Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Xuất khẩu thủy sản: Giải pháp về cảng biển-hạ tầng giao thông ở ĐBSCL

24/04/2018 09:01
Theo Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2017 xuất khẩu thủy sản của cả nước cán đích với trên trên 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016. XK tất cả các sản phẩm chủ lực đều tăng trưởng khả quan. Trong đó, tôm chiếm tỷ trọng chi phối (46%) tăng 22% đạt trên 3,85 tỷ USD. Chiếm 65% tổng XK tôm, sản phẩm tôm chân trắng ngày càng thể hiện thế mạnh vượt trội với kết quả XK 2,5 tỷ USD, tăng 28% và gấp 3 lần XK tôm sú, trong đó tôm chân trắng chế biến GTGT chiếm 45% với 1,1 tỷ USD, tôm nguyên liệu đông lạnh 1,4 tỷ USD. Tôm sú giảm 5,6% đạt 878 triệu USD, còn lại là tôm biển các loại với khoảng 446 triệu USD, chiếm 12%.

3 tháng đầu năm 2018, tổng XK thủy sản đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó: tôm đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 18% (tôm chân trắng: 481 triệu USD, tăng 29%, tôm sú 145 triệu USD, giảm 13%). XK cá tra đạt 418 triệu USD, tăng 15%; cá ngừ đạt 133 triệu USD, tăng 18%, XK mực - bạch tuộc đạt 115 triệu USD, tăng 16%.

Năm 2018, có một số yếu tố có thể tác động không tích cực đến XK thủy sản như: chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, thuế CBPG tôm-cá tra sang Hoa kỳ và thẻ vàng IUU trong khi một số vấn đề nội tại (như thiếu nguyên liệu cho CBXK, vấn đề kháng sinh, giá thành SX…) vẫn còn đang trong quá trình cải thiện. Những yếu tố này nếu không được giải quyết hiệu quả nhất thì sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực (kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại song & đa phương; xây dựng uy tín chất lượng hàng hóa, XTTM, sản phẩm GTGT, cải thiện môi trường kinh doanh…v…v.).

Trên nền tảng đó, cộng với kế hoạch tập trung đẩy mạnh sản xuất và XK tôm hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD năm 2025, khối lượng XK dự báo sẽ tăng. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh với các nước XK khác (Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuado….) cũng gia tăng và giá XK sẽ giảm nhẹ so với 2017. Tuy nhiên, với kế hoạch và mục tiêu của Bộ NN và PTNT, cộng đồng DN và toàn ngành thủy sản đang phấn đấu đạt kim ngạch XK 10 tỷ USD năm 2018. Trong đó, mặt hàng tôm tiến tới mục tiêu 4,8 tỷ USD, tăng 26%, cá tra 2 tỷ USD, tăng 10% và các mặt hàng hải sản đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22%.


Như vậy có thể thấy, thủy sản là một trong những ngành hàng sản xuất-xuất khẩu chủ lực của Đồng bằng Sông Cửu long và của cả nước. Tuy nhiên, chiến lược về hạ tầng giao thông phục vụ & thúc đẩy kinh tế xuất khẩu của Vùng còn chưa tương xứng & bất cập. Phần lớn hàng xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng vẫn phải vận chuyển lên Tp Hồ Chí Minh. Trong khi đó, chi phí cầu đường trong vận chuyển đường bộ tại ĐBSCL và Trung tâm vùng là Cần Thơ đang ngày càng lớn và trở thành gánh nặng cho các DN hiện nay trong vùng, đặc biệt đang trở thành mối quan ngại cho các DN vừa và nhỏ.

Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ có giải pháp nạo vét luồng lạch, chính sách giá xếp dỡ và phí luồng hàng hải để khuyến khích các hãng tàu quốc tế mở tuyến cố định và triển khai đưa tàu container vào Cảng Cái Cui cũng như các Cảng Quốc Tế tiềm năng khác ở Đồng Bằng Song Cửu Long để phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí cho Doanh nghiệp, giảm áp lực giao thông đường bộ. Bên cạnh đó kiến nghị Chính Phủ rà soát, cân đối và điều chỉnh giảm các trạm thu phí và mức phí cầu-đường để nuôi sức DN và thúc đẩy giao thương, phát triển của các DN thủy sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

VITIC tổng hợp/ Theo VASEP, thông tin tại Hội nghị Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, ngày 23 tháng 4 năm 2018. 


 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 9
Số người truy cập: 6.038.791
Chung nhan Tin Nhiem Mang