Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Báo cáo: Hiệu quả sử dụng container: Từ lý thuyết đến thực tiễn

19/09/2017 11:17
(phân tích)

I. Tổng quan
Quá trình container hóa trong cuộc cách mạng logistics là một tất yếu khách quan, do những ưu việt của công cụ ngành không chỉ đối với ngành vận tải hiện đại mà còn đối với lĩnh vực kho bãi, giao nhận.  
Quy cách kỹ thuật của container được thể hiện bởi hệ thống thông số ghi trên vỏ container.  Trên container có rất nhiều loại ký, mã hiệu thể hiện những ý nghĩa khác nhau. Tiêu chuẩn hiện hành quy định đối với các ký mã hiệu container là ISO 6346:1995, theo đó, các nhãn hiệu này chia thành những loại chính sau:
Hệ thống nhận biết (identification system)
Mã kích thước và mã loại (size and type codes)
Các ký hiệu khai thác (operational markings)
1. Hệ thống nhận biết (identification system):
Hệ thống nhận biết của container bao gồm 4 thành phần
Mã chủ sở hữu (owner code)
Ký hiệu loại thiết bị (equipment category identifier / product group code)
Số sê-ri (serial number / registration number)
Chữ số kiểm tra (check digit)
- Mã chủ sở hữu (owner code): Mã chủ sở hữu (còn gọi là tiếp đầu ngữ container) bao gồm 3 chữ cái viết hoa được thống nhất và đăng ký với cơ quan đăng kiểm quốc tế thông qua cơ quan đăng kiểm quốc gia hoặc đăng kí trực tiếp với Cục container quốc tế - BIC (Bureau International des Containers et du Transport Intermodal). Sau khi đăng ký, việc sở hữu mã này mới được chính thức công nhận trên toàn thế giới. Một hãng có thể sở hữu một hoặc nhiều mã khác nhau, mặc dù BIC hạn chế điều này, và đưa ra những điều kiện nhất định cho việc đăng kí nhiều mã.
Một số công ty khác đang sở hữu, khai thác container với những đầu ngữ nhất định, nhưng chưa đăng ký với BIC, chẳng hạn như Biển Đông dùng đầu ngữ BISU, Vinafco dùng đầu ngữ VFCU... Việc sử dụng các đầu ngữ không đăng ký như vậy có một số bất lợi. Thứ nhất, điều này trái với nội dung quy định trong Phụ lục G của tiêu chuẩn ISO 6343, có điều khoản quy định về đăng ký mã xác định chủ sở hữu với BIC để được bảo vệ quyền sở hữu đối với mã này trên phạm vi quốc tế. Thứ hai, BIC khuyến cáo, container không được đăng ký tiếp đầu ngữ, trong quá trình lưu thông, có thể bị hải quan giữ, kiểm tra, và có thể không được lưu thông tự do như trong Công ước hải quan về container (Customs Convention on Containers) quy định. Điều này sẽ gây bất lợi hoặc thậm chí cản trở toàn bộ quá trình vận tải. Thứ ba, việc không đăng ký và không được thừa nhận về quyền sở hữu đối với tiếp đầu ngữ và kéo theo là quyền sở hữu container dễ dẫn đến nhầm lẫn, khiếu nại, và có thể dẫn đến mất container.
- Ký hiệu loại thiết bị: là một trong ba chữ cái dưới đây viết hoa, tương ứng với một loại thiết bị:
U: container chở hàng (freight container)
J: thiết bị có thể tháo rời của container chở hàng (detachable freight container-related equipment)
Z: đầu kéo (trailer) hoặc mooc (chassis)
Việc sử dụng bất kỳ chữ cái nào không thuộc ba chữ cái trên (U; J; Z) làm ký hiệu loại thiết bị được coi là không tuân theo tiêu chuẩn ISO 6346. 
- Số sê-ri (serial number): đây chính là số container, gồm 6 chữ số. Nếu số sê-ri không đủ 6 chữ số, thì các chữ số 0 sẽ được thêm vào phía trước để thành đủ 6 chữ số. Chẳng hạn, nếu số sê-ri là 1234, thì sẽ thêm 2 chữ số 0, và số sê-ri đầy đủ sẽ là 001234. Số sê-ri này do chủ sở hữu container tự đặt ra, nhưng đảm bảo nguyên tắc mỗi số chỉ sử dụng duy nhất cho một container.
- Chữ số kiểm tra (check digit): là một chữ số (đứng sau số sê-ri), dùng để kiểm tra tính chính xác của chuỗi ký tự đứng trước đó, gồm: tiếp đầu ngữ, số sê-ri. Với mỗi chuỗi ký tự gồm tiếp đầu ngữ và số sê-ri, áp dụng cách tính chữ số kiểm tra container, sẽ tính được chữ số kiểm tra cần thiết.
Việc sử dụng số kiểm tra là để giảm thiểu rủi ro sai sót trong quá trình nhập số container. Thực tế là số container được nhiều đối tượng sử dụng (chủ hàng, forwarder, hãng tàu, hải quan…), nhiều lần, trên nhiều chứng từ (B/L, Manifest, D/O…), do đó khả năng nhập sai số là rất lớn. Mỗi số container (gồm tiếp đầu ngữ và số sê-ri) sẽ tương ứng với một chữ số kiểm tra. Do đó, việc nhập sai số phần lớn sẽ bị phát hiện do chữ số kiểm tra khác với thực tế. Tuy vậy, cũng cần lưu ý điều này không phải tuyệt đối, bởi nếu sai 2 ký tự trở lên thì có thể số kiểm tra vẫn đúng, và sai sót không bị phát hiện ra.
2. Mã kích thước và mã kiểu (size and type codes):
 
