Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan, tuyên bố sẽ trả đũa
Ngay sau thông báo chấn động thế giới của tổng thống Hoa Kỳ-Donald Trump về hàng rào thuế quan mới với tên gọi là "thuế quan qua lại" đối với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khác, Trung Quốc đã thúc giục Hoa Kỳ hủy bỏ ngay lập tức các mức thuế quan mới nhất và tuyên bố sẽ có các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết động thái của Hoa Kỳ (khi ông Trump tuyên bố áp thuế toàn diện đối với tất cả các đối tác thương mại trên toàn thế giới) không quan tâm đến sự cân bằng lợi ích đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại đa phương trong nhiều năm và thực tế là chính Hoa Kỳ từ lâu cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại quốc tế.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ có biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới lún sâu hơn vào cuộc chiến thương mại có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó, theo tuyên bố của ông Trump, hàng hóa từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 34%, ngoài mức 20% mà ông đã áp dụng trước đó vào đầu năm nay, nâng tổng mức thuế mới lên 54% và gần với con số 60% mà ông đã đe dọa trong chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc, giống như các nhà xuất khẩu từ mọi nền kinh tế khác, sẽ phải đối mặt với mức thuế cơ bản 10%, như một phần của mức thuế mới 34%, đối với hầu hết hàng hóa được vận chuyển đến nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới từ thứ 7 tuần này, trước khi "mức thuế quan qua lại" cao hơn có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4 năm 2025.
Trước đó, hàng hóa thương mại điện tử từ Trung Quốc cũng gặp "cú sốc" ngay đầu năm nay khi ông Trump cũng ký một sắc lệnh hành pháp để "lấp một lỗ hổng" thương mại được gọi là "de minimis" trước đây cho phép các gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (TQ) vào Hoa Kỳ được miễn thuế.
Vấn đề có tính chất toàn cầu, cần phản ứng ở quy mô toàn cầu
"Có thể nói, thuế quan của Tổng thống Trump là vấn đề đau đầu ở nhiều nơi trên thế giới", Ruby Osman, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Tony Blair về Thay đổi Toàn cầu cho biết. Chuyên gia này cũng nhận định các công ty Trung Quốc đã phải tìm cách định tuyến lại hoạt động thương mại thông qua việc đầu tư vào các thị trường khác để tránh thuế quan của Hoa Kỳ, nhưng vấn đề là các thị trường mới này cũng sẽ phải chịu mức thuế quan đáng kể của riêng họ. Các chiến lược "Trung Quốc + 1" đã thu hút sự chú ý của các nhà xuất khẩu Trung Quốc và các công ty đa quốc gia, dẫn đến dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhưng với Ấn Độ, Mexico, Việt Nam và Malaysia - những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này, nếu phải đối mặt với mức thuế quan từ 36% đến 25%, thậm chí lớn hơn thì lợi thế về chi phí khi di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã giảm đáng kể.
Thuế quan mới của ông Trump có thể khuyến khích Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động thương mại với các thị trường thay thế, nhưng hiện tại không có thị trường nào đủ lớn để có thể sánh được với sức tiêu thụ của Hoa Kỳ, nơi các nhà sản xuất Trung Quốc bán ra hơn 400 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
William Hurst, giáo sư về Phát triển Trung Quốc tại Đại học Cambridge nhận định thuế quan của ông Trump (dù được áp dụng cho nhiều nước khác trên toàn cầu thay vì chỉ nhắm vào Trung Quốc, Mexico hay Canada trước đó), chắc chắn sẽ không giúp ích cho các công ty Trung Quốc và sẽ gây ra một số tổn thất thực sự cho một số lĩnh vực, nhưng chúng không tạo ra bất kỳ dấu ấn quyết định nào đối với nền kinh tế Trung Quốc. "Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang giảm dần tầm quan trọng đối với Trung Quốc. Thuế quan của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại của Trung Quốc hơn với những nơi khác, từ Châu Âu đến Đông Nam Á và Châu Phi", ông nói thêm. Nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc đã mô tả việc chuyển sang các thị trường thay thế là một "cuộc đua" dẫn đến cuộc chiến giá cả giữa các nhà xuất khẩu và có nguy cơ thổi bùng các lực lượng giảm phát trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi các công ty tiếp tục thu hẹp biên lợi nhuận.
Giữa khó khăn chồng chất, Trung Quốc vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay ở mức "khoảng 5%" bất chấp hàng rào thuế quan có thể khiến quá trình phục hồi chậm lại, nhất là khi xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế từ sau đại dịch COVID-19.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết bổ sung nhiều biện pháp kích thích tài khóa, tăng tín dụng, nới lỏng tiền tệ hơn nữa và nhấn mạnh vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước để giảm bớt tác động của chiến tranh thương mại.
"Từ rất lâu trước đó, Trung Quốc đã biết ngày này sẽ đến, các thông điệp chính sách tại hai kỳ họp vào tháng 3/2025 là một sự tính toán chứ không phải là sự giám sát", Ruby Osman, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Tony Blair về Thay đổi Toàn cầu, cho biết, với hàm ý về các cuộc họp quốc hội gần đây của Trung Quốc.
Chuyên gia này cũng phân tích: "Trung Quốc đã cố tình giữ lại nhiều biện pháp dự trữ hơn, cả về mặt kích thích tăng trưởng trong nước và các biện pháp trả đũa thương mại, trong trường hợp cần phải phản ứng mạnh mẽ hơn".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có thể tham gia các cuộc đàm phán mới, sau các báo cáo rằng lãnh đạo của hai nước có thể gặp nhau vào tháng 6/2025 tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề có thể sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. "Chiến lược của ông Trump kết hợp áp lực tối đa với những lời đề nghị ngoại giao đột ngột — ông coi đòn bẩy và sự tham gia là bổ sung cho nhau. Ngược lại, ông Tập Cận Bình lại có phương pháp và không thích rủi ro, với sự chậm rãi, chắc chắn và kỷ luật cao"-theo Ruby Osman.
VITIC, trích từ nguồn tin Reuters
THÔNG TIN THAM KHẢO VỀ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG, LOGISTICS:
(3) Nghiên cứu thị trường dược phẩm và logistics cho ngành dược phẩm Việt Nam (Phiên bản mới nhất năm 2025), vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) THÔNG TIN NGÀNH DƯỢC PHẨM, MĨ PHẨM, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
(5) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các thị trường tiêu biểu, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(6) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY