Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Báo cáo: Tổng quan về hoạt động vận tải đa phương thức và quy định tại Việt Nam

19/09/2017 15:14

1. Khái niệm và vai trò:
1.1. Khái niệm:
Vận tải đa phương thức quốc tế (Multimodal transport)hay còn gọi là vận tải liên hợp (Combined transport) được hiểu theo cách đơn giản nhất là phương thức vận tải hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trở lên, trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức từ một điểm ở một nước tới một điểm chỉ định ở một nước khác để giao hàng.
Tuy nhiên, khái niệm này đã được đề cập tới trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế và có những điều chỉnh nhất định theo thời gian hình thành và phát triển của loại hình này trên thế giới. 
Liên Hợp Quốc (UN) đã đưa ra 1 số định nghĩa và thuật ngữ vận tải trong Sổ tay vận tải đa phương thức (Multimodal Transport Handbook) xuất bản năm 1995 như sau:

 -  Phương thức vận tải là cách thức vận tải được sử dụng để di chuyển hàng hóa, ví dụ: sắt, bộ, thủy, không;

 -  Phương tiện vận tải: loại phương tiện sử dụng để vận tải, ví dụ: tàu thủy, ôtô, máy bay;

 -  Loại phương tiện vận tải: loại phương tiện được sử dụng trong quá trình vận tải, ví dụ: máy bay có đường kính thân rộng từ 5-6m và có hai lối đi như Airbus 380);

 -  Vận tải đơn phương thức: vận tải sử dụng một phương thức vận tải duy nhất, người vận tải phát hành chứng từ vận tải của mình (B/L, AWB, phiếu gửi hàng);

 -  Vận tải kết hợp vận tải hàng hóa trong 1 loại đơn vị xếp dỡ kết hợp các phương thức vận tải khác nhau;

 -  Vận tải đa phương thức: vận tải hàng hóa bằng nhiều phương thức vận tải do một người vận tải (hay người khai thác - operator) tổ chức cho toàn bộ quá trình vận tải từ điểm/cảng xuất phát thông qua 1 hoặc nhiều điểm transit đến điểm/cảng đích. Tùy vào trách nhiệm được phân chia trên toàn bộ qúa trình vận tải, các loại chứng từ vận tải khác nhau sẽ được sử dụng.

Ấn phẩm  “Benchmarking Intermodal freight transport” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xuất bản năm 2002 thì VTĐPT (intermodalism) là việc sử dụng ít nhất 2 phương thức vận tải trong chuỗi vận tải door-to-door. Và VTĐPT cũng là 1 phần quan trọng trong quản trị logistics.
Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước thuộc Liên minh châu Âu (ECMT), Ủy ban kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UN/ECE), và Ủy ban châu Âu về tiêu chuẩn hóa (CEN) đã đưa ra trong bản hướng dẫn 92/106/EEC năm 1992 và sau đó được chỉnh sửa lại năm 2001 đã định nghĩa như sau:

– VTĐPT là sự dịch chuyển hàng hóa trong những đơn vị hoặc phương tiện vận chuyển tiêu chuẩn sử dụng nhiều phương thức vận tải mà không xếp dỡ hàng hóa ra khi thay đổi phương thức vận tải;

– Vận tải đa phương thức việc vận chuyển hàng hóa bởi ít nhất hai phương thức vận tải).

Trong các văn bản do WTO ban hành từ 2001, thì VTĐPT là việc vận chuyển hàng hóa bởi ít nhất hai phương thức vận tải, do MTO tổ chức dựa trên 1 hợp đồng vận tải đa phương thức từ điểm xếp hàng ở một nước đến điểm dỡ hàng ở một nước khác.

Định nghĩa của Ủy ban châu Âu (EC - European commission) từ năm 1997 thì cho rằng VTĐPT là sự di chuyển hàng hóa bởi ít nhất hai phương thức vận tải trong một chuỗi vận tải door-to-door.

Từ năm 1995, Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ (USDOT) đã cho rằng VTĐPT là sử dụng nhiều hơn một phương thức vận tải và có đặc điểm là Container hóa; Sử dụng dịch vụ Piggyback (vận tải kết hợp đường sắt và đường bộ); Di chuyển liên tục không gián đoạn (seamless) và có tính kết nối; Từng phương thức vận tải sẽ được lựa chọn để cung cấp cho người sử dụng những lựa chọn dịch vụ tốt nhất.

 

Tại Việt Nam, Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về vận tải đa phương thức quy định: 

(1). “Vận tải đa phương thức” là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.

(2). “Vận tải đa phương thức quốc tế” là vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại.

