Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Kết quả khảo sát về hoạt động logistics tại Cần Thơ năm 2023 và giải pháp phát triển

27/06/2023 15:12

Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển logistics tại một số địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023
(tiếp theo kỳ trước)


Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra mục tiêu đến năm 2030 Thành phố Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…và là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Để Cần Thơ có thể trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng ĐSBCL, cần hình thành một hệ thống logistics phát triển tốt, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phương tiện, nguồn lực giữa Thành phố với các địa phương cũng như với thị trường nước ngoài; cũng như giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên phát của Thành phố và của cả vùng ĐBSCL.

 
Trong tháng 6/2023, Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 do ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc chuyên sâu với các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) và doanh nghiệp về thực trạng, tiềm năng và các giải pháp phát triển dịch vụ logistics của thành phố Cần Thơ.

Đồng thời, Đoàn công tác cũng tiến hành khảo sát thực địa tại công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang) ngay gần với Cần Thơ để tìm hiểu nhu cầu và khả năng đáp ứng về hệ thống kho khô, kho lạnh, trung tâm chiếu xạ cho nông, thủy sản tại ĐBSCL.


(Thông tin chi tiết về thành phần và hoạt động của Ban Biên tập, vui lòng tham khảo cuối bài). 


Chú thích ảnh: Ban Biên tập Báo cáo làm việc với Sở Công Thương Cần Thơ,
đại diện các cơ quan chức năng liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn, tháng 6/2023


Một số kết quả nổi bật được ghi nhận từ kết quả khảo sát như sau:

(1) Đặc điểm, thực trạng và triển vọng hạ tầng, dịch vụ, chính sách trong lĩnh vực logistics tại Cần Thơ và kết nối với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL

- Hạ tầng logistics và điều kiện kết nối với các địa phương khác



Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của vùng ĐBSCL với nhiều tiềm năng, có lợi thế hơn các địa phương khác trong vùng vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ logistics. 

Với lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, Cần Thơ có tiềm năng trở thành cửa ngõ quan trọng về thương mại, giao thông đường bộ, đường sông, cảng hàng không quốc tế. Thành phố còn là giao điểm của nhiều tuyến giao thông đường thủy, đường bộ quan trọng như kết nối với Phnôm Pênh (Campuchia) từ sông Hậu (55km ngang qua Cần Thơ) và 2 trục đường thủy quốc gia quan trọng hướng về TP Hồ Chí Minh (Cái Sắn và Xà No). 

Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, trung tâm logistics hạng II có vị trí thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh và các nước Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Thái Lan,… nếu được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động sẽ giúp tháo gỡ nút thắt trong giao thông vận tải của cả vùng ĐBSCL, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của cả 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.



Tuy nhiên, nếu so sánh với yêu cầu về một trung tâm logistics của khu vực ĐBSCL thì hiện nay, Cần Thơ còn thiếu các điều kiện về cơ sở hạ tầng logistics, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, ổn định cũng như cơ chế liên kết vùng thiết thực với các trung tâm kinh tế như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngay các kết nối về vận tải, lưu thông hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL khác cũng còn rất hạn chế, do đường bộ đang trở nên quá tải trong khi thiếu vắng đường sắt và đường thủy nội địa chưa khai thác được tiềm năng. Hệ thống kho bãi manh mún, mức độ áp dụng công nghệ thấp, chưa được liên thông, liên kết với nhau khiến tình trạng thừa/thiếu cục bộ liên tục diễn ra và tổng thể hiệu quả logistics thấp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn việc đưa hàng trực tiếp về khu vực Đông Nam Bộ để xuất khẩu hoặc chế biến, thay vì lựa chọn Cần Thơ như một trung tâm logistics tại ĐBSCL.

- Dịch vụ logistics

Về dịch vụ logistics, theo báo cáo của Sở Công Thương Cần Thơ, nhìn chung đến nay các công ty kinh doanh dịch vụ logistics trọn gói hầu như chưa phát triển. Phần lớn các dịch vụ logistics liên quan đến sản xuất, thương mại và dịch vụ được thực hiện một cách tự phát theo truyền thống.

