Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Chuyển đổi số trong logistics: Kinh nghiệm quốc tế (Phần 1)

24/04/2023 13:48
Nhiều quốc gia đã tích hợp 5G trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics. Một bài học lớn từ những kinh nghiệm này là cần phải xây dựng một nền tảng hạ tầng và thị trường công nghệ hiệu quả.

Ứng dụng 5G trong hoạt động của chuỗi cung ứng có thể giúp các công ty tối ưu hóa các lộ trình để tránh sự thiếu hiệu quả. Với khả năng kết nối mạng được cải thiện, chủ sở hữu các phương tiện vận tải có thể thực hiện “theo dõi vị trí phương tiện nâng cao và phân tích tình trạng đường đi” bằng cách sử dụng các tính năng GPS và bản đồ GIS có độ phân giải cao.


Trước đây, thiếu kết nối về thông tin, dữ liệu khiến việc huy nguồn giữa các khu vực và triển khai dịch vụ logistics liên phương thức gặp khó khăn. Kết nối tốt hơn giúp theo dõi lộ trình tốt hơn, giảm tỷ lệ thất lạc hàng hóa và tiết kiệm chi phí.

Hơn nữa, ứng dụng 5G trong logistics sẽ giúp khắc phục tình trạng mất tín hiệu và vùng phủ sóng không vốn thường gây khó khăn lớn cho ngành. Thực tế cho thấy mất kết nối ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp khách hàng của họ, đồng thời gây ra tình trạng tắc nghẽn và dẫn đến những sai sót trong kiểm tra hàng tồn kho.

Vào tháng 10/2022, Ấn Độ đã đưa vào vận hành hệ thống 5G, thế hệ tiếp theo của tiêu chuẩn băng thông rộng. Với những nỗ lực của Chính phủ, đến tháng 12/2022, 5G đã có mặt ở 50 thành phố. 5G được cho là sẽ đóng một vai trò tích cực trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của Ấn Độ, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhất định như logistics.


Phạm vi giám sát và theo dõi dịch vụ logistics sẽ được mở khi 5G đang nhanh chóng mở rộng ở các thành phố cấp 2 và 3 của Ấn Độ. Theo đó, dải tần số thấp hơn sẽ dùng cho các vùng phủ sóng rộng hơn ở các khu vực ngoại thành và nông thôn, và dải tần số cao hơn cung cấp vùng phủ sóng tốt hơn ở các khu vực đô thị mật độ cao ; qua đó ngành logistics và chuỗi cung ứng cuối cùng sẽ có thể cung cấp vùng phủ sóng liên tục từ đầu đến cuối.

Các công ty logistics của nước này được khuyến khích sớm chuyển đổi công nghệ, tăng cường sử dụng thiết bị viễn thông và internet vạn vật (IoT).  5G sẽ giúp họ cải thiện hiệu quả dịch vụ trong một môi trường nhiều biến động và cạnh tranh cao. 5G tạo ra một cấp độ kết nối mới với tốc độ nhanh hơn và độ trễ thấp hơn trong công nghệ giao thông vận tải, cải thiện việc cung cấp dữ liệu từ các cảm biến đến điều phối và vận hành, nâng cấp các trình điều khiển, giúp cải thiện năng suất và hiệu suất.

Khi các doanh nghiệp dịch vụ logistics sử dụng công nghệ 5G, họ cũng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho khách hàng thông qua những dịch vụ được tùy biến và cá nhân hóa phù hợp với xu hướng nhu cầu mới của các chủ hàng và khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng.

Theo Pranav Goel, Giám đốc điều hành & Đồng sáng lập của công ty hậu cần Porter, 5G sẽ giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics triển khai các dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ thực tế ảo (AR), quản lý việc quảng bá, kiểm soát lịch trình bằng video cho khách hàng và đối tác. Sự chuyển đổi này sẽ hỗ trợ khách hàng thông qua các đại lý video cùng với việc kiểm tra phương tiện và cải thiện tương tác người dùng giữa các phân khúc, dọc suốt chuỗi cung ứng. Thậm chí các nhà đóng gói cũng sẽ tham gia vào quá trình này ngay từ đầu để đảm bảo hàng hóa ở trong tình trạng tốt nhất trong suốt quá trình lưu thông.

Không chỉ là những cải thiện về công nghệ ở từng khâu, với những ưu điểm vượt trội của 5G, lĩnh vực logistics của Ấn Độ có thể hưởng lợi từ sự nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn như hệ thống kiểm soát lịch trình dọc theo các tuyến đường cao tốc, đường thủy, cảng biển, nhà ga, sân bay, đến hệ thống nhà kho thông minh, hệ thống vận chuyển hoàn toàn tự động và quản lý lưu thông hàng hóa nhanh chóng, minh bạch.

Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế trong quá trình nâng cấp hạ tầng viễn thông cho dịch vụ logistics tại Ấn Độ, tiêu biểu là tại các khu vực địa lý phức tạp và mạng lưới có xuất phát điểm thấp.

 Ấn Độ cũng khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực hợp tác trong phát triển và ứng dụng, đổi mới công nghệ cho phù hợp với đặc thù của ngành và địa phương, bởi hiệu quả của logistics cần đạt được thông qua sự nâng cấp của toàn chuỗi cung ứng, thay vì chỉ tập trung vào một khâu hay một nhóm doanh nghiệp nhất định.

Nguồn: VITIC  (Trích từ Báo cáo quy định, chính sách trong logistics)


NGOÀI RA, ĐỂ CẬP NHẬT CÁC THÔNG TIN, SỐ LIỆU CHI TIẾT VÀ MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, XIN MỜI THAM KHẢO TÀI LIỆU
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 1
Số người truy cập: 4.341.396
Chung nhan Tin Nhiem Mang