(3). “Vận tải đa phương thức nội địa” là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

1.2. Vai trò:
Hoạt động vận tải góp phần chủ đạo tạo nên hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ logistics, trong đó cơ sở hạ tầng GTVT đóng vai trò quan trọng cùng với các loại hình phương tiện vận chuyển tạo ra một giá trị to lớn trong việc phát triển ngành Dịch vụ logistics, qua đó đóng góp to lớn vào nền kinh tế quốc dân trong việc hỗ trợ cho luồng chu chuyển các giao dịch kinh tế trong quốc gia thông qua các khâu: Sản xuất, lưu thông, phân phối, dự trữ cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Vận tải đa phương thức là một xu hướng tất yếu trong ngành vận tải nói riêng và rộng hơn là trong lĩnh vực logistics. 
Vận tải ngày nay không chỉ đơn thuần là việc chuyển dịch hàng hóa mà còn phải thực hiện được sự kết nối quá trình vận chuyển thành một chuỗi vận tải không gián đoạn nhằm làm cho quá trình vận chuyển hàng hóa an toàn hơn, nhanh chóng hơn, mức độ tin cậy cao hơn và đơn giản hơn. Vận tải đa phương thức (VTĐPT) đang trở thành một phương thức vận tải phổ biến bên cạnh các phương thức vận tải truyền thống (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và vận tải biển) vì có thể đáp ứng được những đòi hỏi nói trên của thị trường vận tải hàng hóa.

2. Các hình thức kết hợp giữa các loại hình vận tải: 

2.1. Phương thức vận tải đường bộ kết hợp với đường sắt (2R)

Mô hình vận tải đường bộ sử dụng phương tiện có tính linh hoạt cao là ô tô kết hợp với đường sắt sử dụng phương tiện tàu hỏa với tải trọng lớn (Road – Rail): Đây là sự kết hợp giữa tính cơ động của vận tải ô tô với tính an toàn, tốc độ và tải trọng lớn của vận tải sắt, mô hình 2R hiện đang được sử dụng nhiều ở Việt Nam:

– Theo phương thức này, người kinh doanh vận tải tiến hành đóng gói hàng trong các trailer được ô tô trở đến nhà ga thông qua các xe kéo gọi là tractor.

– Tại ga, các trailer được kéo lên các toa xe và chở đến ga đến. Khi đến đích người kinh doanh vận tải lại sử dụng các tractor để kéo các trailer xuống và sử dụng phương tiện vận tải ô tô chở đến các địa điểm để giao cho người nhận.

2.2. Phương thức vận tải đường bộ kết hợp với đường hàng không (R-A)

Mô hình vận tải đường bộ sử dụng phương tiện có tính linh hoạt cao là ô tô kết hợp với vận tải hàng không sử dụng phương tiện máy bay với độ an toàn cao, thời gian vận chuyển ngắn trên quãng đường dài (Road – Air): Là việc sử dụng để phối hợp cả ưu thế của vận tải ô tô và vận tải hàng không. Mô hình RA là sự kết hợp tính cơ động linh hoạt của ô tô với độ dài vận chuyển của máy bay, hay còn gọi là dịch vụ nhặt và giao (pick up and delivery):

– Theo phương thức này, người kinh doanh vận tải sử dụng ô tô để tập trung hàng về các cảng hàng không hoặc từ các cảng hàng không chở đến nơi giao hàng ở các địa điểm khác.

– Hoạt động vận tải ô tô thực hiện ở đoạn đầu và đoạn cuối của quá trình vận tải, có tính linh động cao, đáp ứng cho việc thu gom, tập trung hàng về đầu mối là cảng hàng không sân bay.

– Hoạt động vận tải hàng không thực hiện trung gian chuyên trở hàng hóa phục vụ cho các tuyến bay đường dài liên tỉnh có các cảng hàng không sân bay.

2.3. Phương thức vận tải đường bộ kết hợp với đường biển, thủy nội địa (R-S)

Mô hình vận tải đường bộ sử dụng phương tiện có tính linh hoạt cao là ô tô kết hợp với vận tải đường biển/đường thủy nội địa sử dụng phương tiện máy bay với độ an toàn cao, thời gian vận chuyển ngắn trên quãng đường dài (Road – Air) (Road – Air): Là việc sử dụng để phối hợp cả ưu thế của vận tải ô tô và vận tải hàng không. Mô hình RA là sự kết hợp tính cơ động linh hoạt của ô tô với độ dài vận chuyển của máy bay, hay còn gọi là dịch vụ nhặt và giao(pick up and delivery). Người kinh doanh vận tải sử dụng ô tô để tập trung hàng về các cảng hàng không hoặc từ các cảng hàng không chở đến nơi giao hàng ở các địa điểm khác:

– Hoạt động vận tải ô tô thực hiện ở đoạn đầu và đoạn cuối của quá trình vận tải theo cách thức này có tính linh động cao, đáp ứng cho việc thu gom, tập trung hàng về đầu mối là sân bay.

