Quy hoạch 2 cảng biển phục vụ ĐBSCL tại Cà Mau
Theo quy hoạch được phê duyệt thì Cảng biển Năm Căn là cảng tổng hợp địa phương (loại II), gồm các bến cảng Năm Căn trên sông Cái Lớn cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn và nghiên cứu “Phát triển cảng biển cho tàu trọng tải lớn tại khu vực đảo Hòn Khoai phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư”.
Dự kiến, cảng Năm Căn nằm ở vị trí bờ trái Sông Cửa Lớn, thị trấn Năm Căn. Trước mắt, nơi đây sẽ xây dựng mới một cầu bến dài 100 m thay thế bến phao nổi, đầu tư chiều sâu, làm thêm kho và tăng cường thiết bị bốc xếp. Đến năm 2020, xây dựng một cầu bến dài 140m năng lực thông qua đạt 2 - 2,5 triệu tấn/năm.
Đối với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai nằm phía Đông Nam đảo Hòn Khoai thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển, với quy mô của dự án gồm 24 cầu cảng; trong đó, có 12 bến cho loại tàu 250.000 tấn và 12 bến tiếp chuyển cho loại tàu từ 50.000 đến 100.000 tấn.
Hòn Khoai cách bờ biển Cà Mau khoảng 15 km, nằm trên đường hàng hải quốc tế sôi động. Nhất là sau khi dự án kênh đào Kra - “kênh đào Panama châu Á” của Thái Lan hoàn thành, cho phép tàu từ Ấn Độ Dương vào vịnh Thái Lan ra Thái Bình Dương mà không phải đi qua eo biển Malacca, rút ngắn hải trình, Hòn Khoai nằm ngay trên tuyến đường biển mới.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về cảng biển và logictisc thì cảng Hòn Khoai được đầu tư sẽ trở thành cảng biển lớn nhất Việt Nam, đưa nước ta trở thành mắt xích chính, mở ra một cổng kết nối quan trọng trong chuỗi phân phối hàng hóa, dịch vụ toàn cầu (global logistics hub), nhất là các mặt hàng: than, sản phẩm dầu, container. “Báo cáo đầu tư dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai” do VIP lập, xác định tổng mức đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, trong đó 3,5 tỷ USD cho “siêu cảng” và 1,5 tỷ USD cho khu trung tâm logistics. Dự kiến trong tương lai Cảng biển Hòn Khoai có năng lực vận tải 800 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
VITIC tổng hợp/ Tham khảo baodautu.vn