Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế

20/08/2024 15:16

Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

------------------------

Công ty A (Việt Nam) có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu. Tháng 5/2024 công ty A nhận được thư chào hàng nguyên liệu thủy sản chất lượng cao với giá hấp dẫn từ khách hàng X (Pakistan) là đại diện của Công ty Y (Pakistan). Kiểm tra thông tin của Công ty Y (Pakistan) theo địa chỉ trang web của Công ty Y (Pakistan), Công ty A (Việt Nam) đánh giá đây là một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín tại Pakistan. Công ty A lập tức ký hợp đồng và chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên sau khi nhận được tiền đặt cọc khách hàng X (Pakistan) không giao hàng theo thời hạn hợp đồng, không trả lời rõ ràng các chất vấn của Công ty A (Việt Nam). Nghi ngờ độ tin cậy của khách hàng X (Pakistan), ngày 12/06/2024, Công ty A (Việt Nam) gửi thư đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ hỗ trợ.

Nhận được đề nghị hỗ trợ của Công ty A (Việt Nam) ngay lập tức Bộ phận Thương vụ đến ngân hàng MCB LTD. (ngân hàng nhận 5.000 USD tiền đặt cọc của Công ty A (Việt Nam)) yêu cầu kiểm tra và phong tỏa tài khoản của khách hàng X (Pakistan). Sau đó Bộ phận Thương vụ đến trụ sở Công ty Y (Pakistan). Thật bất ngờ, đại diện Công ty Y (Pakistan) thông báo khách hàng X không phải là đại diện của Công ty Y (Pakistan). Công ty Y (Pakistan) không mở tài khoản tại ngân hàng MCB LTD. Khi Bộ phận Thương vụ đưa ra bằng chứng Công ty A (Việt Nam) đã chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc vào tài khoản mang tên Công ty Y (Pakistan) tại ngân hàng MCB LTD. thì đại diện Công ty Y (Pakistan) khẳng định đây là một hành vi lừa đảo bằng cách mở tài khoản mang tên Công ty Y (Pakistan) một cách trái phép.

Trên cơ sở thông tin của Công ty Y (Pakistan), Bộ phận Thương vụ cảnh báo Công ty A (Việt Nam) và đề nghị chấm dứt giao dịch với khách hàng X (Pakistan).

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, Công ty A (Việt Nam) không xem xét cảnh báo, không thực hiện đề nghị của Bộ phận Thương vụ và tiếp tục giao dịch với khách hàng X (Pakistan). Có thể là nhu cầu nguyên liệu của Công ty A (Việt Nam) quá cao? Có thể là chào hàng của khách hàng quá hấp dẫn? Có thể lòng tin của công ty vào Bộ phận Thương vụ không cao?

Ngày 13/08/2024, Công ty A (Việt Nam) gửi thư đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ hỗ trợ về việc Công ty A (Việt Nam) đã ký hợp đồng với Công ty Z (Pakistan) mua 01 container cá mú (grouper) chất lượng cao (size 1000-up là chủ yếu) trị giá 81.900 USD, đã thanh toán 71.900 USD, Công ty Z (Pakistan) đã giao hàng nhưng sau đó không gửi chứng từ giao hàng và cắt đứt liên lạc.

Mặc dù ngày 14/08/2024 là ngày nghỉ lễ Quốc khánh của Pakistan nhưng vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên Bộ phận Thương vụ đã tìm cách liên hệ với đại diện Công ty Z (Pakistan) theo tố cáo của Công ty A (Việt Nam) và mời đến trụ sở Thương vụ làm việc. Kết quả như sau:

1/ Đại diện Công ty Z (Pakistan) khẳng định không nhận được số tiền 71.900 USD. Tài khoản mang tên công ty Z (Pakistan) mở tại ngân hàng Meezan Bank Limited (đã nhận 71.900 USD) không phải là tài khoản của Công ty Z (Pakistan).

2/ Đại diện Công ty Z (Pakistan) khẳng định theo yêu cầu của 1 đối tác Pakistan Công ty Z (Pakistan) đã giao 01 container cá mú chất lượng thấp (size 300/500 là chủ yếu) và đã lập hóa đơn thanh toán trị giá 41.775 USD trong đó Công ty Z (Pakistan) đã nhận được 5.000 USD tiền đặt cọc.

3/ Đại diện Công ty Z (Pakistan) cho rằng đối tác Pakistan đã mở tài khoản mạo danh Công ty Z (Pakistan) tại ngân hàng Meezan Bank Limited để lừa đảo.

4/ Bộ phận Thương vụ nhận định đối tác Pakistan này chính là khách hàng X (Pakistan) đã tìm cách lừa Công ty A (Việt Nam) bằng thủ đoạn mở tài khoản mạo danh Công ty Y (Pakistan) tại ngân hàng MCB Ltd. Bộ phận Thương vụ đã cảnh báo đề nghị Công ty A (Việt Nam) chấm dứt quan hệ với khách hàng X (Pakistan).

