Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển logistics tại ĐBSCL năm 2023

23/06/2023 09:50
Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển logistics tại một số địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023

Sự phát triển của ngành dịch vụ logistics có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, gắn kết hiệu quả giữa sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại hàng hoá trong nước và quốc tế.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nội dung liên quan đến phát triển logistics để phát huy tiềm năng của vùng, đón bắt các cơ hội mới trong thời gian tới. Nghị quyết xác định xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng.

Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội cũng hướng tới hình thành trung tâm logistics lớn nhất Vùng đang tạo tiền đề cho sự phát triển logistics của Cần Thơ nói riêng và Vùng ĐBSCL nói chung.

Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh vào nội dung: ”Tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics để tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; Phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất và cho các khu, cụm công nghiệp; Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 04 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa”
 
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định 200; nhằm tìm hiểu, khảo sát thực trạng dịch vụ logistics phục vụ công tác xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, Ban Biên tập Báo cáo đã thực hiện chuyến khảo sát tại Đồng bằng Sông Cửu Long (trong thời gian từ ngày 20-25/6/2023, tại các địa phương gồm Thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau).

Các thành viên Ban Biên tập và Đoàn khảo sát gồm có: Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Mai Linh- trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, bà Đặng Hồng Nhung- chuyên viên cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Bà Đinh Thị Bảo Linh- Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công Thương, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ Giao thông vận tải, Ông Đào Trọng Khoa- Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận và Vận tại ASEAN, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng Ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Phó trưởng khoa, Khoa Đào tạo quốc tế, Trường đại học Giao thông vận tải, Bà Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng, Khao Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Thương mại, Ông Nguyễn Hoài Chung, Chuyên gia logistics, Ban Nghiên cứu Đào tạo, Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc công ty phaata, Việt Nam.
 
Thế mạnh và tiềm năng:

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là “vựa nông, thủy sản” lớn nhất của cả nước, đồng thời cũng có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics, với với hệ thống sông dài 28.000 km; trong đó  23.000 km có khả năng khai thác vận tải đường thủy. Hiện nay có 2 tuyến đường thủy huyết mạch nối giữa TP. Hồ Chí Minh với Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh) cho tàu hàng lớn ra, vào sông Hậu; có 5 tuyến hành lang đường bộ nối ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ và cả nước cùng hệ thống cảng trải dài dọc trên sông Hậu, sông Tiền.

Đặc biệt, trong tháng 6/2023, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh miền Tây, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng cũng đã được khởi công. Tuyến có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km qua Sóc Trăng. Giai đoạn một, dự án làm trước 4 làn xe, rộng 17 m, cho ôtô chạy 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027, hình thành tuyến giao thông huyết mạch theo trục ngang ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến này sẽ kết nối cao tốc Bắc - Nam theo trục dọc, giảm tải cho quốc lộ 1, tuyến N1, quốc lộ 91... Đồng thời, công trình cũng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á.
 
Những thông tin ghi nhận từ quá trình làm việc với đại diện cơ quan quản lý Nhà nước các địa phương, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, cảng biển, kho bãi và cơ sở hạ tầng logistics khác…cho thấy vai trò quan trọng và tiềm năng phát triển của dịch vụ logistics tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng.

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí khá đặc biệt, nằm trong hành lang kinh tế ven biển trong tiểu vùng sông Mê kông đi từ Myanmar qua Thái Lan, Campuchia đến Việt Nam.

Nguồn hàng nông lâm thủy sản của khu vực rất dồi dào và còn nhiều tiềm năng để tiếp tục tăng trưởng nhờ những cải tiến về công nghệ giúp tăng năng suất cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. ĐBSCL là vựa nông thủy sản lớn nhất cả nước đóng góp 55,5% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) của ĐBSCL đạt 472.972 tỷ đồng, chiếm 33,9% tổng GTSX NLTS toàn quốc và tăng 3,0% so với năm 2021. Diện tích lúa cả năm của khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2016 – 2021 đã giảm từ 4,2 triệu ha xuống 3,9 triệu ha nhưng năm 2021 vẫn chiếm 53,9% diện tích lúa cả nước. Kiên Giang và An Giang là 2 tỉnh ĐBSCL có diện tích và sản lượng lúa gạo lớn nhất, chiếm tổng 34,4% về diện tích và 35,6% về sản lượng trong năm 2021. ĐBSCL đóng góp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, với các thị trường xuất khẩu chính gồm Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ghana và Malaysia. Với diện tích gieo trồng cây ăn quả khu vực ĐBSCL đạt gần 380 nghìn, ĐBSCL đang đảm nhận đến 65% lượng trái cây xuất khẩu của cả nước, với các điểm đến chính là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 70% trong số 1 triệu ha nuôi thủy sản của cả nước, là vùng có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 65%. Hai sản phẩm chủ lực là cá tra  đóng góp khoảng 98% và tôm đóng góp khoảng 63% tổng sản lượng trong cả nước. Thủy sản nuôi tập trung nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng trong khi Kiên Giang dẫn đầu về thủy sản đánh bắt.
 
