Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 13 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

DỰ ÁN HÀNH LANG LOBITO VÀ MỤC TIÊU TĂNG TẦM ẢNH HƯỞNG VỀ LOGISTICS CỦA HOA KỲ TẠI CHÂU PHI

24/01/2024 08:46

Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

Dự án Hành lang Lobito tại Châu Phi là đối trọng của Hoa Kỳ với chiến lược “Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc”.

 

Trong khuôn khổ dự án Hành lang Lobito, Hoa Kỳ đang đẩy nhanh việc phát triển tuyến đường sắt mới nối nguồn khoáng sản quan trọng ở miền trung châu Phi với một cảng trên bờ biển Đại Tây Dương của lục địa này, nhằm thiết lập tuyến đường thương mại cho nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng, trong đó có xe điện.

Trong khi đó, ra mắt cách đây một thập kỷ, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là một dự án phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng quy mô lớn trải dài khắp Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Cho đến nay, 52 chính phủ châu Phi đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Trung Quốc về BRI và sáng kiến này đã thu hút hàng tỷ đô la Mỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sá, bến cảng, đường sắt và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Các dự án trong khuôn khổ BRI không chỉ tăng cường kết nối trong lục địa mà còn mang lại cho Trung Quốc khả năng tiếp cận chưa từng có với nguồn tài nguyên khoáng sản lớn của châu Phi, đặc biệt là ở các quốc gia như Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo-DRC (ví dụ hơn 80% mỏ đồng ở DRC đều đang thuộc phạm vi hợp tác khai thác với Trung Quốc), nơi có trữ lượng đồng dồi dào và các khoáng chất thiết yếu khác. Nhìn chung, Trung Quốc đã chi hơn một nghìn tỷ USD vào các dự án, ít nhất một phần nhằm đảm bảo việc cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Để đối trọng với sự mở rộng tầm ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc dọc theo BRI, Hoa Kỳ cũng đang đầu tư hàng triệu USD vào dự án Hành lang Lobito tại châu Phi. Thật vậy, việc tìm nguồn cung kim loại để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn là vấn đề lớn đối với các nước phương Tây. Tập đoàn thương mại hàng hóa Trafigura khẳng định rằng Dự án Lobito sẽ “cung cấp tuyến đường phía Tây nhanh hơn để vận chuyển kim loại và khoáng sản được sản xuất tại Cộng hòa Dân chủ Congo”. Dự án đòi hỏi phải xây dựng khoảng 550 km tuyến đường sắt ở Zambia, từ biên giới Jimbe đến Chingola trong vành đai đồng Zambian, cùng với 260 km đường nhánh trong hành lang. Việc vận chuyển những nguồn tài nguyên quý giá đó từ vành đai đồng Trung Phi sang các thị trường phương Tây là chìa khóa đối với Mỹ và châu Âu, đặc biệt khi quá trình chuyển đổi năng lượng đang tạo ra nhu cầu lớn đối với nguồn nguyên liệu sản xuất xe điện.

Dự án Đường sắt Đại Tây Dương Lobito sẽ cung cấp tuyến đường phía Tây nhanh hơn để tiếp thị kim loại và khoáng sản được sản xuất tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Tuyến đường sắt này sẽ được kết nối với một cảng không bị tắc nghẽn ở Lobito và là tuyến đường thương mại mới có vai trò rất quan trọng để kết nối giữa Vành đai đồng Congo và Đại Tây Dương.

Tuyến đường sắt được nâng cấp cũng sẽ giúp đưa hàng hóa và tài nguyên quan trọng cần cho sự phát triển của các ngành kinh tế từ bên ngoài vào thị trường khu vực, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh doanh và hoạt động thương mại tại các địa phương.

Để phát huy hết tiềm năng của mình, các đối tác liên doanh gồm Trafigura, Mota-Engil và Vecturis, sẽ đầu tư hơn 450 triệu USD vào đường sắt và cơ sở hạ tầng liên quan, đồng thời đảm bảo hơn 1.500 toa xe và 35 đầu máy xe lửa. Ngoài ra, 100 triệu USD sẽ được đầu tư ở phía bên kia biên giới của Cộng hòa Công để cải thiện tuyến đường sắt và đầu máy toa xe.

​ Đầu năm 2023, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ kế hoạch đầu tư vào một dự án đường sắt mới nối các khu vực giàu đồng của Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo với cảng Lobito của Angola. Với tuyến đường sắt Benguela 120 năm tuổi, Mỹ có kế hoạch đưa các nguồn tài nguyên đi về phía Tây (qua Hành lang Lobito) thay vì tuyến đường phía Đông truyền thống qua cảng Dar El Salaam. Tuyến đường sắt hy vọng sẽ kết nối với cảng ở Lobito, đảm bảo luồng giao thông thông suốt và thiết lập tuyến đường thương mại quan trọng từ vành đai đồng Congo đến Đại Tây Dương. Ngoài ra, tuyến đường sắt được cải tiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và tài nguyên thiết yếu vào khu vực, thúc đẩy phát triển kinh doanh và các hoạt động thương mại. Vào tháng 9/2023, bên lề hội nghị G20 ở Ấn Độ, Mỹ và EU đã hợp tác triển khai các nghiên cứu khả thi cho việc mở rộng tuyến đường sắt mới giữa Zambia và Angola.

Tầm quan trọng của dự án đường sắt này đối với vị thế của Hoa Kỳ tại châu Phi được ghi nhận trong bối cảnh cần cân bằng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. FDI của Trung Quốc vào châu Phi vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây, đặc biệt khi Trung Quốc thể hiện cả ý định và khả năng tài chính để cho các nước châu Phi vay một lượng tiền mặt lớn kể từ năm 2013. Hoa Kỳ có thể tận dụng khoảng thời gian nguồn tài chính từ Trung Quốc vào châu Phi chậm lại gần đây để gia tăng sự tham gia của mình vào mạng lưới logistics tại lục địa này. Thực vậy, suy thoái kinh tế sau đại dịch và khả năng cho vay suy yếu đã khiến đầu tư liên quan đến BRI giảm từ mức đỉnh 125 tỷ USD năm 2015 xuống còn 70 tỷ USD vào năm 2022. Do lo ngại nguy cơ khủng hoảng nợ ở nhiều quốc gia châu Phi và những thách thức kinh tế tại ngay chính Trung Quốc do tác động kéo dài của dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc đã quyết định tạm ngừng tài trợ cho các dự án năng lượng ở châu Phi. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong việc cho vay đối với lục địa này, xuống dưới 1 tỷ USD trong năm nay, mức thấp nhất trong khoảng hai thập kỷ.

Phù hợp với chiến lược quyền lực mềm của Hoa Kỳ ở châu Phi, dự án Lobito cũng phản ánh mục đích địa chính trị rộng lớn hơn nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi. Bằng cách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, Hoa Kỳ đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo cơ hội việc làm và xây dựng quan hệ đối tác lâu dài có thể phục vụ cả các quốc gia châu Phi và lợi ích của Hoa Kỳ, như được nhấn mạnh trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới không dưới ba quốc gia châu Phi (Ghana, Tanzania và Zambia) vào năm 2023.

Hợp tác Hoa Kỳ-EU trong dự án Lobito tại châu Phi:

Ban đầu, mô hình quan hệ đối tác Hoa Kỳ-EU hỗ trợ các chính phủ tại châu Phi trong việc triển khai các nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng tuyến đường sắt mới nối miền đông Angola với miền bắc Zambia. Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc tân trang tuyến nối Cảng Lobito với Cộng hòa Congo.

