Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường Halal

13/11/2024 09:03

Báo cáo nghiên cứu thị trường Halal logistics và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY 

-------------

Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) gần đây đã đem lại nhiều ưu đãi thuế, giảm quy trình thủ tục để xuất khẩu hàng Việt vào thị trường các nước Hồi giáo. Với lợi thế này, các doanh nghiệp xuất khẩu đang chuyển hướng, tận dụng tốt cơ hội đưa hàng hóa vào khối thị trường tiềm năng này.

Nỗ lực đạt tiêu chuẩn Halal

Xuất khẩu (XK) thành công vào thị trường các nước Hồi giáo (Halal) nhiều năm nay, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, trong những năm qua, XK cá ngừ của công ty sang EU bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU, nên đơn vị đã đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng XK sang các thị trường Halal, với đơn hàng ngày một tăng. “Hiện sản phẩm của chúng tôi đã đáp ứng các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận Halal và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đang được đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Đông, đặc biệt các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)”- bà Lan chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của bà Lan, để vào thị trường Halal buộc phải có chứng nhận Halal. Các nước hồi giáo chiếm 1/3 dân số thế giới. Người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí này để XK bền vững.

Trước kia, sản phẩm Việt Nam vào thị trường Hồi giáo phải trả thuế nhập khẩu. Gần đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều ưu đãi thuế, giảm quy trình thủ tục để xuất khẩu hàng Việt có chứng nhận Halal. Vì thế, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội này.

Đặc biệt mới đây, trong chuyến thăm chính thức UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo cấp cao UAE đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Như vậy, CEPA được ký kết chỉ sau hơn một năm đàm phán. Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-rập, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ được nâng cấp và ngày càng đi vào thực chất giữa Việt Nam với UAE nói riêng cũng như các nước Ả-rập nói chung.

Đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.

Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống logistics, hạ tầng cảng biển hiện đại, UAE là cửa ngõ quan trọng và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra các thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Hơn nữa, dân số tăng, thu nhập cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản, các lượt tìm kiếm trực tuyến các sản phẩm hải sản đã tăng trong những năm gần đây dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản tại khu vực này.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia ngành tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trên thị trường UAE, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador. Trong đó, tôm Ấn Độ chiếm gần 60%-70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%-7% thị phần. Kỳ vọng, với Hiệp định CEPA mới được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất, để có thể tăng thị phần tại thị trường này.

Hiện các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu vào UAE đang bị áp mức thuế 5%. Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường này sẽ mở rộng hơn khi FTA giữa Việt Nam và UAE có hiệu lực và đưa thuế nhập khẩu thủy sản vào quốc gia này về 0%. Điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường này.

Bên cạnh thuế quan, khó khăn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE là các yêu cầu của nhà nhập khẩu liên quan đến chứng nhận Halal. Theo đó, sản phẩm không có bất cứ nguyên liệu nào bị cấm theo luật Hồi giáo; trong suốt các khâu sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu luật Hồi giáo không cho phép; đồng thời trong suốt quá trình đó sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu luật Hồi giáo không chấp nhận. Vấn đề này đang được các doanh nghiệp quan tâm khắc phục.

Cơ hội từ thị trường nghìn tỷ USD

Là một trong những đơn vị tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, ngành công nghiệp Halal đang phát triển mạnh mẽ với hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt hơn 7.000 tỷ USD năm 2024, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Tổng số người theo đạo Hồi năm 2024 khoảng 2,2 tỷ người, dự kiến tới năm 2030 sẽ đạt 2,8 tỷ người (30% dân số thế giới), tăng gấp đôi tốc độ gia tăng dân số của các tôn giáo khác.

Theo đó, ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi. Các xu hướng Halal năm 2024 sẽ góp phần định hình lại môi trường kinh doanh Halal toàn cầu tạo ra cơ hội mới song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới.

Với xu hướng xây dựng chuỗi giá trị Halal, thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal.

Để xuất khẩu bền vững, việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal cần được chú trọng. Theo đó, các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quá trình sản xuất Halal bao gồm các yếu tố về số lượng khiếu nại, sự cố Halal, tần suất kiểm tra, tỷ lệ nhân viên được đào tạo mức độ trưởng thành của Halal, niềm tin Halal, chỉ số danh tiếng Halal, giấy phép hoạt động và xếp hạng Halal.

Các doanh nghiệp và bên cung ứng cũng cần xây dựng thương hiệu Halal uy tín trên cơ sở chất lượng sản phẩm và chất lượng của toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh Halal, xây dựng lộ trình thực tế để triển khai chuỗi giá trị Halal và rà soát tiến độ.

Ông Firdauz Bin Othman, Tổng Lãnh sự Malaysia tại TPHCM cho biết, hiện nay, tiêu chuẩn Halal đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển và gia tăng nhu cầu về các sản phẩm Halal. Riêng về mảng thực phẩm Halal đang phát triển với tốc độ rất nhanh, được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thị trường này được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Việc này đã mang đến những cơ hội lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.

Link gốc

 
(1)  Báo cáo nghiên cứu thị trường Halal logistics và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY
 
(2) Thị trường logistics chuỗi lạnh thế giới và Việt Nam: Đặc điểm và triển vọng (bản công bố vào năm 2024, tập trung vào dịch vụ kho lạnh và vận tải lạnh), vui lòng tải TẠI ĐÂY 
 
(3) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, dịch vụ vận tải, ga, cảng, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 10
Số người truy cập: 6.258.227
Chung nhan Tin Nhiem Mang