Tìm giải pháp tháo gỡ ùn tắc cảng do 2,8 vạn container tồn đọng
Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn , Tân cảng Cát Lái (TP.HCM) đang chứa một lượng hàng tồn đọng lâu ngày lên đến 8.050 container. Trong số này, có 5.234 container nhựa, giấy phế liệu; 2.816 container chưa xác định được hàng hóa do khách hàng chưa làm thủ tục thông quan và có nguy cơ tiếp tục tồn lâu tại cảng. “Tổng công suất chứa hàng của Cát Lái chỉ khoảng 100 nghìn container. Số hàng tồn đọng lâu ngày quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt bằng và kinh doanh của cảng”, ông Thuấn nói.
Còn theo ông Nghiêm Quốc Vinh, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, khu vực cảng Hải Phòng hiện có tới 1.476 container phế liệu còn tồn đọng.
Trong đó, có hơn 1.000 container đã lưu tại bãi cảng hơn 90 ngày, nhiều container có thời gian “lưu trú” lên tới 5-6 năm bị chủ hàng từ chối nhận do chi phí lưu kho, lưu bãi phát sinh cao. Hiện, số container này có nguy cơ bị hư hỏng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp (DN) cảng biển, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Nói rõ về nguyên nhân của tình trạng này, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, việc tồn đọng lượng lớn container phế liệu tại khu vực cảng biển Việt Nam do chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi.
“Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải từ đầu năm 2018. Khi chính sách này có hiệu lực, một lượng lớn các mặt hàng phế liệu từ các nước phát triển như: Mỹ, châu Âu, Úc... không được nhập khẩu vào Trung Quốc mà tìm đường vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, việc hàng hóa chậm luân chuyển tại các cảng biển Việt Nam khiến các DN cảng phải luân chuyển vị trí các container trong bãi cảng hoặc giữa các bến cảng, ICD khác nhau làm gia tăng chi phí, giảm hiệu quả khai thác cảng, ảnh hưởng tới hàng hóa xuất nhập khẩu khác của Việt Nam.
Trước tình trạng hàng tồn quá nhiều, lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn vừa kiến nghị Cục Hàng hải VN làm việc với cơ quan Hải quan tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, đối với hàng tồn trên 90 ngày tại Cát Lái, cho phép Tân cảng Sài Gòn chuyển về Tân cảng Hiệp Phước. Đồng thời, cho phép khách hàng làm thủ tục và nhận hàng tại Hiệp Phước mà không phải đổi cảng đích. Đối với hàng nhựa, giấy phế liệu, cho phép Tân cảng Sài Gòn vận chuyển các lô hàng đã lưu bãi quá 30 ngày tại Cát Lái về các cơ sở khác như Tân cảng Hiệp Phước, ICD Nhơn Trạch, ICD Long Bình... và khách hàng cũng được làm thủ tục, nhận hàng tại các cơ sở này.
Gần đây, Cục Hàng hải VN có báo cáo gửi Bộ GTVT và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang, để xử lý tình trạng hàng hóa chậm luân chuyển, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng biển, đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm có văn bản hướng dẫn di chuyển container phế liệu trên về các cảng cạn ICD hoặc các cảng khác; Cùng đó, hỗ trợ các cảng và hãng tàu chuyển các lô hàng tồn đọng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu, phát sinh thời gian và chi phí.
VITIC tổng hợp/ Tham khảo Báo Giao thông