Sau đó, Hoa Kỳ và EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển các khoáng sản quan trọng và chuỗi cung ứng năng lượng sạch; chuyển đổi số và chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực và phát triển lực lượng lao động; đa dạng hóa hoạt động kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp trong bối cảnh lo ngại về an ninh lương thực và sản xuất.

Các lĩnh vực hợp tác bổ sung bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông; thương mại, phát triển kinh tế và quá cảnh; và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững. Những sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và tối đa hóa các cơ hội do Hành lang Lobito tạo ra. Những nỗ lực của Hoa Kỳ và EU nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở miền nam châu Phi nằm trong khuôn khổ Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu, một sáng kiến do các nhà lãnh đạo G7 đưa ra vào năm 2022 nhằm huy động tài chính và chuyên môn để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la Mỹ trên toàn thế giới.

Các thách thức và vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới:

Sáng kiến của Mỹ là một bước đi nhằm phát triển tầm ảnh hưởng về mạng lưới logistics tại châu Phi nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

+ Sự khởi đầu thuận lợi của Trung Quốc ở châu Phi, cả về cơ sở hạ tầng đã được thiết lập với các mối quan hệ ngoại giao lâu năm. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã đưa Trung Quốc trở thành đối tác đáng quan trọng của các quốc gia châu Phi đang cần phát triển cơ sở hạ tầng và Mỹ phải nỗ lực để xây dựng niềm tin tương tự.

+ Hơn nữa, sự phức tạp về địa chính trị, mối quan hệ lịch sử và động lực khu vực phải được Hoa Kỳ điều hướng cẩn thận. Các quốc gia châu Phi, quan tâm đến chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình, có thể sẽ theo đuổi cách tiếp cận cân bằng trong việc hợp tác với cả Trung Quốc và Mỹ. Đối với các nhà lãnh đạo châu Phi, vấn đề quan tâm không phải là Mỹ hay Trung Quốc có thể thu được gì từ những thỏa thuận đó mà là châu Phi có thể thu được gì từ các nguồn tài nguyên của mình.

+ Những biến động mới trên thị trường quốc tế gần đây cũng dẫn đến những rủi ro cao trong các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Mặc dù những thách thức rất lớn nhưng khoản đầu tư này báo hiệu một cam kết mới của Mỹ trong việc tích cực can dự với châu Phi, thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Liệu Mỹ có thể bắt kịp sự hiện diện lâu đời của Trung Quốc hay không vẫn chưa chắc chắn, nhưng cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi chắc chắn sẽ định hình quỹ đạo tương lai của quan hệ quốc tế. Sự thành công trong nỗ lực của Hoa Kỳ phụ thuộc vào khả năng điều hướng sự phức tạp của lục địa châu Phi, xây dựng niềm tin với các đối tác địa phương và mang lại những lợi ích hữu hình phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia châu Phi.

Các tổ chức toàn cầu và khu vực cũng đang tham gia vào dự án khi nỗ lực đảm bảo nguồn khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh ngày càng tăng. Vào tháng 10/2023, Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) đã cùng các đối tác toàn cầu huy động tài chính cho Chương trình Hành lang Vận tải Lobito đa quốc gia trị giá 16 tỷ USD. Sự tham gia của AfDB nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong việc đảm bảo nguồn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập khu vực ở Châu Phi. Ngân hàng Thế giới cũng tham gia thông qua “Dự án tăng tốc đa dạng hóa kinh tế và tạo việc làm” trị giá 300 triệu USD, sẽ liên kết trực tiếp với Hành lang Lobito. Đáng chú ý là tổ chức này đã không tài trợ cho một dự án cơ sở hạ tầng nào ở Châu Phi kể từ năm 2002.

Nguồn: Tham khảo Báo cáo thị trường logistics Hoa Kỳ

(1)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
(2) Công nghệ mới trong logistics và quản trị chuỗi cung ứng, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 17
Số người truy cập: 6.170.177
Chung nhan Tin Nhiem Mang