Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Hệ lụy từ căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ

27/12/2023 13:39
Đứt gãy vận tải trên Biển Đỏ không chỉ tác động đến ngành năng lượng, vận tải đường biển, mà còn ảnh hưởng lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nền kinh tế.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng - một sáng kiến an ninh đa quốc gia do Mỹ đứng đầu, có vai trò quan trọng trong duy trì tự do hàng hải ở Biển Đỏ trước các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào tàu hàng qua lại khu vực eo biển Bab al-Mandeb nằm ở cực Nam Biển Đỏ.



Ngoài Mỹ, các nước tham gia chiến dịch này gồm có Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.

Kể từ giữa tháng 11 đến nay, phiến quân Houthi liên tục tấn công tên lửa, thiết bị bay không người lái nhằm vào các tàu chở hàng gần eo biển Bab al-Mandeb. Hành động này khiến nhiều tập đoàn vận tải đường biển lớn nhất thế giới như MSC (Thụy Sỹ), A.P. Moller - Maersk (Đan Mạch), Hapag-Lloyd AG (Đức), Euronav (Thụy Sỹ), Frontline (Na Uy) phải ra “thông báo treo” đối với tàu hàng đi qua Biển Đỏ - hoặc là tiếp tục thả neo chờ thông báo mới, hoặc lựa chọn tuyến đường thay thế,

Theo Stephen Gordon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại hãng Clarksons, hàng hóa từ châu Á sang châu Âu nếu phải chạy vòng qua mũi Hảo Vọng thay vì qua kênh đào Suez như thông thường sẽ mất thêm 9 ngày, từ 31 ngày lên 40 ngày. Còn tàu chở dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ mất gấp đôi thời gian vận chuyển, khiến mỗi chuyến hàng đội thêm chi phí hàng triệu USD.

Tác động trực tiếp từ căng thẳng Biển Đỏ đến giá dầu cho tới nay vẫn còn tương đối hạn chế. Hiện tại, giá dầu mới chỉ có những thay đổi rất nhỏ, tăng 1% vào ngày 18/12, nhưng ngày 19/12 lại không mấy biến động, với giá dầu thô Brent giao dịch ở mức khoảng 78 USD/thùng. Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Việc giá dầu tăng gần đây là điều dễ hiểu, nhưng đà tăng sẽ không kéo dài trừ khi nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Trong khi đó, những người tham gia thị trường LNG tin rằng thương mại LNG có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ không có tác động lớn đến nguồn cung toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Nhật Bản (JGA) Takahiro Honjo nhận định mặc dù có những rủi ro nhưng “tôi không nghĩ rằng khủng hoảng nguồn cung sẽ đột ngột xảy ra sớm”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng mọi thứ có thể leo thang đáng kể nếu Houthi tiếp tục các cuộc tấn công. Phí bảo hiểm và giá các sản phẩm dầu khí dự kiến sẽ tăng nếu xung đột không được giải quyết. Một nguồn tin vận chuyển giấu tên cho biết phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đã tăng từ 2.000 USD lên 10.000 USD do sự gián đoạn vận tải trên Biển Đỏ.

Đứt gãy vận tải trên Biển Đỏ không chỉ tác động đến ngành năng lượng, vận tải đường biển, mà còn ảnh hưởng lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nền kinh tế, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ai Cập sẽ là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, khi nguồn thu 10 tỷ USD từ kênh đào Suez sẽ bị sụt giảm do tàu hàng giảm qua lại trên Biển Đỏ. Tiếp đến là những nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa qua châu Âu qua kênh Suez. Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ - đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất, gặp thách thức. Theo tính toán, một tàu dầu từ cảng Novorossiysk (Nga) trên Biển Đen đến Ấn Độ mất khoảng 18 ngày khi qua kênh Suez và eo Bab al-Mandeb, nhưng sẽ mất 50 ngày nếu qua mũi Hảo Vọng.

Link gốc
 
THÔNG TIN THAM KHẢO VỀ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG, LOGISTICS: 

(1)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
(2) Công nghệ mới trong logistics và quản trị chuỗi cung ứng, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 4.355.260
Chung nhan Tin Nhiem Mang