5/ Bộ phận Thương vụ yêu cầu đại diện Công ty Z (Pakistan) liên hệ ngay với ngân hàng Meezan Bank Limited để phong tỏa ngay số tiền 71.900 USD. Tuy nhiên số tiền này được chuyển từ ngày 31/07/2024. Nguy cơ rất cao là đối tượng lừa đảo đã rút hết số tiền này ra khỏi tài khoản.

Khách hàng X (Pakistan) đã lừa đảo như thế nào?

Theo hồ sơ có thể nhận định khách hàng X (Pakistan) đã tìm cách mở tài khoản mạo danh Công ty Z (Pakistan) tại ngân hàng Meezan Bank Limited, sau đó ký hợp đồng với Công ty A (Việt Nam) với tên và địa chỉ thật của Công ty Z (Pakistan), với tài khoản mạo danh Công ty Z (Pakistan) tại ngân hàng Meezan Bank Limited. Sau đó khách hàng X (Pakistan) ký hợp đồng với Công ty Z (Pakistan), đặt cọc cho Công ty Z (Pakistan) 5.000 USD để Công ty Z (Pakistan) giao 01 container cá mú chất lượng thấp (size 300/500 là chủ yếu). Sau đó khách hàng X (Pakistan) yêu cầu Công ty Z (Pakistan) gửi bản sao B/L (thật 100 %), bản sao giấy chứng nhận chất lượng (thật 100 %), bản sao giấy chứng nhận xuất xứ (thật 100 %). Khách hàng X (Pakistan) chỉ còn phải làm mỗi một việc là lập hóa đơn thương mại (giả 100 %), phiếu đóng gói (giả 100 %) là có đủ bộ bản sao chứng từ giao hàng gửi cho công ty A (Việt Nam) yêu cầu thanh toán. Chắc chắn là Công ty A (Việt Nam) có “”36 phép thần thông của Tề Thiên Đại Thánh”” cũng không thể phát hiện ra được đây là bộ chứng từ giao hàng giả mạo.

Trước đó, sau khi ký hợp đồng với Công ty Z (Pakistan) khách hàng X (Pakistan) đã yêu cầu Công ty Z (Pakistan) gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thật 100 %), giấy phép xuất khẩu thủy sản (thật 100 %) để gửi cho Công ty A (Việt Nam) để tạo độ tin cậy.

Trước đó nữa khách hàng X (Pakistan) sau khi mở tài khoản mạo danh Công ty Y (Pakistan) tại ngân hàng MCB Ltd. chắc chắn đã tìm cách ký hợp đồng với Công ty Y (Pakistan) để lừa Công ty A (Việt Nam) nhưng có lẽ vì Công ty Y (Pakistan) là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín nên khách hàng X (Pakistan) không thực hiện được âm mưu lừa đảo, dẫn đến việc không giao hàng theo thời hạn hợp đồng, không trả lời rõ ràng các chất vấn của công ty A (Việt Nam).

Làm thế nào để chống lại thủ đoạn lừa đảo mới này?

Bộ phận Thương vụ đã khiếu nại và cảnh báo ngân hàng MCB LTD. phải chịu trách nhiệm về việc để cho khách hàng mở tài khoản trái quy định để thực hiện hành vi lừa đảo. Dự kiến Bộ phận Thương vụ sẽ tiếp tục khiếu nại và cảnh báo ngân hàng Meezan Bank Limited với nội dung tương tự và thông báo cho Ngân hàng nhà nước Pakistan kiến nghị kiểm tra và chấn chỉnh các ngân hàng thương mại Pakistan không để cho khách hàng mở tài khoản trái quy định để thực hiện hành vi lừa đảo.

Đối với các số tiền nhỏ thì có thể chấp nhận rủi ro 100 %. Đối với số tiền lớn như 71.900 USD thì cần chấp nhận chi phí 1-2.000 USD để sang tận nơi ”tay bắt, mặt mừng’’ với đối tác, kết hợp thêm khảo sát thị trường, mở rộng quan hệ, giúp giảm thiểu rủi ro và có khi còn tìm thêm được nhiều mặt hàng mới, kết nối được với nhiều đối tác mới, mang lại lợi ích lớn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra.

            Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

 

 
(1)  Thị trường logistics chuỗi lạnh thế giới và Việt Nam: Đặc điểm và triển vọng (bản công bố vào năm 2024, tập trung vào dịch vụ kho lạnh và vận tải lạnh), vui lòng tải TẠI ĐÂY 
 
(2) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(3) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(4) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(5) Thông tin hoạt động Logistics trong XUẤT KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(6) Thông tin hoạt động Logistics trong NHẬP KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY
 
(7) Báo cáo nghiên cứu thị trường Halal logistics và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 6.015.115
Chung nhan Tin Nhiem Mang