Chuyển đổi số xóa điểm yếu ngành logistics
Còn nhiều điểm yếu
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Theo đánh giá của Agility năm 2022, xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
“Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…”, ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Có thể thấy, trong lĩnh vực logistics, công nghệ mới đang thay đổi nhanh chóng cách thức hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trước làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh, đầu tư, ứng dụng công nghệ logistics được đánh giá là giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc khối vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; phát triển logistics xanh bền vững.
Lột xác cùng thương mại điện tử
Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cho biết trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống là điều tất yếu của sự phát triển ngành logistics, lý do cho sự thay đổi này là do nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nhà kho hiện đại được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển. Điều này là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Ông Robbin Hou, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Đông cho biết, không giống như chu kỳ vận chuyển hàng hóa của thương mại nói chung, logistics rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành thương mại điện tử.
“Thương mại điện tử chủ yếu là kinh doanh hướng đến người tiêu dùng và người mua có yêu cầu cao về tính kịp thời của logistics, hay nói cách khác, việc chờ đợi sau khi mua sắm là một quá trình khiến người mua hàng online cảm thấy hồi hộp và lo lắng. Vì vậy, việc vận chuyển nhanh chóng, hiệu quả có thể khiến cho người tiêu dung ngày càng hài lòng đối với việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử”, ông Robbin Hou chia sẻ và cho biết thêm, một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ hoàn trả của các cửa hàng quốc tế cao hơn ba lần so với các cửa hàng trong nước. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Tốc độ giao hàng của vận chuyển quốc tế quá lâu khiến người tiêu dùng mất đi niềm vui khi mua hàng và đó chính là nguyên nhân khiến người mua hoàn trả.
Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, điều này càng làm thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử. Do đó, thương mại điện tử chỉ giải quyết quy trình giao dịch của hàng hóa, còn logistics hoàn thành khâu bàn giao hàng hóa, cuối cùng tạo thành một vòng giao dịch khép kín. Vì vậy, logistics chính là sự đảm bảo giao dịch và là một phần quan trọng của thương mại điện tử.
Theo ông Robbin Hou, để phục vụ tốt hơn cho ngành thương mại điện tử, ngành logistics cần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý hiện đại hóa, đồng thời sự thay đổi không ngừng của thương mại điện tử cũng sẽ tác động và thúc đẩy ngành logistics. Ngành logistics truyền thống yêu cầu quản lý kho tập trung, quy mô lớn. Nhưng dưới sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các kho phân phối trở nên linh hoạt hơn. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng đã nâng cao chất lượng quản lý hiện đại hóa của ngành logistics. Chế độ quản lý và vận hành duy nhất của logistics truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử. Do đó, hệ thống quản lý phần mềm và các cơ sở hỗ trợ phần cứng tương ứng của ngành logistics cũng cần được nâng cấp, cải tiến và phát triển.
Sắp tới, triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG) lần đầu tiên tổ chức chuyên biệt dành cho ngành kinh doanh dịch vụ logistics, triển lãm được kỳ vọng sẽ xúc tiến thương mại diễn ra mạnh mẽ, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, đồng thời tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành Logistics.
Ngọc Linh
Link gốc
ĐỂ CẬP NHẬT CÁC THÔNG TIN, SỐ LIỆU CHI TIẾT VÀ MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, XIN MỜI THAM KHẢO TÀI LIỆU
Tham khảo Biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2015-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo (phát hành vào tháng 5/2023)