Ngành hàng không Việt Nam: đến năm 2020 đạt 120 triệu hành khách và 2,5 triệu tấn hàng hóa
Năm 2017, toàn ngành hàng không chuyên chở được trên 93 triệu hành khách (bằng 115% so với năm 2016) và trên 1 triệu tấn hàng hóa. Dự báo, đến năm 2020 đạt 120 triệu hành khách và 2,5 triệu tấn hàng hóa).
Hiện cả nước có 21 cảng hàng không, gồm 8 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa đang hoạt động khai thác. Trong đó, 3 cảng có thể đáp ứng khai thác loại máy bay B747, B777 (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất); 11 cảng đáp ứng khai thác loại máy bay A321 (Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Tuy Hoà); 6 cảng đáp ứng khai thác loại máy bay ATR72 (Điện Biên, Pleiku, Côn Sơn, Cà Mau, Rạch Giá, Phú Quốc).
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, do áp lực từ tăng trưởng, đã dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều sân bay trên cả nước, đặc biệt tại các trung tâm lớn như Hà Nội, Tp.HCM hay tại các địa phương ven biển. Công tác dự báo, quy hoạch còn nhiều bất cập, nhiều nội dung không phù hợp so với thực tế phát triển, dẫn đến đầu tư chắp vá, vừa đầu tư xong đã phải sửa chữa.
"Đầu tư phát triển các sân bay thời gian qua còn tình trạng thiếu bài bản, chưa khoa học, không đồng bộ. Mỗi sân bay một kiểu, không được tính toán tổng thể, chưa có dấu ấn, sân bay không phải là một công trình kiến trúc đẹp, tạo điểm nhấn của cả nước hay của một địa phương", Phó thủ tướng nói.
Về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, với tốc độ tăng trưởng hàng không như hiện nay, cảng hàng không Nội Bài đã trở nên quá tải.
Cảng hàng không Nội Bài có công suất hạ tầng hiện hữu khoảng 21 triệu hành khách (với 2 đường cất hạ cánh song song cách nhau 250 m) nhưng thực tế khai thác năm 2017 đã đạt gần 24 triệu hành khách, gây áp lực tại các nhà ga, khu đỗ, khu hậu cần, hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại.
"Một trong hai đường cất hạ cánh đang hư hỏng nặng, nếu không được sửa chữa khẩn cấp, sẽ có thể gây hư hỏng nặng trong thời gian tới", ông Thắng nói.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía bắc. Đến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng đạt 20-25 triệu hành khách/năm. Đến năm 2030, Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng nhiều nội dung của Quy hoạch đã không còn phù hợp. Do vậy, ông Thọ cho rằng phải khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, xem còn phù hợp thực tế hay không, tránh để đến lúc quá tải như Tân Sơn Nhất mới điều chỉnh.
Quan điểm của Bộ cho rằng, cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài về hướng Nam, đạt công suất 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Đối với sân bay Nội Bài, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nếu không chủ động sửa chữa, nâng cấp kịp thời, sẽ có thể ảnh hưởng rất nặng nề về lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển của Hà Nội và cả nước.
Việc xây dựng nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài phải đảm bảo tốt các yêu cầu về dự báo lưu lượng hành khách và hàng hóa; xây dựng các khu bay và nhà ga T3; kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là khu vực đất quốc phòng do Sư đoàn Không quân 371 quản lý; các tuyến giao thông đối ngoại về nội đô và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…
Về quy mô cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải chủ động mời các nhà khoa học sớm nghiên cứu, tính toán quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài tầm nhìn 2050 để đưa ra quy mô phù hợp của sân bay Nội Bài, đạt từ 80-100 triệu hành khách/năm.
Phó thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất sử dụng nguồn ODA của Pháp để rà soát quy hoạch cũ, đề xuất phương án mở rộng và lập quy hoạch chi tiết sân bay Nội Bài. Yêu cầu phải triển khai thật nhanh, khoa học, bài bản, khách quan, thực hiện xong công tác chuẩn bị trong tháng 6/2019 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trình Quốc hội phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ huy động nguồn lực để có thể triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030.
VITIC tổng hợp/ Tham khảo vneconomy.vn