Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Hoạt động công nghiệp trong 11 tháng năm 2017

08/12/2017 09:30
1. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) tháng 11 năm 2017 tiếp tục đà tăng trưởng tốt (tăng 2,8% so với tháng 10 và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016) đã khiến chỉ số IIP 11 tháng tăng cao: 11T/2017 tăng 9,3% cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Qua đó, có thể thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện rõ rệt, mức tăng trưởng của toàn ngành đã cao hơn 1,9 điểm % so với mức tăng cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,6 điểm % so với 10T năm 2017.
11 tháng năm 2017 trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá cao với mức tăng 14,4%, đóng góp 10,1 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, đóng góp 0,6 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%, đóng góp 0,1 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 7,1% làm giảm 1,5 điểm % mức tăng chung. Có thể nói, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành (tăng cao hơn 3,4 điểm % so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 so với 2015 và cao hơn 0,8 điểm % so với mức tăng của 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ) phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng ngành (phát triển giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên). Kết quả này tiếp tục phản ánh những giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất trong thời gian qua của Bộ Công Thương đã phát huy tác dụng.
Về tình hình tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10T/2017 tăng 12,6% cao hơn so với mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm 2016 so với 2015). 10 tháng đầu năm, tiêu thụ của ngành thuận lợi và có xu hướng tăng dần về cuối năm, hầu hết các ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng tiêu thụ cao hơn so với cùng kỳ, nhiều ngành đạt tăng trưởng ở mức 2 con số, điển hình như: sản xuất dệt, sản xuất kim loại, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic…
Về tình hình tồn kho: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/11/2017 tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2016 tăng 8,8%). Xét từng ngành thuộc nhóm cho thấy đây là mức tăng tồn kho hợp lý, phù hợp với tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và là mức tồn kho theo kế hoạch.

2. Tình hình sản xuất của một số ngành
2.1. Nhóm ngành khai khoáng
Sản xuất ngành khai khoáng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng 11T/2017 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ giảm 6,3%).
a. Đối với dầu thô
Sản lượng khai thác dầu thô trong nước 11 tháng đầu năm ước đạt 12,48 triệu tấn, vượt 2,7% so với kế hoạch 11 tháng Chính phủ giao bổ sung và vượt 9,7% so với kế hoạch 11 tháng Chính phủ giao đầu năm.
Khai thác dầu thô trong và ngoài nước 11 tháng ước đạt 14,27 triệu tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ, vượt 0,5% so với kế hoạch cả năm Chính phủ giao đầu năm và bằng 94% kế hoạch năm Chính phủ giao bổ sung.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất đều vượt mức từ 1%- 11% kế hoạch tháng.
b. Đối với sản xuất than
Sản lượng than khai thác không có nhiều biến động, 11 tháng 2017 sản lượng than sạch ước đạt 34,84 triệu tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó sản lượng than sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là 29,6 triệu tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Than xuất khẩu chưa đạt kế hoạch do thị trường thế giới suy giảm; ngoài ra do chính sách than xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bị hạn chế bởi hàng rào kỹ thuật của phía Trung Quốc nên hiện chưa thực hiện được.
c. Đối với các loại khoáng sản chế biến khác
Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng 11 tăng 5,4% so với tháng 10 và tăng 4,1% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 3,9% so với cùng kỳ. Đóng góp vào mức tăng trưởng chung của ngành phải kể đến nguyên nhân là do sản lượng sản xuất alumin tăng trưởng đáng kể, sản xuất các sản phẩm khoáng sản chính khác như đồng, kẽm tăng cao do giá bán sản phẩm tăng.
- Sản xuất, tiêu thụ alumin 11 tháng tăng trưởng cao so với cùng kỳ, sản xuất tăng do giá sản phẩm tăng, tổ chức vận hành 2 nhà máy sản xuất alumin (Tân Rai và Nhân Cơ) hoạt động tốt hơn so với kế hoạch dự kiến, 11 tháng sản xuất Alumin quy đổi đạt 1.019,3 nghìn tấn, bằng 210,4% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm sản lượng alumin tăng thêm 100 nghìn tấn so với kế hoạch năm góp phần vào tốc độ tăng trưởng sản xuất của toàn ngành.
