Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Làm gì trước xu thế bảo hộ gia tăng tại nhiều thị trường lớn?

18/05/2023 13:49
Trước những biến động của thị trường thế giới, các thị trường lớn gia tăng các biện pháp bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh xuất khẩu chật vật trong năm 2023. Doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó với xu thế mới này để không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu?

Gia tăng nguy cơ từ xu thế bảo hộ

Phát biểu tại một hội thảo về phòng vệ thương mại mới đây, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM cho biết, việc thực thi các FTA thế hệ mới gồm EVFTA và UKFTA đã giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này. Cụ thể, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ghi nhận mức tăng gần 17%, đạt gần 47 tỷ USD, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Anh cũng đạt trên 6 tỷ USD, tăng trên 5%. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng tích cực về kim ngạch thương mại, hàng hóa Việt Nam cũng gặp thách thức khi các nước gia tăng bảo hộ bằng việc tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng nhập khẩu.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến tháng 5/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng điều tra của 228 vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. Bà Đỗ Thị Sa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và cảnh báo Bộ Công Thương cho biết, không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, cá basa, tôm, gỗ, dệt may, da giày, thép mà những mặt hàng có kim ngạch nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, giấy, thuốc lá cũng đang bị điều tra phòng vệ thương mại.

Thời gian qua, với nỗ lực của Chính phủ, nhận thức của các cơ quan quản lý, cộng đồng DN về phòng vệ thương mại đang dần được nâng cao, một số ngành, DN đã xác định được phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó chủ động trong xử lý, ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài. Tuy nhiên, một số DN nhỏ, hiểu biết về phòng vệ thương chưa sâu nên vẫn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục và các thông tin DN cung cấp. “Các DN không hỏi đáp đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng nhận kết quả bất lợi, thể hiện qua việc phải chịu thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường bị áp dụng phòng vệ thương mại, ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của Việt Nam” – bà Sa nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Việt Hà, cán bộ Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương cũng cho biết, mặc dù từ năm 2018 đến nay, EU và Anh chưa khởi xướng vụ việc phòng vệ thương mại mới nào với hàng hóa Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là trong tương lai các thị trường này sẽ không điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. “Với việc thực thi EVFTA và UKFTA, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường này tăng mạnh. Với khối lượng gia tăng như vậy, việc các nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước là rất dễ xảy ra” – bà Hà khuyến cáo.

Lời khuyên cho doanh nghiệp

Chia sẻ về việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại nước ngoài, bà Nguyễn Trang Nhung, cán bộ phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương cho biết, quá trình xử lý các vụ việc vấp phải khó khăn lớn do những khác biệt về nội luật hóa quy định, thủ tục, trình tự của việc điều tra phòng vệ thương mại. Mặc dù các quốc gia thành viên WTO đều tuân theo khung tham chiếu về phòng vệ thương mại của WTO thông qua các hiệp định chống bán phá giá, chống trợ cấp và đối kháng tự vệ, tuy nhiên việc nội luật hóa như thế nào là quyền của cơ quan điều tra, miễn sao không ảnh hưởng hay không vi phạm quy định của WTO. Do đó, mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng.

Bên cạnh những khác biệt về quy định, việc cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin bằng ngôn ngữ của nước sở tại cũng gây khó khăn lớn cho DN Việt Nam. “Trong thời gian chỉ khoảng 30 ngày, các DN phải hoàn thành bảng câu hỏi tới vài trăm trang và phải dịch từ tiếng Việt sang ngôn ngữ mà cơ quan điều tra yêu cầu là một thách thức lớn cho các DN” – bà Nhung chia sẻ. Ngoài ra, còn có khó khăn do hiểu biết hạn chế về phòng vệ thương mại, đặc biệt là ở những ngành chưa từng bị áp thuế phòng vệ thương mại.

Để ứng phó tốt hơn với các vụ việc phòng vệ thương mại trong tương lai, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN cần trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại. Bà Nhung khuyến nghị, khi có kế hoạch phát triển xuất khẩu ở một thị trường, DN nên tìm hiểu xem quốc gia đó đã từng điều tra với mặt hàng xuất khẩu của mình hay chưa hoặc đã từng điều tra với quốc gia khác về mặt hàng này hay chưa. Trên thực tế, đã có trường hợp DN xuất khẩu sang một quốc gia nhưng không biết sản phẩm đang bị áp thuế tại quốc gia đó, dẫn tới việc hàng hoá đã cập cảng nhưng đối tác nhập khẩu yêu cầu DN xuất khẩu phải chịu khoản thuế này thì mới nhận hàng.

Bên cạnh đó, các DN cũng cần thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, cơ quan quản lý và từ chính nhà nhập khẩu tại các nước để nắm bắt sớm thông tin và có biện pháp xử lý. Bà Nhung nêu ví dụ từ vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong vào năm 2021. Mặc dù đến tháng 5/2021 Hoa Kỳ mới khởi xướng điều tra, nhưng từ tháng 2/2021, qua thông tin từ các nhà nhập khẩu Hiệp hội ong Việt Nam đã nắm được thông tin và báo với Bộ Công Thương để được hỗ trợ. Nhờ có sự chuẩn bị sớm nên vụ việc này đã đạt được kết quả tốt.

Ngoài ra, các cơ quan điều tra sẽ yêu cầu trích xuất các số liệu hoạt động sản xuất kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí còn đến trực tiếp để kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán. Do đó, DN cũng cần xây dựng được hệ thống quản trị kế toán đầy đủ và rõ ràng để việc trích xuất số liệu được thuận lợi.

 

Nguyễn Hiền
Link gốc

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 9
Số người truy cập: 6.319.335
Chung nhan Tin Nhiem Mang