- Mã kích thước: 2 ký tự (chữ cái hoặc chữ số). Ký tự thứ nhất biểu thị chiều dài container, chữ số 4 trong ví dụ trên thể hiện chiều dài container này là 40ft (12,192m). Ký tự thứ hai biểu thị chiều rộng và chiều cao container, chữ số 2 biểu thị chiều cao 8ft 6in (2,591m).
- Mã kiểu: 2 ký tự. Ký tự thứ nhất cho biết kiểu container, trong ví dụ trên: G thể hiện container hàng bách hóa. Ký tự thứ hai biểu thị đặc tính chính liên quan đến container, số 1 (sau chữ G) nghĩa là container có cửa thông gió phía trên.
Tóm lại, 42G1 trong hình trên thể hiện container bách hóa dài 20ft, cao 8ft 6in, thông gió phía trên.
Tiêu chuẩn ISO 6346:1995 quy định chi tiết ý nghĩa các mã kích thước và mã kiểu.
3. Các dấu hiệu khai thác (operational markings):
Các dấu hiệu trong khai thác gồm hai loại: bắt buộc và không bắt buộc
- Dấu hiệu bắt buộc: tải trọng container, cảnh báo nguy hiểm điện; container cao.
Trọng lượng tối đa (maximum gross mass) được ghi trên cửa container, số liệu tương tự như trong Biển chứng nhận an toàn CSC. Một số container cũng thể hiện trọng lượng vỏ (tare weight), trọng tải hữu ích (net weight) hay lượng hàng xếp cho phép (payload)
 
Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm điện từ đường dây điện phía trên, dùng cho tất cả các container có lắp thang leo.
 
Dấu hiệu container cao trên 2,6 mét: bắt buộc đối với những container cao trên 8ft 6in (2,6m). Chẳng hạn, hình trên thể hiện container cao 9ft 6in (2,9m)
 
 
- Dấu hiệu không bắt buộc: khối lượng hữu ích lớn nhất (max net mass), mã quốc gia (country code)
Khối lượng hữu ích lớn nhất (max net mass) dán trên cửa container, phía dưới dấu hiệu trọng lượng container tối đa.
 
Mã quốc gia (country code) gồm 2 chữ cái viết tắt thể hiện tên quốc gia sở hữu container. Trong hình dưới đây, US viết tắt của United Stated Hoa Kỳ.
 
Ngoài ba loại ký mã hiệu chính, trên vỏ container còn các dấu hiệu mô tả các thông tin cần thiết khác.
Biển chứng nhận an toàn CSC
Biển Chấp nhận của hải quan
Ký hiệu của tổ chức đường sắt quốc tế UIC (IC codes)
Logo hãng đăng kiểm
Test plate (của đăng kiểm), dấu hiệu xếp chồng (stacking height)
Tên hãng (Maersk, MSC…), logo, slogan (nếu có)
Mác hãng chế tạo (CIMC, VTC…)
Ghi chú vật liệu chế tạo vách container (corten steel), hướng dẫn sửa chữa (…repaired only with corten steel)
Bảng vật liệu chế tạo các bộ phận container; các lưuý…
Thông tin về xử lý gỗ (ván sàn)
Nhãn hàng nguy hiểm (nếu có)
 
