Từ 10/6 - 30/9 ngưng tiếp nhận hàng nhựa phế liệu NK trực tiếp tại Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Hiệp Phước.
Như chúng ta đã biết, tháng 7/2017, Trung Quốc thông báo đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là nước này sẽ ngưng nhập khẩu 24 loại chất thải rắn, trong đó chủ yếu là các loại nhựa và giấy phế liệu, thông báo có hiệu lực từ tháng 9-2017. Sau động thái này, lượng hàng phế liệu nhập về Trung Quốc giảm mạnh. Lượng giấy phế liệu nhập về Trung Quốc đã giảm từ 100.000 TEU trong tháng 1/2017 xuống còn 32.000 TEU trong tháng 1/2018. Lượng nhựa phế liệu cũng giảm mạnh từ mức 45.000 TEU vào tháng 8/2017 còn xấp xỉ 1.000 TEU hàng được nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng đầu năm nay.
Trung Quốc đã từng là quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, một báo cáo từ Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế vào năm 2014 thậm chí còn gọi thị trường tái chế phế liệu nhựa toàn cầu là thị trường chỉ có một tay chơi. Và động thái khá đột ngột của Trung Quốc đã làm các quốc gia xuất khẩu các loại phế liệu, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu, lo sốt vó vì không biết nên xử lý như thế nào với lượng phế liệu mà Trung Quốc giảm nhập ước tính lên đến 75.000 TEU/tháng, khi mà từ thời hạn thông báo đến thời gian áp dụng chỉ là trong vài tháng.
Việt Nam đã là một trong các điểm đến mà luồng hàng này dịch chuyển. Theo Journal of Commerce, lượng phế liệu nhập trong cả năm 2017 của Việt Nam từ Mỹ đã tăng 240% so với cùng kỳ, và trong quí 1 năm nay, lượng hàng này tăng đến 277%, đạt mức trên 11.000 TEU. Tương tự, lượng hàng phế liệu từ Mỹ cũng đã nhanh chóng dịch chuyển sang Ấn Độ, với khối lượng trong quý 1-2018 đạt xấp xỉ 50.000 TEU, tăng 208%. Nhưng mức tăng của cả Việt Nam và Ấn Độ đều “chào thua” mức tăng từ Indonesia, 320%. Thái Lan và Malaysia cũng là các quốc gia chứng kiến mức tăng trưởng trong nhập khẩu hàng phế liệu. Hiện tượng gia tăng nhập khẩu hàng phế liệu tại các nước châu Á là một diễn biến phù hợp với dòng chảy thương mại của mặt hàng này.
Vấn đề là Việt Nam phải quản lý như thế nào để tận dụng được tối đa những cơ hội từ phế liệu và hạn chế các tác động tiêu cực cũng từ phế liệu.
Thời gian qua, trong nỗ lực giảm tải tình trạng ùn tắc do các container ứ đọng, trong đó phần nhiều là hàng phế liệu, tại các cảng của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về thời gian, chi phí cơ hội và làm giảm năng lực cạnh tranh do logistics kém hiệu quả, Cục Hải quan TP HCM thường xuyên rà soát, thống kê, soi chiếu, thực hiện phân loại đối với những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa container, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi.
Theo quy định, nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra chi tiết, xử lý nghiêm nếu sai phạm. Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày, sẽ thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014 của Bộ Tài chính và Thông tư số 05/2014 của Bộ Công thương nhằm giải quyết kịp thời và tránh lãng phí hàng còn giá trị, xử lý tiêu hủy những lô hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý hàng hóa chậm luân chuyển vẫn gặp khó khăn như: Vấn đề xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền, nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác.
“Theo Khoản 3, Điều 19 Thông tư số 203/2014 quy định trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả Hội đồng tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của Cục Hải quan hoặc của doanh nghiệp quản lý hàng hoá tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn làm chậm quá trình thanh lý hàng hoá tồn đọng. Ngoài ra, đối với hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng dưới 90 ngày hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể.
Về phía công ty quản lý cảng, để kiểm soát và hạn chế phế liệu nhập khẩu tồn lâu ngày, vừa qua, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng chủ động ban hành quy định việc xử lý các container nhựa phế liệu nhập khẩu tại 2 cảng: Tân cảng Cát Lái và Tân cảng Hiệp Phước. Đáng chú ý, từ ngày 1/6/2018, đơn vị này chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Lãnh đạo Tân cảng Sài Gòn cũng cho biết, từ 10/6 - 30/9/2018 sẽ ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại cảng Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Hiệp Phước.VITIC tổng hợp