Hình thức thuê ngoài cũng chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, giữa vận tải với kho bãi và các hoạt động logistics khác.

- Định hướng, chính sách, quy định, thủ tục

Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2018 phê duyệt Kế hoạch hành độg nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, UBND quận, huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật và kết cấu hạ tầng logistics tại địa phương.

Ngày 25 tháng 12 năm 2021, Thành ủy Cần Thơ ban hành Đề án số 06- ĐA/TU phát triển hạ tầng giao thông và logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu tổng quát “Huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế”


Hiện nay, Thành phố đang tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường kết nối thu hút đầu tư; hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) TP Cần Thơ. 
 
- Hiệu quả của chuỗi cung ứng (nguồn hàng, tương tác về logistics giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng)

Theo thông tin trao đổi với Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ, khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản hiện chiếm khoảng 9,65% GDP của Thành phố; khu vực công nghiệp - xây dựng, chiếm 31,03%; khu vực dịch vụ, chiếm 52,47%. Nguồn hàng hóa nông, thủy sản trên địa bàn rất phong phú, dồi dào, dẫn đến nhu cầu cao về các dịch vụ logistics như vận chuyển, lưu kho, bảo quản, đóng gói, chiếu xạ phục vụ cho thị trường xuất, nhập khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. 


Chú thích ảnh: Khảo sát chợ nông sản tại Cần Thơ

Tuy nhiên, nếu như khu vực ĐBSCL xuất khẩu hàng hóa 17 triệu tấn mỗi năm thì phần lớn lượng xuất khẩu vẫn
 được thực hiện thông qua các cơ sở logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Các doanh nghiệp ở ĐBSCL phải trả chi phí vận chuyển lớn hơn với thời gian dài (6-10 tiếng) để vận chuyển hàng hóa về các cảng biển, cảng hàng không quốc tế để xuất khẩu. Điều này không chỉ làm tăng chi phí vận chuyển (tăng tối thiểu khoảng 10 USD/tấn) mà còn giảm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu do hư hỏng, thất thoát sau thu hoạch và trong quá trình vận chuyển.
 
(2) Các hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ 

Hệ thống hạ tầng giao thông các tỉnh, thành đến thành phố Cần Thơ nhìn chung còn nhiều hạn chế, yếu kém. 

Tuy nhiên, theo theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, đến nay vẫn chưa có đường cao tốc trên địa bàn Thành phố (cuối năm 2022 đã khởi công đường cao tốc phía Đông trục dọc Cần Thơ-Cà Mau dự kiến 2026 sẽ hoàn thành). 

Đường cao tốc trục ngang kết nối Châu Đốc-Cần Thơ- Hậu Giang- Trần Đề (đoạn đi qua Cần Thơ là 37km trên tổng 183km) nhưng dự kiến đến năm 2026 mới hoàn thành.

Nhiều cầu giao thông có tải trọng thấp, không đảm bảo cho vận chuyển hàng hóa bằng xe container. Nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải trung chuyển các cảng ở Đông Nam Bộ, ảnh hưởng chung đến sức cạnh tranh của hàng hóa.

Về đường thủy: Kênh Quan Chánh Bố nhỏ nên tàu chỉ đi được một chiều, tốc độ chậm, tàu to vào khó khăn. Khai thác đường thủy gặp khó khăn vì thiếu sự kết nối với các phương tiện khác, ví dụ thiếu đường dẫn từ bến thủy lên đường bộ. Các 
cầu giao thông vượt sông rạch có độ tĩnh không thấp, trong khi các luồng sông dẫn vào các cảng thường bị bồi lắng phù sa, gây nhiều khó khăn cho vận tải thủy và rât tốn kém chi phí nạo vét.