- Khai thác quặng Apatit 11 tháng ước đạt 2,8 triệu tấn giảm 3,8% so với cùng kỳ nguyên nhân do các đơn vị sản xuất phân bón chứa lân trong nước sản xuất với công suất thấp, trong khi các đơn vị sản xuất phốt pho không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến giảm sản lượng tiêu thụ quặng apatit.
2.2. Nhóm ngành công nghiệp, chế biến chế tạo
Sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành, trong những tháng đầu năm ngành luôn trong xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và đặc biệt tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016: Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 11T/2017 của nhóm tăng 14,4% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11%). Trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm, đây là nhóm đóng vai trò quan trọng, là động lực chính trong tăng trưởng của toàn ngành.
a. Nhóm hàng dệt may, da giày
-  Ngành dệt may: Trong tháng 11, ngành dệt may tiếp tục có những bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Về xuất khẩu, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng đạt 23,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016; xuất khẩu xơ, sợi đạt 3,2 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc … tiếp tục có mức tăng trưởng tốt. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong Quý IV có thể đạt 8 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016.
- Ngành da giày: Sản lượng giày dép da tháng 11/2017 ước đạt 22,1 triệu đôi, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2017 sản lượng giày dép da tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể là, sản lượng sản xuất giày dép da ước đạt 232,4 triệu đôi, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Ước tính kim ngạch xuất khẩu giày dép 11 tháng đầu năm 2017 đạt 13,17 tỷ USD, tăng 12,83% so cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu Túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù đạt 2,97 triệu USD, tăng 3,98% so cùng kỳ 2016.
b. Nhóm sản xuất đồ uống
 Chỉ số tiêu thụ 10 tháng tăng thấp hơn so cùng kỳ, chỉ tăng 9,9% (10 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 tăng 11,6%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tăng cường sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng để dự trữ hàng phục vụ thị trường dip tết sắp tới.
c. Ngành sản xuất thuốc lá
Dự báo, trong tháng còn lại của năm sản xuất và tiêu thụ thuốc lá dự kiến tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên, xét theo dài hạn, ngành sản xuất thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá điếu dự kiến sẽ tiếp tục tăng và tình trạng nhập lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp.
d. Ngành giấy
 Nhìn chung 11 tháng đầu năm, tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành giấy ổn định, riêng giấy làm bao bì tiêu thụ tốt trong 3 Quý đầu năm. Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi thì ngành giấy vẫn phải đối mặt với với sự cạnh tranh gay gắt với giấy nhập khẩu. Cụ thể là: Thuế nhập khẩu giấy từ các nước ASEAN, Trung Quốc về 0% và Nhật Bản là 1%, do vậy lượng giấy nhập khẩu liên tục tăng và giá bán giảm để chiếm lĩnh thị trường. Tiêu thụ giấy in, viết (đặc biệt là mặt hàng giấy Tissue) bị cạnh tranh rất mạnh trên thị trường, giá bán giảm; kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 tất cả các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh phải được đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn (Chứng nhận hợp quy), mang dấu hợp quy (dấu CR) mới được lưu thông trên thị trường (theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BCT).
e. Nhóm hàng điện tử, máy vi tính và thiết bị điện
Tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn duy trì đà tăng cao, đặc biệt sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,5% cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, sản xuất điện thoại di động trong 11 tháng tăng 6,4%; sản xuất tivi 11 tháng tăng 30,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính và linh kiện điện tử tăng trưởng cao chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài có thị trường ổn định, xuất khẩu điện thoại di động các loại và linh kiện 11 tháng đạt mức tăng khoảng 30,6%, đặc biệt máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu tăng 38,1% so với cùng kỳ 2016. 