– Hoạt động vận tải hàng không thực hiện trung gian chuyên trở hàng hóa phục vụ cho các tuyến bay đường dài liên lục địa như từ châu Âu sang châu Mỹ hoặc các tuyến xuyên qua Thái Bình Dương, Ðại Tây Dương…

2.4. Phương thức vận tải đường hàng không kết hợp với đường biển (A-S)

Mô hình vận tải hàng không kết hợp với vận tải đường biển (Air – Sea): Nhanh hơn đường biển, rẻ hơn đường không. Đây là sự kết hợp giữa tính ưu việt về tốc độ của vận tải hàng không với tính kinh tế của vận tải biển. Mô hình AS này được áp dụng vận tải phổ biến từ các vùng Viễn Đông sang châu Âu trong việc chuyên chở những hàng hóa có giá trị cao như đồ điện, điện tử và những hàng hóa có tính thời vụ cao như quần áo, đồ chơi, giầy dép.

– Hàng hóa sau khi được vận chuyển bằng đường biển tới cảng chuyển tải cần được chuyển tới người nhận nhanh chóng. Do vậy, bằng phương tiện máy bay là thích hợp nhất để người kinh doanh vận tải chuyển tới người nhận ở sâu trong đất liền một cách nhanh chóng, nếu vận chuyển bằng phương tiện vận tải khác thì sẽ không đảm bảo được tính thời vụ hoặc làm giảm giá trị của hàng hóa.

2.5. Phương thức vận tải hỗn hợp (2RIS)

– Mô hình vận tải hỗn hợp mà điển hình là sự kết hợp của các loại hình vận tải đường sắt – đường bộ – vận tải thủy nội địa – vận tải đường biển (Rail /Road/Inland waterway/Sea): Đây là mô hình vận tải phổ biến nhất để chuyên chở hàng hoá xuất nhập khẩu.

– Hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ hoặc đường thủy nội địa đến cảng biển của nước xuất khẩu, sau đó được vận chuyển bằng đường biển tới cảng của nước nhập khẩu rồi từ đó vận chuyển đến người nhận ở sâu trong nội địa bằng đường bộ, đường sắt hoặc vận tải nội thủy.

– Với mô hình 2RIS sẽ thích hợp với các loại hàng hoá chở bằng container trên các tuyến vận chuyển mà không yêu cầu gấp rút lắm về thời gian vận chuyển.

3. Quy định tại Việt Nam 

Tại Việt Nam, kinh doanh vận tải đa phương thức là một ngành có điều kiện. Theo đó, 

1. Doanh nghiệp, Hợp tác xã Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

b) Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương;

c) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương;

d) Có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

2. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đầu tư trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế;

b) Có tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương;

c) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương;

d) Có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

3. Doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được cấp phép hoặc được đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế tại cơ quan có thẩm quyền của nước đó;

b) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương;

c) Có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

 theo Nghị định số 89/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về vận tải đa phương thức, 

trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế cho doanh nghiệp.

Giấy phép này sẽ có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định số bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế là một bộ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã nộp một bộ hồ sơ đề nghị này trực tiếp tại Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải hoặc qua đường bưu chính.

Hồ sơ bao gồm đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.

Nghị định cũng quy định trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trực tiếp hoặc ngày đến ghi trên dấu bưu điện, Bộ Giao thông Vận tải phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

VITIC tổng hợp và phân tích

 

 -  Phương thức vận tải là cách thức vận tải được sử dụng để di chuyển hàng hóa, ví dụ: sắt, bộ, thủy, không;

 -  Phương tiện vận tải: loại phương tiện sử dụng để vận tải, ví dụ: tàu thủy, ôtô, máy bay;

 -  Loại phương tiện vận tải: loại phương tiện được sử dụng trong quá trình vận tải, ví dụ: máy bay có đường kính thân rộng từ 5-6m và có hai lối đi như Airbus 380);

 -  Vận tải đơn phương thức: vận tải sử dụng một phương thức vận tải duy nhất, người vận tải phát hành chứng từ vận tải của mình (B/L, AWB, phiếu gửi hàng);

 -  Vận tải kết hợp vận tải hàng hóa trong 1 loại đơn vị xếp dỡ kết hợp các phương thức vận tải khác nhau;

 -  Vận tải đa phương thức: vận tải hàng hóa bằng nhiều phương thức vận tải do một người vận tải (hay người khai thác - operator) tổ chức cho toàn bộ quá trình vận tải từ điểm/cảng xuất phát thông qua 1 hoặc nhiều điểm transit đến điểm/cảng đích. Tùy vào trách nhiệm được phân chia trên toàn bộ qúa trình vận tải, các loại chứng từ vận tải khác nhau sẽ được sử dụng.

Trong khi đó, tài liệu “Benchmarking Intermodal freight transport” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xuất bản năm 2002 thì VTĐPT (intermodalism) là việc sử dụng ít nhất 2 phương thức vận tải trong chuỗi vận tải door-to-door. Và VTĐPT cũng là 1 phần quan trọng trong quản trị logistics.

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 6.250.432
Chung nhan Tin Nhiem Mang