Thành phố Cần Thơ hiện có 02 cụm cảng lớn là Cảng biển Cần Thơ và Tân cảng Thốt Nốt có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn, nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất và gặp khó khăn ở cao độ tự nhiên đáy luồng cửa Tiểu - sông Tiền, cửa Định An, Trần Đề- sông Hậu, cửa Bồ Đề-sông Cái Lớn và nhiều cửa sông chỉ cho phép tàu biển trọng tải 1.000-2.000 WT đầy tải và 3.000-5.000 WT giảm tải. Do đó, rất cần những giải pháp hiệu quả, khoa học để khơi thông luồng sông Hậu cho tàu trọng tải lớn cập cảng Cái Cui, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

Các cơ sở logistics tại Thành phố Cần Thơ có quy mô không lớn và chưa thể kết nối hai hoặc nhiều loại hình vận tải (ví dụ như đường bộ và đường sắt). Hơn nữa, cơ sở hạ tầng vật chất hậu cần phục vụ chế biến, bảo quản nông, thủy sản- hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL đến nay còn thiếu và không đáp ứng được yêu cầu. Do quy mô nhỏ nên các cơ sở hậu cần khó thực hiện toàn diện được các chức năng như xếp dỡ hàng hóa, thu gom, giao nhận, vận chuyển hai chiều.

Có ý kiến tại buổi làm việc với Ban Biên tập Báo cáo Logistics 2023 tại Cần Thơ, đại diện công ty Tân Cảng cũng cho rằng các cơ sở logistics quá phân tán và nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn chung cho kết nối giao thông cũng như tính thông suốt của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 do đó cũng gặp khó khăn trong việc kết nối các dịch vụ để cung cấp giải pháp tối ưu cho khách hàng với chi phí và thời gian hợp lý.
 
(3) Thảo luận các giải pháp và đề xuất, khuyến nghị 

Trên cơ sở các thảo luận, phân tích đánh giá về đặc điểm, thực trạng, tiềm năng, các hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ để phát triển lĩnh vực logistics tại thành phố Cần Thơ cũng như tạo điều kiện kết nối về logistics giữa các địa phương thuộc ĐBSCL và kết nối ĐBSCL với các vùng khác trên cả nước, các thành viên Ban Biên tập Báo cáo Logistics năm 2023 đã chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp về đánh giá quy mô và xu hướng thị trường, nguồn hàng cho dịch vụ logistics, cải thiện chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và đặc biệt là chuyển đổi số trong logistics tại Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Theo ông Trần Thanh Hải- Trưởng Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023, việc hình thành những kết nối quan trọng về hạ tầng và dịch vụ logistics giữa Cần Thơ với các tỉnh khác của ĐBSCL cũng như với khu vực Đông Nam Bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chuỗi cung ứng hàng hóa cũng như sự phát triển kinh tế chung trên địa bàn. Cần Thơ cũng cần tận dụng tốt được các lợi thế và cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua vào tháng 01/2022 để tạo sức bật cho lĩnh vực logistics và các hoạt động kinh tế khác. 

 
Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, gồm 6 cơ chế, chính sách lớn. Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào, có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng, được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ.

Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế, nếu đáp ứng một số điều kiện.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong 5 năm./.

 

Trước thực trạng dịch vụ logistics trên địa bàn còn nhiều bất cập và phát sinh chi phí cao, ông Đào Trọng Khoa- Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận và Vận tại ASEAN, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), thành viên Ban Biên tập Báo cáo cho rằng ngoài vấn đề về cơ sở hạ tầng vốn đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí để giải quyết, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có thể bắt tay luôn vào việc cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ bằng cách việc tích cực tham gia cùng các hoạt động của VLA cũng như cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, công nghệ, nguồn lực và cơ hội giao thương.

Trưởng phòng Thuận lợi hóa Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, bà Nguyễn Mai Linh cũng chia sẻ thông tin về các quy định, chính sách, chương trình và hoạt động tạo thuận lợi thương mại hiện nay, đồng thời cho biết sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp tại Cần Thơ trong việc cập nhật quy định chính sách liên quan; phối hợp để đánh giá thực trạng, triển vọng về nguồn hàng xuất nhập khẩu trên địa bàn, qua đó tạo sự kết nối tốt hơn giữa các doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho thương mại nói chung và thương mại nông sản nói riêng tại Cần Thơ và ĐBSCL.

