, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế khu vực. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa do phát sinh chi phí, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan. Vì vậy, các địa phương trong khu vực cần có sự kết nối vững chắc, nâng cao hiệu quả chất lượng giá trị nông sản.
VITIC tổng hợp