Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Công nghệ là yếu tố then chốt

25/08/2018 10:41
Ngày 24/8/2018, tại Hà Nội, Cục xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại”.

Hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu tham dự, trong đó về phía Việt Nam có dại diện các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan...), Hội Nông dân, các hiệp hội ngành hàng, các viện nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, các siêu thị, đơn vị phân phối hàng hóa và các cơ quan báo chí truyền thông. 

Về phía đối tác quốc tế, có Tham tán nông nghiệp Australia tại Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp bạn hàng và các đối tác quốc tế có kinh nghiệm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên thế giới. 

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung. Trong hệ thống truy suất nguồn gốc, tem truy suất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy suất trong suốt chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, quy trình truy suất nguồn gốc mới là yếu tố đảm bảo cho sự thành công và tin cậy của một hệ thống truy suất nguồn gốc.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội thảo

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, Hội thảo này hết sức thiết thực và có ý nghĩa đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức để tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng, gia tăng xuất khẩu và quản lý tốt nhập khẩu. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp đối với hoạt động này để có hình thức quản lý phù hợp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An mong muốn qua Hội thảo này, mọi người có thể thay đổi được tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc hàng hoá không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ hải sản mà kể cả trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Quan trọng hơn, các Bộ, ngành sẽ có những định hướng đúng đắn trong quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, nhà tiêu dùng cũng có chiến lược trong việc thay đổi toàn bộ quy trình quản lý nội bộ và tư duy quản lý ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia.
 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi về những yêu cầu và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc đối với hàng hoá nội địa và xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc trong phục vụ sản xuất xuất khẩu; thực tế ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp; liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu...

Hội thảo đã góp phần thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 đơn vị “Nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu thụ”. Qua đó tìm ra hướng hỗ trợ và định hướng các doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là đối với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị ra tăng cao.

Theo Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, truy xuất nguồn gốc là hỗ trợ kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Đồng thời, ông cũng đưa ra một số đề xuất với cơ quan quản lý đó là: Quy định rõ các yêu cầu kĩ thuật, điều kiện hành nghề cho các công ty cung cấp dịch vụ truy suất nguồn gốc, tránh tình trạng người tiều dùng mất long tin vào truy suất nguồn gốc; khuyến khích các công ty công nghệ áp dụng các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu như áp dụng Blockchain. IoT. GS1-EPCIS… cho hàng xuất khẩu đẻ tạo lợi thế cho hàng Việt Nam.

 

Nhanh chóng yêu cầu hàng ngoại lưu hành cũng phải áp dụng truy suất nguồn gốc để bảo vệ thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam; Hình thành hệ thống thông tin – cơ sở dự liệu áp dụng công nghệ 4.0 để chia sẻ dự liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và nhà sản xuất. 

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) đã và đang phối hợp với Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh ứng dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện tử cho sản phẩm cà tím. Bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Cofidec cho hay, quy trình sản xuất là công ty sẽ cung cấp giống cà tím của Nhật Bản cho người nông dân để họ trồng tại trang trại theo quy trình DN yêu cầu. Tất cả quá trình trồng trọt, từ xuống giống, bón phân, thu hoạch, năng suất... đều phải được liệt kê một cách chính xác bằng công nghệ thông tin để DN kiểm soát. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được bao tiêu hoàn toàn và vận chuyển bằng xe của công ty về nhà máy của Cofidec, chế biến rồi xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến, cuối năm nay, mô hình này sẽ được triển khai tại một số trang trại tại Đắk Lắk và Lâm Đồng.
 
“Việc truy xuất nguồn gốc hàng XK, đặc biệt khi muốn XK đến các thị trường tiên tiến như Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ... đang là việc đương nhiên khi khách hàng yêu cầu ngày càng nhiều. Việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp sản phẩm mang tính minh bạch, rõ ràng hơn, giúp bạn hàng tin tưởng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín và kim ngạch XK của DN” - bà Đặng Thị Phương Ninh cho hay.

 

Tại Hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết của một số doanh nghiệp, tổ chức để triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa xuất khẩu, qua đó kết nối, hỗ trợ một số vùng miền tiêu thụ nông sản.

Để có được các bài tham luận, các tài liệu cũng như các tư vấn, hỗ trợ về công nghệ và kết nối các bên liên quan trong vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa, vui lòng liên hệ với Ban biên tập trang tin điện tử logistics Việt Nam qua địa chỉ:  linhdtb@moit.gov.vn (Ms. Linh: 0983083918) hoặc Ms
 Tạ Thanh Ngân, 091 215 6461, Email:  tathanhngan1308@gmail.com.

VITIC 

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 15
Số người truy cập: 6.012.921
Chung nhan Tin Nhiem Mang