Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Danh sách cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị các nước điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

17/03/2024 11:48

Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

-----------------------------------------------------------------------

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cung cấp Danh sách cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị các nước điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau:

1. Một số sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ

- Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood)

Các mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019. Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2017.

Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 7 năm 2023, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.

DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất lõi gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

- Tủ bếp và tủ nhà tắm (Wooden cabinets and vanities)

Các mã HS tham khảo: 9403.40, 9403.60, 9403.90

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4 năm 2020. Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 02 năm 2020 với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC từ 13,33% đến 293,45%.

Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Hoa Kỳ, tháng 5 và tháng 6 năm 2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp PVTM và có lẩn tránh biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không. Tháng 9 năm 2023, DOC ban hành kết luận sơ bộ điều chỉnh liệt kê 3 trường hợp sản phẩm thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc. Theo kế hoạch mới nhất, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng về phạm vi sản phẩm vào tháng 4 năm 2024; ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về lẩn tránh vào tháng 4 và tháng 7 năm 2024.

Các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần cửa, mặt hộc và khung gỗ dưới dạng thành phẩm, bán thành phẩm hoặc chi tiết bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì các trường hợp này theo kết luận sơ bộ của DOC vẫn bị áp thuế như với sản phẩm của Trung Quốc.

- Đồ nội thất phòng ngủ (Wooden bedroom furniture)

Các mã HS tham khảo: 9403.50.9041, 9403.50.9042, 9403.50.9045, 9403.50.9080, 9403.90.7005, 9403.90.7080

Hoa Kỳ đã áp dụng thuế CBPG và CTC đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2005. Tháng 9 năm 2022, sau khi rà soát, DOC đã quyết định gia hạn các lệnh áp thuế đối với sản phẩm của Trung Quốc đến năm 2027.

Sản phẩm này đang tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, vì vậy tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ nhập khẩu từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần chính được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

- Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered)

Mã HS tham khảo: 9401.61

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 11 năm 2020. Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế 25%.

Sản phẩm này đang tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, vì vậy tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần chính được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

- Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (Wood mouldings, millwork products)

Mã HS tham khảo: 4409.10, 4409.22, 4409.29

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8 năm 2021. Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2020 với mức thuế suất tương đối cao (thuế CBPG thấp nhất là 33,87%, thuế CTC thấp nhất là 20,56%).

Tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

2. Một số sản phẩm vật liệu xây dựng xuất khẩu sang Hoa Kỳ

- Đá nhân tạo bằng thạch anh (Quartz surface products)

Mã HS tham khảo: 6810.99

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019. Hoa Kỳ chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo bằng thạch anh của Trung Quốc từ tháng 5 năm 2019 với mức thuế CBPG từ 265,81% đến 336,69%, mức thuế CTC từ 45,32% đến 190,99%. Hoa Kỳ cũng đã áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Có khả năng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra CBPG, CTC hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.

Hoa Kỳ quy định các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm lắp ghép sử dụng mặt đá thạch anh có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ như tủ bếp, tủ nhà tắm,… cần khai báo riêng phần giá trị của đá thạch anh và nộp thuế CBPG và CTC tính trên cơ sở phần giá trị này. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm có sử dụng mặt đá thạch anh cần lưu ý với các đối tác nhập khẩu để khai báo chính xác khi nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan hải quan Hoa Kỳ, tránh bị xem là hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ.

- Gạch men (ceramic tile)

Các mã HS tham khảo: 6907.21, 6907.22, 6907.23, 6907.30, 6907.40

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2020. Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4 năm 2020.

Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng kim ngạch của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ còn nhỏ, mới chỉ chiếm 2,3%.

Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh vì bị áp thuế CBPG và CTC. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

3. Một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

- Thép các-bon chống ăn mòn (CORE)

Các mã HS tham khảo: 7210.30, 7210.41, 7210.49, 7210.61, 7210.69, 7210.70, 7210.90, 7212.30, 7212.40, 7212.50, 7212.60

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 3 năm 2022. Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép CORE nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan-Trung Quốc.