II. Kinh nghiệm lựa chọn container trong thực tiễn:
1. Đánh giá nhu cầu: Cần phải đánh giá nhu cầu sử dụng, lượng hàng hóa để chọn loại container, kích thước container phù hợp nhất. Từ đó, tiết kiệm được chi phí đầu tư. Như một container khô 40 feet chứa lượng hàng hóa tương đương như 02 container khô 20 feet nhưng giá một container khô 40 feet chỉ bằng 2/3 so với giá 02 container khô 20 feet, do đó, nếu mặt bằng đủ rộng cho container khô 40 feet thì việc đầu tư container khô 40 feet có hiệu quả kinh tế cao hơn so với mua 02 container khô 20 feet.
2. Đánh giá nhà cung cấp: Hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp container với chất lượng và giá thành khác nhau. Do đó, việc tìm kiếm được nhà cung cấp có thể đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng về chất lượng sản phẩm cũng như giá thành là điều không đơn giản.
Để đánh giá nhà cung cấp, khách hàng có thể dựa vào nhiều kênh thông tin khác nhau như thông qua bạn bè, người thân đã từng sử dụng qua sản phẩm container của nhà cung cấp nào đó, tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp, kèm theo những phản hồi của người dùng trên mạng internet. Từ đó đưa ra những đánh giá khách quan nhất để tìm được nhà cung cấp container uy tín.
Ngoài ra cũng cần phải kiểm tra năng lực sản xuất, cơ sở vật chất như máy móc, nhà máy của nhà cung cấp để từ đó đưa ra đánh giá về khả năng đáp ứng tiến độ giao hàng.
Đánh giá thông qua các sản phẩm, dự án trên website của nhà cung cấp.
3. Đánh giá sản phẩm:
3.1. Container khô.
- Năm sản xuất: Container có tuổi đời ( năm sản xuất) càng cao thì chất lượng càng tốt. Container thường được các hãng tàu thanh lý khi được sử dụng trong 10 năm. Ví dụ, hiện nay là năm 2016 thì container được sản xuất năm 2006 sẽ được thanh lý và những container này thường có chất lượng tốt hơn so với những container 2005, 2004, 2003,..trở về trước.
- Vỏ container: Container có chất lượng tốt là container có hai vách phải thẳng, ít móp méo, nóc container không được thủng dột hay lõm thụng xuống để tránh tình trạng nước đọng trên nóc container lâu ngày sẽ dẫn đến sự ăn mòn nhanh và nóc container nhanh bị thủng.
- Sàn container: Container có chất lượng tốt là container phải có sàn nguyên bản,chưa thay thế hay sửa chữa, bề mặt sàn container phải nhẵn không bị trầy xước bong tróc sẽ làm ảnh hưởng tới thùng hàng trong quá trình xuất nhập hàng hóa.
- Cửa container: Cửa container có chất lượng tốt là ron cửa phải đầy đủ, nguyên bản không chắp vá, cửa đóng mở nhẹ nhàng, ron kín không bị gập.
- Kín sáng, kín nước: Container đạt chất lượng phải là container kín sáng, kín nước, kiểm tra bằng cách đi vào trong container và đóng cửa xem có tia sáng lọt vào trong container không? nếu có là container bị thủng dột cần phải sửa chữa hàn lại trước khi lấy container đóng hàng.
3.2. Container văn phòng.
- Vỏ container: Container văn phòng được gia công sản xuất từ container khô, do đó vỏ container văn phòng chất lượng khi và chỉ khi vỏ container chất lượng. Nếu có thời gian khách hàng nên tới nhà máy sản xuất của nhà cung cấp để chọn container khô và yêu cầu đưa container đó vào sản xuất làm container văn phòng.
- Máy lạnh: Phải là máy mới, có giấy bảo hành kèm theo, dàn nóng và dàn lạnh đều phải mới, có khung bảo vệ dàn nóng bên ngoài tránh va đập và mất mát.
- Nội thất: Chất lượng, số lượng và chủng loại phải đúng theo hợp đồng, phải đều là hàng mới.
- Màu sơn: Container văn phòng thường được sơn theo màu sơn của nhà sản xuất hoặc theo yêu cầu từ khách hàng, màu sơn phải đúng theo yêu cầu, chất lượng bề mặt sơn phải láng mịn, không bị chảy sơn, rỗ kim bề mặt.
