Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024
Vietnamese English

Cảng biển thiệt hại lớn vì container tồn đọng

14/08/2024 10:14

Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

------------------------

Hàng nghìn container tồn đọng đang chiếm diện tích kho bãi của các cảng biển, gây thiệt hại chi phí, làm giảm năng lực thông quan hàng hóa.

Giảm năng lực kho bãi

Những ngày đầu tháng 8, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) vẫn tất bật. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng giúp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo TCIT cho hay, trong kho bãi của cảng vẫn còn khoảng 100 Teu container tồn đọng chưa xử lý.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng TICT nhận định, các container tồn đọng có thể do chứa loại hàng nào đó bị cấm nên không được thông quan; hoặc do thời điểm container nhập về vào thời điểm có các quy định mới siết chặt hơn, trình tự thủ tục phức tạp hơn… nên nhiều chủ hàng "bỏ của". Các lô hàng đọng lại không thể chuyển đi, chờ hải quan xử lý.

Theo ông Phúc, rất nhiều container tồn đọng đã 3-4 năm chưa tìm được chủ nhân, cũng chưa được xử lý làm giảm phần nào diện tích kho bãi, trong khi mỗi năm cảng phải mất chi phí không nhỏ để thuê. Quan ngại hơn, container tồn đọng chủ yếu là các mặt hàng phế liệu, nếu để lâu còn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải (Visaba) cho biết, ước tính chi phí lưu kho bãi trung bình của 1 container 40 feet khoảng 2 USD/ngày. Tại khu vực Hải Phòng hiện nay, có hàng nghìn container loại này tồn đọng với mặt hàng chủ yếu là các lốp xe cũ, phế liệu.

"Các lô hàng này đã nằm yên nhiều năm nay mà chưa thể xử lý, gây thiệt hại chi phí đáng kể cho chủ cảng và chủ tàu. Container nằm một chỗ cũng khiến các chủ tàu thiếu vỏ container", ông Long nói.

Tốn thêm nhiều chi phí

Thống kê của Cục Hàng hải VN, số lượng hàng hóa container tồn đọng trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Việt Nam vượt đã quá 7.650 chiếc, tập trung chủ yếu ở các cảng biển lớn như: TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu. Tại khu vực cảng TP.HCM, hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày chủ yếu tập trung tại cảng Cát Lái với hơn 5.000 container.

Trong khi đó, lượng hàng tồn đọng trên 90 ngày tại hai cảng biển lớn là cảng Tân Cảng Cát Lái (TP.HCM) và Tân Cảng Hải Phòng (Lạch Huyện, Hải Phòng) ước tính khoảng 6.700 Teu và có xu hướng tăng dần.

Lượng hàng tồn đọng này chiếm diện tích khoảng 6ha bãi cảng, tương đương khoảng 5% năng lực khai thác của toàn cảng. Theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, diện tích này có thể đảm bảo cho sản lượng 300.000 Teu thông qua 1 năm.

"Việc hàng hóa tồn đọng lâu ngày khiến doanh nghiệp cảng bị giảm sút năng lực khai thác, khó khăn trong điều hành sản xuất, phát sinh nhiều chi phí quản lý, đảo chuyển", vị này cho biết.

Xin cơ chế vận chuyển đi nơi khác

Ông Nguyễn Hồng Phúc thông tin, những năm 2018, 2019, số lượng container tồn đọng tại cảng TCIT lên tới 2.000 Teu. Thời gian qua, lực lượng hải quan đã tích cực xử lý nên số lượng đã giảm khá nhiều.

Đánh giá đây là rủi ro trong xuất nhập khẩu hàng hóa thương mại, ông Phúc cho biết để xử lý số container này, các cảng và hãng tàu chỉ còn cách phối hợp làm công văn gửi lực lượng chức năng để được xử lý kịp thời.

Theo một doanh nghiệp cảng biển tại TP.HCM, các cơ quan có liên quan cần sớm có cơ chế phù hợp để thúc đẩy giải tỏa hàng hóa tồn đọng tại cảng, sửa đổi hoặc thay thế các thông tư, nghị định không còn phù hợp với với điều kiện thực tế.

Theo tìm hiểu, đã có nhiều doanh nghiệp có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các chủ hàng, hãng tàu chia sẻ, phối hợp xử lý các container tồn đọng. Nhưng nhiều lô hàng chủ yếu là hàng vi phạm pháp luật nên các chủ hàng sẵn sàng từ bỏ. Một số doanh nghiệp xin cơ chế luân chuyển các container đi các kho bãi khác để giải phóng nhưng chưa được chấp thuận.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Chưa kể, phương án này cũng gây tốn kém về chi phí vận chuyển. Trường hợp hàng hóa không thể bán đấu giá để thu hồi chi phí mà phải tiêu huỷ, các bên liên quan đều chịu thiệt hại.

Ông Phạm Quốc Long cho rằng, cần bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển trong Bộ luật Hàng hải VN. Trong đó, cần có cơ chế để ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp cảng bù đắp các chi phí tổn thất khi hàng hóa tồn đọng được cơ quan hải quan bán đấu giá.

Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) thông tin, Cục Hàng hải VN đã nhiều lần có văn bản và làm việc với cơ quan hải quan để thúc đẩy việc xử lý container tồn đọng. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ.

Theo bà Thương, các hãng tàu và doanh nghiệp cảng đều ở thế bị động đối với các container không thể thông quan, không thể tự xử lý hàng hóa tồn đọng, cũng không có phương án để ngăn chặn các lô hàng không đạt tiêu chuẩn thông quan.

Cục Hàng hải VN cũng đã có các văn bản đề nghị các hãng tàu khi đàm phán để vận chuyển hàng hóa cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin vận đơn, khai báo, chứng từ hàng hóa. 

Link gốc Báo Giao thông

 
(1)  Thị trường logistics chuỗi lạnh thế giới và Việt Nam: Đặc điểm và triển vọng (bản công bố vào năm 2024, tập trung vào dịch vụ kho lạnh và vận tải lạnh), vui lòng tải TẠI ĐÂY 
 
(2) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(3) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(4) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(5) Thông tin hoạt động Logistics trong XUẤT KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(6) Thông tin hoạt động Logistics trong NHẬP KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY
 
(7) Báo cáo nghiên cứu thị trường Halal logistics và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 18
Số người truy cập: 5.343.378
Chung nhan Tin Nhiem Mang