Sản phẩm thép CORE đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm thép CORE sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nguội (CRS) hoặc thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan-Trung Quốc là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này. Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng CRS và HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá để làm nguyên liệu sản xuất thép CORE và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

- Ống thép hộp và ống thép tròn (Pipe and Tube)

Các mã HS tham khảo: 7306.30, 7306.50, 7306.19, 7306.61

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2022. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép hộp và ống thép tròn nhập khẩu từ nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mê-xi-cô, Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ.

Sản phẩm ống thép đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm ống thép sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc và Ấn Độ là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này. Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá để làm nguyên liệu sản xuất ống thép và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

- Cáp thép dự ứng lực (Prestressed concrete steel wire strand)

Mã HS tham khảo: 7312.10

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cáp thép dự ứng lực nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó có các thị trường đáng chú ý như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

- Mặt bích bằng thép không gỉ (Stainless steel flanges)

Mã HS tham khảo: 7307.21

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mặt bích bằng thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2018.

Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm này.

4. Một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Mê-hi-cô

Tính đến hết năm 2023, Mê-hi-cô đang áp dụng 45 biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong giai đoạn trước năm 2021 chưa có các vụ việc phòng vệ thương mại phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mê-hi-cô. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, mỗi năm Mê-hi-cô đã tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một sản phẩm thép của Việt Nam, lần lượt là thép mạ (2021), thép cán nguội (2022) và dây hàn (2023). Trong thời gian tới, một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Mê-hi-cô có nguy cơ là đối tượng của điều tra phòng vệ thương mại tiếp theo của Mê-hi-cô, cụ thể như sau:

Thép cán nóng (hot rolled sheet) – mã HS tham khảo: 7208.36, 7208.37, 7208.38, 7208.39

Kim ngạch của Việt Nam chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mê-hi-cô. Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ tư tại thị trường Mê-hi-cô, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mê-hi-cô đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức, Pháp, Nga và U-crai-na.

Thép dự ứng lực (Prestressed products) – mã HS tham khảo: 7312.10

Kim ngạch của Việt Nam chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mê-hi-cô. Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ năm tại thị trường Mê-hi-cô, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a. Mê-hi-cô đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép dự ứng lực nhập khẩu từ Trung Quốc, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

5. Thép hình cán nóng (Hot rolled structural steel sections) xuất khẩu sang Úc

Các mã HS tham khảo: 7216.31, 7216.32, 7216.33, 7216.40, 7216.50, 7228.70

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Úc đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình cán nóng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc và Thái Lan kể từ năm 2013.

Kim ngạch của Việt Nam chiếm 10,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Úc. Đây là mặt hàng có rủi ro bị Úc tiến hành điều tra phòng vệ thương mại nếu kim ngạch xuất khẩu sang Úc tiếp tục xu hướng tăng với tốc độ như thời gian vừa qua.

6. Một số sản phẩm nhôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ

- Dây và cáp nhôm (Aluminum wire and cable)

Các mã HS tham khảo: 8544.49

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm dây và cáp nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2019.

Giữa tháng 10 năm 2023, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế PVTM với dây cáp nhôm từ 03 quốc gia Việt Nam, Cam-pu-chia và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

- Nhôm thanh định hình (Aluminum extrusions)

Các mã HS tham khảo: 7604.10, 7604.21, 7604.29, 7608.10, 7608.20, 7610.10, 7610.90

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm định hình nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2011.

Cuối tháng 10 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm thanh định hình nhập khẩu từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Vụ việc đang trong quá trình điều tra và dự kiến sẽ có kết quả sơ bộ vào giữa tháng 3 năm 2024. Bên cạnh việc tiếp tục tham gia vụ việc điều tra này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ các quốc gia liên quan để sản xuất sản phẩm này để tránh bị đánh chồng thuế chống lẩn tránh.