- Vật liệu: Bên trong container văn phòng thường sử dụng bằng tấm mdf, tấm mdf gỗ có giá thành rẻ và tuổi thọ thấp hơn tấm mdf ximăng cát. Do đó, giá bán container văn phòng bị ảnh hưởng nhiều bởi vật liệu sản xuất. Container văn phòng giá rẻ hơn nhiều khi sử dụng vật liệu tấm mdf gỗ có độ dày 4 ly.
3.3. Container lạnh.
Để mua container lạnh thì chi phí bỏ ra không phải nhỏ, giá bán container lạnh 20 feet cũ giao động từ 70 - 80 triệu và giá bán container lạnh 40 feet cũ là 110 - 130 triệu, do đó chọn lựa container chất lượng với giá thành chấp nhận được là điều đáng quan tâm. Nếu khách hàng đã từng sử dụng qua sản phẩm container lạnh thanh lý thì việc lựa chọn không còn khó khắn nhưng với khách hàng mới lần đầu sử dụng và không có người thân bạn bè rành về container dẫn đi mua thì vấn đề trở nên khó khăn hơn nhiều. Dưới đây là một vài đặc điểm mà một container lạnh chất lượng cần phải có:
- Năm sản xuất: Cũng giống như container khô, container lạnh có tuổi đời sản xuất càng ngắn thì càng chất lượng, như container lạnh thanh lý sản xuất năm 2006, 2007 có chất lượng tốt nhất.
- Vỏ container: Container lạnh được sử dụng để bảo quản, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa ở nhiệt độ yêu cầu thấp hơn nhiệt độ môi trường nên container lạnh có cấu tạo phức tạp hơn so với container khô, container lạnh được cấu tạo 3 lớp tole-foam-tole, vỏ container lạnh chất lượng thì hai vách container phải thẳng không lồi lõm cả trong lẫn ngoài. 02 vách trong ngoài không bị bùng foam ( thiếu foam), có thể kiểm tra bằng cách dùng tay vỗ vào vách, chỗ nào thiếu foam sẽ cảm thấy lùng bùng.
- Sàn container: Sàn phải chắc chắn, không lùng bùng thiếu foam, thanh ray sàn nhôm phải thẳng, nguyên bản để không ảnh hưởng tới sự lưu thông của luồng khí lạnh.
- Cửa container: Cửa phải đóng mở nhẹ nhàng, ron cửa phải kín, nguyên bản không chắp vá để tránh tình trạng thoát hơi lạnh, làm tăng thời gian làm lạnh hàng hóa, dẫn đến tăng chi phí sản xuất ( tiền điện ) và có thể làm hư hỏng hàng hóa nếu kéo dài.
- Máy lạnh: Cần phải PTI ( kiểm tra toàn diện) máy lạnh đạt -18 độ C từ 3,5h-4h đối với container lạnh 40 feet và 1,5h-2h đối với container lạnh 20 feet. Kiểm tra bằng mắt thường tình trạng của máy như: máy có cũ quá không? máy nén có gỉ sét nhiều hay đã thay thế chưa? dàn nóng còn tốt không?
Kinh Doanh Container chia sẻ những kinh nghiệm với mong muốn ít nhiều giúp khách hàng hiểu hơn về container, cách đánh giá container chất lượng hay không để từ đó đưa ra lựa chọn hợp lý về nhà cung cấp, loại sản phẩm và chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm.
 
III. Kiểm tra an toàn container
Theo quy định hiện hành của Việt Nam, nội dung kiểm tra an toàn container gồm: Kiểm tra biển chứng nhận an toàn container và kiểm tra tình trạng an toàn container nhận an toàn container với các nội dung như: Việc gắn biển chứng nhận an toàn container; kích thước của biển chứng nhận an toàn container; các thông số ghi trên biển chứng nhận an toàn container (bao gồm cả ngày kiểm tra, bảo dưỡng).
Cảng vụ hàng hải khu vực kiểm tra tình trạng an toàn container phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và chế tạo container vận chuyển trên các phương tiện vận tải theo các nội dung gồm: Kiểm tra bộ phận kết cấu và kiểm tra vỏ container.

VITIC tổng hợp và phân tích
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 4.360.703
Chung nhan Tin Nhiem Mang