Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam trong 10 tháng năm 2018

20/11/2018 09:54

Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2018, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt khoảng 431 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng hóa container đạt gần 14,8 triệu TEU, tăng lần lượt 19% và 26% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng tháng 10/2018, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 43 triệu tấn tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu, các cảng biển tại khu vực Quảng Nam có sản lượng hàng hóa thông qua cao nhất so với cả nước (tăng 109,93%) chủ yếu là lượng hàng khô và hàng tổng hợp; Tiếp đến là các cảng: Hà Tĩnh (tăng 98,3%), Nghệ An (tăng 64%).

Tuy vậy, ngoài nhóm khu vực cảng tăng trưởng kể trên, vẫn còn một số cảng biển tại Kiên Giang, Nha Trang có lượng hàng thông qua giảm mạnh từ 28 - 64% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do năm 2018, khu vực Kiên Giang không có khối lượng cát được nạo vét luồng ở Quân cảng như năm 2017.

T
ính đến tháng 12/2017, tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển là 251 bến với khoảng 88 km chiều dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm.

So với những năm đầu tiên triển khai thực hiện quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng (năm 2000 đạt khoảng 20.000 mét, đến thời điểm báo cáo đạt 87.550 mét).

Còn theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 536,4 triệu tấn hàng, như vậy mức độ sử dụng của hệ thống cảng Việt Nam đạt đến 98,66%, một con số dẫn đến kết luận là chúng ta đã khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả.

Việt Nam đã có những bến cảng mới, hiện đại ở Cái Mép - Thị Vải (CM-TV), Hiệp Phước, Lạch Huyện, Cái Lân để thay thế cho những bến cũ vốn tồn tại từ sau chiến tranh, và đặc biệt chúng ta đã có được các cảng nước sâu để giảm tình trạng hàng hóa xuất khẩu phải xếp dỡ nhiều lần tại các cảng trung chuyển trong khu vực.

Xét về con số, hệ thống cảng biển cũng đã bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển theo yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, mục tiêu được đặt ra từ Quy hoạch 202. Cũng theo Cục Hàng hải, lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng trưởng ổn định, trung bình khoảng 10%/năm, với sản lượng năm 2015 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2009, và rõ ràng là hệ thống cảng biển vẫn đáp ứng được mức tăng trưởng này.

Xét về thu hút đầu tư, ngay từ trước khi có Quy hoạch 202, một số nhà đầu tư và khai thác cảng nước ngoài đã đến đầu tư vào lĩnh vực khai thác cảng tại Việt Nam thông qua một số dự án liên doanh tại khu vực TPHCM, điển hình là qua các cảng VICT và Lotus. Đến sau khi Chính phủ lên kế hoạch di dời các cảng ở khu vực TPHCM ra Hiệp Phước và CM-TV, thì nhóm cảng số 5 của Việt Nam đã là một trong những nhóm cảng hiếm hoi trên thế giới thu hút được vốn đầu tư của Tứ đại gia khai thác cảng container thế giới (Big 4) là Hutchison Ports, PSA, APM Terminals và Dubai Port World, với dự án có tổng vốn đầu tư “bèo” nhất cũng đã là 250 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh Big 4, thì các hãng tàu quốc tế như MOL, NYK, Hyundai, Wan Hai, Yang Ming, Hanjin... cũng đã bày tỏ ý định đầu tư khai thác cảng ở Việt Nam, nhiều hãng sau đó đã rót vốn vào các dự án cảng khác nhau trên toàn quốc. Không chỉ giới hạn trong đầu tư cảng container, các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã rót tiền đầu tư vào Việt Nam để khai thác các bến chuyên dụng như Interflour, Bunge, Formosa, Lee&Man, Wilmar...

VITIC tổng hợp

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 10
Số người truy cập: 6.255.149
Chung nhan Tin Nhiem Mang