Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

Trang bị kỹ năng số cho nguồn nhân lực đưa ngành logistics phát triển

16/08/2023 15:06

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới.

Thông tin tại Diễn đàn đào tạo nguồn nhân lực Logistics Việt Nam – VLET 2023 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng ban Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng đang phải đối mặt với sự thay đổi, số hóa trong quá trình vận hành và quản lý. Để đáp ứng được yêu cầu của xu hướng phát triển, đội ngũ nhân lực với trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cần phải được đào tạo và trang bị kỹ năng số.

Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam thực hiện tháng 7/2023 về kỹ năng số trong lĩnh vực logistics cho thấy, mức độ đánh giá năng lực của nhân viên trong lĩnh vực này ghi nhận kỹ năng về ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội được đánh giá cao nhất (điểm 4.02/5), còn kỹ năng sáng tạo nhận điểm thấp nhất (3.21/5); kỹ năng chuyển đổi số (3.23/5) và IT (3.28/5).

Đối với việc thực hiện các chính sách và quy trình để đào tạo nhân viên về kỹ năng số và chuyển đổi số, hơn 86,2% doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, có thể cho thấy rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số và đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hơn 63% doanh nghiệp cho rằng cần hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Công ty Cổ phần Logistics U&I cho biết, từ những thách thức về nguồn nhân lực, năng lực số của nhân sự và rào cản tâm lý trong giai đoạn chuyển đổi số, đơn vị đã sử dụng giải pháp quản trị kho để giảm nhân sự vận hành, giải pháp quản trị vận tải để tối ưu hóa vận chuyển. Đồng thời, áp dụng giải pháp cho đại lý thủ tục hải quan để tăng năng suất xử lý thủ tục hải quan và quản lý tốt hơn quy trình kế toán.

TS. Lê Ngọc Trung, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển nhân lực logistisc Việt Nam (VALOMA), Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại cho biết, VALOMA đang triển khai nhiều hoạt động kết nối hội viên nhằm nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giảng viên ngành Logistics và chuỗi cung ứng hướng tới thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho sinh viên một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hữu Nghĩa, Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực Công ty Cổ phần Logistics U&I, trong quá trình chuyển đổi số, U&I gặp phải một số khó khăn về đội ngũ nhân lực IT liên quan đến các vấn đề về số lượng, ngân sách và trình độ của nhân lực tại thời điểm bắt đầu thực hiện còn khá khiêm tốn.

Từ thực tế sử dụng lao động, ông Phạm Nam Long, Tổng giám đốc và nhà sáng lập Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam (ABIVIN) cho rằng, lực lượng lao động ngành logistics Việt Nam có một số ưu điểm về kỹ năng số dựa trên khả năng thích nghi, sẵn sàng học hỏi và phần lớn còn trong độ tuổi trẻ nên nhanh chóng làm quen với công nghệ. Tuy nhiên, nhược điểm cố hữu mà lực lượng lao động ngành logistics Việt Nam gặp phải về kỹ năng số bắt nguồn từ việc thiếu đào tạo chuyên sâu và tiếp xúc hạn chế với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo , học máy và phân tích dữ liệu nâng cao, gây trở ngại đến khả năng tận dụng những công nghệ này để tối ưu hóa hoạt động.

Cùng quan điểm, ông Lê Doãn Trình, Giám đốc thương mại Công ty Cổ phần Công nghệ EcoTruck (ECOTRUCK) cho rằng, để nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics, cần có sự liên kết và kết hợp chương trình đào tạo nhà trường với nhu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo đầu ra. Bên cạnh đó, việc huấn luyện nhân lực về hệ thống vận hành số hoá cần phải thực hiện để quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp hiệu quả với các yêu cầu tiên quyết: tuyển đúng, văn hóa đúng, kiểm soát đúng cũng như chú trọng thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo, ngay cả khi đã 100% số hoá trong hoạt động vận hành.

ThS. Phan Huy Đức, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải cho biết, Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo kỹ năng số, nhất là các khó khăn thuộc nhóm hạ tầng số, nền tảng số, năng lực số của đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên; mức độ ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và trình độ không đồng đều về công nghệ thông tin của sinh viên…

Theo đó, sự hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ quan nhà nước trong vấn đề đào tạo nhân lực, trang bị kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực sẽ giúp đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả của ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Theo Tạp chí Hải quan

 
THÔNG TIN THAM KHẢO LĨNH VỰC LOGITICS VÀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI:


(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 11
Số người truy cập: 4.374.562
Chung nhan Tin Nhiem Mang