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, các khảo sát gần đây cho thấy Cần Thơ nói chung và ĐBSCL nói riêng có nhu cầu cao về nhân lực logistics chất lượng cao trong tương lai, do đó công tác đào tạo về logistics đã có những khởi sắc trong thời gian qua. Theo ý kiến của các thành viên Ban Biên tập, đồng thời cũng đang giữ các vị trí quan trọng trong Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), đồng thời hiện cũng đang đang làm công tác giảng dạy tại các trường Đại học, Đại học lớn gồm các bà Nguyễn Thị Vân Hà, Trần Thị Thu Hương, Đinh Lê Hải Hà, để phát triển bền vững cho công tác đào tạo về logistics trên địa bàn, cần lưu ý đến việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo, nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là giữa các tổ chức thành viên của VALOMA. Cần Thơ với lợi thế là trung tâm của ĐBSCL có thể thu hút nguồn nhân lực cũng như các học viên, sinh viên trong lĩnh vực logistics, góp phần hình thành và phát triển nguồn nhân lực căn cơ, lâu bền cho cả vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, một trong những chìa khóa cho sự bứt phá chính là Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giao nhận, chuyển phát và hiện là trưởng Ban nghiên cứu của VALOMA, bà Cao Cẩm Linh, đồng phụ trách Chương VII. “Chuyển đổi số trong Logistics” của Báo cáo năm nay (cùng với ông Nguyễn Hoài Chung), cho rằng chuyển đổi số cần được nhìn nhận cụ thể từ góc độ nhu cầu của chính các doanh nghiệp cũng như cơ sở đào tạo. Thay vì thực hiện theo “phong trào”, việc nghiên cứu một bài bản để xây dựng chiến lược, lộ trình cho chuyển đổi số trong logistics là rất cần thiết để phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trong khi đó, là một người làm việc trong ngành xuất nhập khẩu, logistics hơn 20 năm, ông Nguyễn Hoài Chung, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Phaata, đồng phụ trách nội dung về chuyển đổi số trong Báo cáo cùng bà Cao Cẩm Linh cho biết “Chuyển đổi số là xu hướng và động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ hiện nay. Theo nghiên cứu mới nhất của Statista, doanh thu thị trường thương mại điện tử mô hình B2B đặc biệt tăng gấp 5 lần so với mô hình B2C, và được dự đoán là ở mức 80 tỷ USD trong năm 2022. Tại Việt Nam, đây là mô hình còn đang mới mẻ nhưng sẽ là cơ hội thúc đẩy kinh doanh hiệu quả, nhanh chóng, không chỉ ở quy mô trong nước mà còn dễ dàng hỗ trợ giao dịch toàn cầu. Dựa trên sự am hiểu thị trường và nền tảng công nghệ, Phaata tiên phong cung cấp các giải pháp giúp việc kết nối và giao dịch giữa các chủ hàng và công ty cung cấp dịch vụ logistics trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn tại website thương mại điện tử Phaata.com.  Thông qua Phaata, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể dễ dàng tìm kiếm, so sánh và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển/ logistics phù hợp nhất cho mình… Đặc biệt, chi phí vận chuyển được báo chi tiết theo giá cước và từng loại phụ phí phát sinh… chỉ bằng vài cú click chuột thay vì phải chờ đợi cả ngày hoặc lâu hơn như trước đây. Đối với các công ty cung cấp dịch vụ logistics/ đại lý giao nhận (freight forwarder), Phaata hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, triển khai các chiến dịch tiếp thị hiệu quả”.


