Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 13 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

ĐBSCL: Các loại hình như hàng hải, đường bộ, hàng không, đường sắt... sẽ được đầu tư

16/08/2019 10:47

Về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 rằng, Chính phủ luôn quan điểm vùng này có vị chí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng. ĐBSCL là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, do đó cần tập trung đầu tư vào đây. Trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,59%). Trong khi đó, ngân sách trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba.

“Như vậy số vốn bố trí là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp cộng thêm việc đầu tư tại vùng tốn kém nên nguồn lực chưa đáp ứng được”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết thực trạng địa chất vùng ĐBSCL yếu dẫn đến suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, đầu tư phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, mức đầu tư đã không cao, do điều kiện tự nhiên khiến số tiền đòi hỏi lại càng tăng cao. Ông nhấn mạnh Chính phủ đã nhận ra điểm này và có nghị quyết chuyên đề.

Dự kiến từ nay đến 2020 và chương trình trung hạn 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM.
Image result for ĐBSCL hạ tầng

Các loại hình như hàng hải, đường bộ, hàng không, đường sắt... sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, không ở đâu có lợi thế như ĐBSCL, phù hợp phát triển dịch vụ logistics quốc tế cho khu vực tiểu vùng sông Me Kong. Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, kết nối cảng tại Cần Thơ, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ.

Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến 2020 và giai đoạn đến năm 2025. Trước mắt, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng trong phần vượt thu năm 2018 cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ là 932 tỷ đồng. Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Tài chính gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phần vượt thu năm nay. Khi Ủy ban có ý kiến, Thủ tướng sẽ ký quyết định cho phân bổ ngay để cùng với vốn tín dụng từ ngân hàng, dự án sẽ thông tuyến vào năm 2020.

Vấn đề quan trọng này là tổ chức thực hiện, ở đây nhấn mạnh vai trò của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Chính phủ sẽ bám sát vấn đề này, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về cầu Mỹ Thuận 2, đây là 1 trong 11 gói của Cao tốc phía Đông, 5.100 tỷ đồng bằng trái phiếu, dự kiến khởi công quý I/2020.

BBT tổng hợp

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 13
Số người truy cập: 6.170.246
Chung nhan Tin Nhiem Mang