Hạn chế, “nút thắt” và yêu cầu tháo gỡ

Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng (cầu, đường, kho bãi và cảng thủy nội địa, cảng biển) và dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế khiến hàng hóa từ ĐBSCL phần nhiều phải đưa về các cảng tại Đông Nam Bộ hoặc vận chuyển ra khu vực phía Bắc để xuất khẩu, gây tốn kém, mất thời gian và phức tạp, làm gia tăng chi phí logistics và giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, khu vực có tiềm năng về phát triển vận tải đường thủy nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức, nhưng năng lực vận chuyển còn thấp. Luồng tuyến giao thông thủy khu vực ĐBSCL dày đặc, nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Số cảng, bến thủy nội địa tuy nhiều, nhưng phần lớn trang thiết bị bốc xếp hàng hóa chưa được đầu tư hiện đại hóa, chưa đồng bộ nên năng lực bốc dỡ hàng hóa thấp; nhiều bến cảng thiếu đường bộ kết nối. Một số nút thắt như tĩnh không cầu thấp (Măng Thít, Trà Ôn, Nàng Hai v.v..), mật độ cao (kênh Chợ Gạo); cống đập thuỷ lợi ngăn cách ở các kênh mương nhỏ khiến hoạt động vận tải không thể thông suốt và ảnh hưởng đến hiệu quả chung của toàn hệ thống. Sự “manh mún”này khiến hiện nay các tàu lớn chỉ có thể di chuyển giữa khu vực Tp.HCM và Cần Thơ thông qua sông Hậu, sông Tiền và Vàm Nao, với luồng tuyến đường thủy rất dài khoảng 260 km. Mặc dù có các tuyến đường thủy ngắn hơn thay thế giữa khu vực Tp.HCM và Cần Thơ, nhưng các tuyến thay thế này chỉ cho phép tiếp nhận các tàu nhỏ với trọng tải hàng hóa thấp ... Các sà lan không thể vận tải tối đa tải trọng cho phép (thương đương tàu lớn) do hạn chế chiều cao tĩnh không của những cây cầu, trọng tải sà lan chỉ ở mức từ 1.500 - 3.500 tấn.
 
Về hệ thống kho, bãi, nhu cầu cao nhưng năng lực đáp ứng còn thiếu và phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở Cần Thơ, Long An, Hậu Giang. Trên cơ sở triển vọng nguồn hàng trong tương lai, dự báo nhu cầu đối với bãi container và hệ thống kho ở các cảng, các cơ sở chiếu xạ đạt chuẩn sẽ gia tăng trong những năm tới, dẫn đến yêu cầu cấp thiết phải tập trung đầu tư phát triển.
Về lực lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics tại khu vực, thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy số lượng doanh nghiệp trong ngành tại ĐBSCL hiện chưa tương xứng với tiềm năng, đến nay chỉ đạt khoảng 1500 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung tại 5 địa phương là Thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và An Giang. Quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, hoạt động phân tán, chủ yếu tập trung vào dịch vụ vận tải và kho bãi quy mô nhỏ (trừ một số kho thủy sản đông lạnh lớn và kho lạnh/mát của công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang). Phần lớn các dịch vụ logistics còn riêng lẻ, chưa có sự kết nối giữa các phương thức vận tải nên gây chậm trễ, phát sinh chi phí (phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi). Thiếu nhân lực có kỹ năng, trình độ trong lĩnh vực logistics cũng là một rào cản cho sự mở rộng, phát triển của các doanh nghiệp và dịch vụ logistics tại ĐBSCL.
 
Để tận dụng được những lợi thế và nắm bắt được cơ hội để phát triển và bứt phá, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng hàng hóa đang có những thay đổi lớn do tác động của công nghệ, môi trường tự nhiên-xã hội và địa chính cần những nỗ lực, đột phá hơn nữa từ các bên liên quan. Những nỗ lực cần tập trung vào tháo gỡ các “nút thắt” đang hiện hữu,  ứng phó với những thách thức mới và khơi thông dòng chảy cho nguồn hàng hóa.

Nếu hình thành được hệ thống đường cao tốc thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh tới Cần Thơ, Cà Mau, Châu Đốc (An Giang); luồng Định An được nạo vét; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL (tại TP. Cần Thơ) đi vào hoạt động thì sẽ tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ĐBSCL, đặc biệt là cho ngành logistics và cảng biển bứt phá.

Ngoài ra, việc nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông đường thủy kết nối khu vực ĐBSCL với Campuchia và khu vực Cái Mép -Thị Vải sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như thủy hải sản, nông sản của khu vực đến thẳng Châu Âu và Hoa Kỳ,…giảm tải cho khu vực TP. Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của hệ thống cảng nước sâu.

Để phát triển logistics cho vùng ĐBSCL, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư các dự án, tạo cơ chế cho nhà đầu tư thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải vùng ĐBSCL.

Song song đó, cần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics như đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy, cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển cần gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng.

Mạng lưới đường thủy đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ toàn tuyến cũng như hạ tầng cảng, bến, phương tiện (đặc biệt hạ tầng phục vụ vận tải container).

Sự phát triển của các cảng biển, các tuyến đường kết nối và cơ sở logistics vệ tinh như kho, bến…sẽ tạo động lực cho phát triển khu vực sau cảng (hinterland) thành các trung tâm công nghiệp chế biến, trung tâm logistics, dịch vụ cảng biển gồm hệ thống kho tàng, bến bãi, vận tải, hệ thống thông quan để thực hiện các hoạt động gia tăng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu trong vùng, đồng thời kết nối được với các đầu mối và phương thức vận tải khác, góp phần đưa hàng hóa, nông sản của của các tỉnh trong khu vực ra nước ngoài và nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
 

Xin mời Xem tiếp: Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng, tiềm năng logistics tại Tp. Cần Thơ  và Trung tâm Logistics nông sản xuất khẩu Hậu Giang, năm 2023

Nguồn: Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023

THÔNG TIN THAM KHẢO:

(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) THÔNG TIN VỀ BIẾN ĐỘNG CÁC CHỈ TIÊU LOGISTICS CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2015-2023, SO SÁNH VỚI KẾ HOẠCH, MỤC TIÊU, DỰ BÁO TRIỂN VỌNG, XEM TẠI ĐÂY
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 20
Số người truy cập: 6.017.867
Chung nhan Tin Nhiem Mang