f. Ngành thép
Tháng 11, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành có nhiều thuận lợi hơn tháng trước do thị trường thép xây dựng có sức mua tốt hơn, sản lượng bán ra của các nhà máy được cải thiện. Giá nguyên liệu thô cho sản xuất và giá chào phôi thép sản xuất trong nước bắt đầu có xu hướng đi lên. Tính chung 11 tháng, sản lượng sản xuất của ngành đạt mức tăng trưởng khá, một số sản phẩm như sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc có mức tăng trưởng khá tốt
g. Ngành phân bón, hóa chất
Do nhu cầu phân bón ở mức thấp, giao dịch chủ yếu khối lượng nhỏ, giá bán các loại phân bón thời điểm đầu tháng 11 có tăng nhẹ tuy nhiên giá bán bình quân vẫn thấp hơn năm 2016 trong khi đó lượng phân bón nhập khẩu tăng cao khiến cho ngành vẫn còn khó khăn.
h. Sản xuất ô tô
 Giá ô tô tại Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục đón nhận nhiều đợt khuyến mại, giảm giá sâu để cạnh tranh trong bối cảnh đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô bằng 0% (theo hiệp định thương mại tự do AFTA) và giải quyết hàng tồn khi nhiều mẫu xe mới sẽ ra mắt trong thời gian tới. Sản xuất xe ô tô 11 tháng đạt thấp hơn so với cùng kỳ (bằng 93,7% so với cùng kỳ), ước đạt 211,8 nghìn chiếc do các nhà máy cũng phải điều chỉnh sản xuất trước tâm lý của người dân. Các đại lý đồng loạt giảm giá dù không có chính sách từ chính hãng do áp lực doanh số và tìm lợi nhuận bù từ dịch vụ.
          Ngày 17 tháng 10 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.  Nghị định 116/2017/NĐ-CP siết chặt các điều kiện về sản xuất, lắp ráp ô tô, không chỉ giúp cho chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam có những bước đi căn cơ hơn, nâng cao vị thế của ngành ô tô trong nước mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây được cho là cơ hội bứt phá của doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa thời gian tới.
2.3. Ngành sản xuất và phân phối điện
Ngành điện đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Do tình hình thủy văn thuận lợi, các tổ máy nhiệt điện vận hành ổn định theo yêu cầu của hệ thống điện. Việc khai thác nguồn điện được thực hiện tối ưu. Theo đó, sản xuất của ngành duy trì tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn mức tăng của cùng thời điểm năm trước. Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện 11 tháng 2017 tăng 9,6%, thấp hơn so với mức tăng 12,3% của cùng kỳ năm trước.
Sản xuất điện tháng 11 ước đạt 15,97 tỷ kWh, giảm 3,5% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, sản xuất điện ước đạt 174,68 tỷ kWh, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2016. Điện thương phẩm tháng 11 ước đạt 15,09 tỷ kWh, tăng 0,2% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, điện thương phẩm ước đạt 160 tỷ kWh, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhìn chung trong tháng 11 và 11 tháng của năm, sản xuất điện tăng thấp chủ yếu là do thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường, trong đó, do ảnh hưởng của mưa bão xảy ra trên diện rộng, không khí lạnh tăng cường kéo dài trong các tháng vừa qua và mùa khô phía Nam năm nay rất ngắn và không có các đợt nắng nóng dài ngày nhiều dẫn đến mức tăng trưởng điện cho sinh hoạt tăng thấp. Tháng 11 ghi nhận sụt giảm sản lượng điện sản xuất của EVN (giảm 14,2%) so với tháng trước do tác động của chính sách phát triển thị trường điện cạnh tranh với sự tham gia của các nhà sản xuất điện từ bên ngoài và việc tăng cường huy động tối đa nguồn điện từ tuabin khí theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là sự tăng trưởng cao của điện thương phẩm dành cho sản xuất công nghiệp và xây dựng (tăng 11,62%) cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục được mở rộng.

Bộ Công Thương
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 6.301.898
Chung nhan Tin Nhiem Mang