Chú thích ảnh: Giao diện của Sàn giao dịch phaata.com
 
Cuối cùng, với vai trò là Thành viên Ban Biên tập đồng thời phụ trách chương VI. "Logistics tại các địa phương" của Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023- bà Đinh Thị Bảo Linh- Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cũng cho biết sẽ liên tục phối hợp với đại diện Sở Công Thương và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan của Cần Thơ để cung cấp, cập nhật các thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc đánh giá thực trạng và dự báo về triển vọng của logistics tại Cần Thơ trong thời gian tới, góp phần phản ánh bức tranh chân thực và đầy đủ nhất về logistics của Thành phố cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đối tác quan tâm khác. Theo thông tin từ bà Linh, hiện trang logistics.gov.vn đã có phiên bản tiếng Anh, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương cung cấp thông tin về lĩnh vực logistics để thu hút sự quan tâm, hợp tác, đầu tư từ cộng đồng quốc tế.

Buổi chiều cùng này, Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam cũng thực hiện hoạt động khảo sát thực địa tại công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang) ngay gần với Cần Thơ để tìm hiểu nhu cầu và khả năng đáp ứng về hệ thống kho khô, kho lạnh, trung tâm chiếu xạ cho nông, thủy sản tại ĐBSCL. Có địa chỉ tại Cụm CN Tạp trung Phú Hữu A, GĐ1, thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Logistics nông sản xuất khẩu Hậu Giang có vị trí thuận lợi để tổ chức các hoạt động tập kết, lưu kho, đóng gói và chiếu xạ hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu hàng nông sản của ĐBSCL, thực hiện sứ mệnh “Đưa nông sản Việt Nam ra thế giới”.

Công ty hiện có kho mát với sức chứa 50.000 pallets, được đầu tư trang thiết bị máy lạnh công nghiệp để đảm bảo nhiệt độ kho luôn ổn định theo nhiệt độ cài đặt; hệ thống kho lạnh (-18 độ C), với sức chứa 50.000 pallets, công suất vận hành 500 tấn/ngày/đêm, với cấu trúc đặc thù của kho lạnh là cahcs nhiệt, cách ẩm, chất liệu sử dụng kho lạnh là Panel PU. Công ty cũng đã xây dựng được dây chuyền sơ chế cấp đông nhanh (-50 độ C), trái cây tươi với công suất 50 tấn/ngày/đêm.


Chú thích ảnh: Dỡ hàng từ xe container vào bảo quản
tại kho lạnh của công ty Hạnh Nguyên



Ngoài ra, hệ thống kho khô ở nhiệt độ thường của công ty cũng có sức chứa 20.000 pallets, được trang bị hệ thống kệ hàng hiện đại. Đặc biệt, cơ sở chiếu xạ nông sản của công ty đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành, dự kiến sẽ đáp ứng được nhu cầu cao về nông sản chiếu xạ để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, EU trong thời gian tới.

Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023

THÔNG TIN BAN BIÊN TẬP

 
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định 200; nhằm tìm hiểu, khảo sát thực trạng dịch vụ logistics phục vụ công tác xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, Ban Biên tập Báo cáo đã thực hiện chuyến khảo sát tại Đồng bằng Sông Cửu Long (trong thời gian từ ngày 20-25/6/2023, tại các địa phương gồm Thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau).

Các thành viên Ban Biên tập và Đoàn khảo sát gồm có: Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Mai Linh- trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, bà Đặng Hồng Nhung- chuyên viên cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Bà Đinh Thị Bảo Linh- Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công Thương, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ Giao thông vận tải, Ông Đào Trọng Khoa- Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận và Vận tại ASEAN, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng Ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Phó trưởng khoa, Khoa Đào tạo quốc tế, Trường đại học Giao thông vận tải, Bà Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng, Khao Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Thương mại, Ông Nguyễn Hoài Chung, Chuyên gia logistics, Ban Nghiên cứu Đào tạo, Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Điều hành Sàn giao dịch Phaata.


THÔNG TIN THAM KHẢO:

(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) THÔNG TIN VỀ BIẾN ĐỘNG CÁC CHỈ TIÊU LOGISTICS CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2015-2023, SO SÁNH VỚI KẾ HOẠCH, MỤC TIÊU, DỰ BÁO TRIỂN VỌNG, XEM TẠI ĐÂY
 
(3) 
THAM KHẢO THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LOGISTICS CHUỖI LẠNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, MỚI NHẤT TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 4.362.650
Chung nhan Tin Nhiem Mang