Kiến nghị miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển cho phương tiện thủy tại Hải Phòng
Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG THAM KHẢO TẠI ĐÂY
Cục Đường thủy nội địa VN vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc tiếp tục kiến nghị miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa, container vận tải bằng đường thủy nội địa đến cảng biển Hải Phòng.
Gần 20% hàng qua cảng Hải Phòng vận chuyển bằng đường thuỷ
Theo lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, hiện nay, hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa về khu vực cảng biển Hải Phòng chiếm 15% - 20% tổng lượng hàng thông qua cảng.
Tỷ lệ đảm nhận của vận tải container bằng đường thủy nội địa tại khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ khoảng 1,5% - 1,8%, trong khi tại khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (việc kết nối giữa đường thủy nội địa với cảng biển rất tốt, hàng hóa không bị thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển) tỷ lệ hàng vận chuyển container bằng đường thủy nội địa đạt 70% - 80%.
Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của hội đồng nhân dân thành phố quy định giảm 50% mức thu phí đối với hàng hóa của đối tượng nộp phí khi vào cảng và dời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy.
Mặc dù các doanh nghiệp vận tải thuỷ tiếp tục xu hướng phục hồi do có nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định chính sách giảm thuế GTGT 2% từ 1/7 đến hết 31/12/2024 theo Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội nhưng thời gian qua, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu trong nước vẫn cao vẫn là những khó khăn của các doanh nghiệp.
Vì vậy, việc duy trì mức thu phí hạ tầng cảng biển của thành phố Hải Phòng như hiện nay với phương tiện thủy nội địa đã làm tăng đáng kể chi phí vận tải.
Chính sách thu phí này làm tăng chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Chi phí logistics của Việt Nam hiện đã cao hơn so với nhiều quốc gia.
Việc áp dụng phí này không khuyến khích hàng hoá được vận tải bằng đường thuỷ nội địa (để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ hiện nay) và chưa thúc đẩy phát triển giao thông thuỷ nội địa.
Cần thiết hỗ trợ giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của vận tải thủy nội địa
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các phương tiện vận tải thuỷ nội địa chỉ sử dụng các tuyến đường thuỷ tự nhiên kết nối đến cảng biển (chủ yếu do các đơn vị của Bộ GTVT quản lý, thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo điều kiện hoạt động) và hệ thống cầu, bến trong cảng biển (chủ yếu do doanh nghiệp cảng biển đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động), không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển (như hệ thống cầu, các tuyến đường bộ, cầu vượt tại các nút giao thông do địa phương quản lý, đảm bảo điều kiện hoạt động).
Đồng thời, các phương tiện vận tải thuỷ nội địa khi làm hàng tại các cảng biển đã nộp các loại phí, lệ phí hàng hải cho Cảng vụ và giá dịch vụ cầu cảng cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển.
Vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển có vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành giao thông vận tải, hàng năm đóng góp khoảng 19% hàng hóa vận chuyển và hơn 20% lượng hàng hóa luân chuyển của giao thông.
Tuy nhiên, để duy trì và phát huy vai trò của vận tải đường thuỷ nội địa trong thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa cho rằng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của vận tải thủy nội địa.
"Phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa chỉ sử dụng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông, không sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng của địa phương trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Việc hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy phải đóng thêm phí này làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng phí chồng phí, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy", lãnh đạo Cục Đường thủy VN khẳng định.
Theo đánh giá của các hiệp hội, doanh nghiệp, nếu được cơ quan có thẩm quyền miễn phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, sẽ giảm giá thành vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, tác động tích cực đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu vận tải, hàng hóa sẽ chuyển từ đường bộ xuống đường thủy nội địa, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên đường bộ.
Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Nghiên cứu, đề xuất trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định mức thu hợp lý phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa”.
Để thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục phát huy vai trò, lợi thế của vận tải đường thủy nội địa trong thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa VN đề nghị Bộ GTVT có văn bản kiến nghị HĐND thành phố Hải Phòng xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa, container vận tải bằng đường thủy nội địa đến cảng biển của thành phố.
Link gốc Báo Giao thông
(3) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(5) Thông tin hoạt động Logistics trong XUẤT KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY