Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, logistics với tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để thúc đẩy giao thương

17/03/2024 11:41

 Phân tích các lợi thế và định hướng phát triển ngành giao nhận, chuyển phát nhanh của Trung Quốc năm 2024, kinh nghiệm và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

------------------------------------------------------------------------

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam – Sơn Đông (Trung Quốc) với sự góp mặt của gần 130 Hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, nông sản, thực phẩm chế biến, logistics của Việt Nam và 86 doanh nghiệp tiêu biểu của Sơn Đông về xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm, logistics, máy móc nông nghiệp, phân bón, bao bì đóng gói.

Ngày 13 tháng 3 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp đồng chí Tống Quân Kế - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trong khuôn khổ đoàn công tác tại Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng hợp tác kinh tế thương mại song phương.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đánh giá cao và coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông trong tổng thể hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Bộ Công Thương cũng sẵn sàng phối hợp với Chính quyền tỉnh Sơn Đông để trao đổi, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Sơn Đông về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại nhằm tạo khuôn khổ hợp tác, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong xúc tiến hợp tác kinh tế, công nghiệp, thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kim ngạch thương mại và hợp tác thực chất về công nghiệp giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi bên khi quy mô thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc mới chỉ chiếm  2,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chỉ chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Nhân dịp này, Bộ trưởng đưa ra một số đề nghị nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tỉnh Sơn Đông trong hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung như: (i) tăng cường nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, nông sản nhiệt đới và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chế biến, tổ chức xuất khẩu nông sản; (ii) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là trong các hệ thống phân phối lớn tại Sơn Đông; (iii) trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai Khu thương mại tự do, trong đó có việc thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới; (iv) hợp tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, bán dẫn

Khẳng định mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm thực hiện các chỉ đạo, định hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại của Lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng chí Tống Quân Kế bày tỏ sự nhất trí cao với những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về việc tăng cường hợp tác kinh tế thương mại đặc biệt là mở rộng quy mô thương mại song phương. Đồng chí Phó Tỉnh trưởng cho biết, tỉnh Sơn Đông sẵn sàng khuyễn khích doanh nghiệp nhập khẩu các loại thủy sản, nông sản, trái cây nhiệt đới của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối. Về việc hỗ trợ quảng bá thương hiệu Việt Nam tại Sơn Đông, phía Sơn Đông có thể hỗ trợ Việt Nam theo 3 cách sau: (i) ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng vào các hội chợ, hệ thống phân phối tại Sơn Đông; (ii) khuyến khích các siêu thị lớn lập quầy riêng trưng bày hàng hóa Việt Nam; (iii) khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử quảng bá nông sản Việt Nam để giúp tăng độ phổ biến của sản phẩm tại Sơn Đông. Nhân dịp này, Lãnh đạo tỉnh Sơn Đông cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển các ngành nghề mũi nhọn, phát triển thương mại điện tử, xây dựng môi trường thu hút đầu tư mang tính quốc tế và sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm trên cho phía Việt Nam.

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Tỉnh trưởng cũng mong muốn hai bên có thể cùng hợp tác để tận dụng tối đa các cơ hội như RCEP, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics, mở rộng hơn nữa hợp tác đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp số. Đồng chí Tống Quân Kế bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Sơn Đông sẽ thúc đẩy hợp tác trong 03 nội dung trọng điểm gồm: (i) thúc đẩy ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính quyền tỉnh Sơn Đông và Bộ Công Thương Việt Nam; (ii) tăng cường hợp tác, thúc đẩy kết nối trong một số lĩnh vực ưu thế của Việt Nam và Sơn Đông như lốp cao su, dệt may, năng lượng mới, xe ô tô điện, điện tử, máy móc...; (iii) tăng cường phối hợp trong công tác XTTM, thông qua các hoạt động hội chợ triển lãm truyền thống, thương mại điện tử qua biên giới... để mở rộng quy mô thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ nhất trí với những đề xuất hợp tác quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp trọng điểm và phát triển các hình thức thương mại mới. Bộ trưởng đề nghị đồng chí Phó Tỉnh trưởng sớm báo cáo những ý kiến trao đổi của hai bên tại buổi tiếp ngày hôm nay lên Lãnh đạo Tỉnh ủy, Chính quyền tỉnh Sơn Đông để khẩn trương phối hợp triển khai một cách hiệu quả, thực chất những nội dung hợp tác đã đề cập trong thời gian tới, đặc biệt là sớm ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Cùng ngày, Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam – Sơn Đông (Trung Quốc) với sự góp mặt của gần 130 Hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, nông sản, thực phẩm chế biến, logistics của Việt Nam và 86 doanh nghiệp tiêu biểu của Sơn Đông về xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm, logistics, máy móc nông nghiệp, phân bón, bao bì đóng gói.

Sơn Đông một trong những địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc với quy mô dân số lớn (hơn 101,6 triệu người), GDPR xếp thứ 03 Trung Quốc (năm 2023 đạt 1.278,1 tỷ USD). Đây cũng là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp (có 41 ngành công nghiệp lớn) và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.

Năm 2023, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Sơn Đông với Việt Nam đạt 10,75 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD.

            Nguồn: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

(1)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 10
Số người truy cập: 4.355.138
Chung nhan Tin Nhiem Mang