7. Một số sản phẩm công nghiệp chế tạo khác

-  Pin năng lượng mặt trời (Solar panels) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo trong biểu thuế của Hoa Kỳ: 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025, và 8501.31.8010.

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 9 năm 2021.

Kể từ tháng 02 năm 2018, mặt hàng này đã bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ chung đối với hàng hóa có xuất xứ từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian áp dụng biện pháp là 04 năm. Tháng 02 năm 2022, Hoa Kỳ đã ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 04 năm. Hoa Kỳ cũng đang duy trì biện pháp CBPG và CTC với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012, với mức thuế CBPG là 15,85-238,95%, và mức thuế CTC là 11,97-15,24%.

Tháng 3 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, do cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế CBPG và CTC mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tháng 8 năm 2023, DOC đã công bố kết luận cuối cùng của vụ việc, trong đó xác định (1) tế bào quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer[1] sản xuất tại Trung Quốc hoặc (2) mô-đun quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc và nhiều hơn 2 trong số các nguyên liệu sau được sản xuất tại Trung Quốc bao gồm: dung dịch bạc, khung nhôm, kính, tấm nền, tấm EVA, các hộp nối là đối tượng của biện pháp chống lẩn tránh. DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không thuộc các trường hợp trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý thực hiện việc tự xác nhận một cách trung thực và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

- Xe đạp điện (Electric bicycles) xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU

Mã HS tham khảo: 8711.60

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 2 năm 2019. Xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế CBPG và CTC và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.

Trong trường hợp sử dụng một số linh kiện nhập khẩu để sản xuất xe đạp điện và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý kê khai chính xác về xuất xứ để tránh bị xem là lẩn tránh thuế. Nếu cần thiết, doanh nghiệp có thể tham khảo trước với cơ quan hải quan nước nhập khẩu về cách thức xác định xuất xứ để đảm bảo việc kê khai xuất xứ sản phẩm được chính xác.

- Máy giặt dân dụng cỡ lớn (Large residential washers) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 8450.20

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10 năm 2023. Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với máy giặt dân dụng cỡ lớn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mê-xi-cô. Đồng thời, sau 5 năm, biện pháp tự vệ mà Hoa Kỳ áp dụng đối với nhập khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn đã hết hạn vào tháng 2 năm 2023.

Sau khi biện pháp tự vệ mà Hoa Kỳ áp dụng được bãi bỏ, kim ngạch xuất khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn từ Việt Nam sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm này.

- Lốp xe tải và xe khách (Truck and bus tires) xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 Mã HS tham khảo: 4011.20

Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe tải và xe khách nhập khẩu từ Thái Lan vào đầu tháng 11 năm 2023 và dự kiến đến tháng 8 năm 2024 sẽ có kết luận về việc áp thuế đối với sản phẩm của Thái Lan. Thái Lan đang là nước xuất khẩu lốp xe tải và xe khách nhiều nhất sang Hoa Kỳ với kim ngạch năm 2023 là 1 tỷ USD, chiếm 31% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Trong trường hợp sản phẩm của Thái Lan bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá, có khả năng các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ chuyển sang các nguồn cung cấp khác, trong đó có nguồn cung cấp từ Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe tải và xe khách sang Hoa Kỳ cần lưu ý để có sự chuẩn bị và phương án kinh doanh phù hợp, tránh trở thành đối tượng điều tra tiếp theo nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng quá nhanh.

[1] Trong sản xuất pin năng lượng mặt trời, tấm wafer (đĩa bán dẫn) là 1 tấm silicon tinh thể mỏng được cắt ra từ phôi silicon. Đây là vật liệu nền để cấy các mạch điện, tạo ra tế bào quang điện. Các tế bào quang điện sau đó được ghép lại với nhau để tạo ra mô-đun quang điện.

            Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

(1)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 4
Số người truy cập: 6.254.604
Chung nhan Tin Nhiem Mang