Nỗ lực đưa tàu lớn vào cảng biển
Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
------------------------------------------
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam những năm 2000 chỉ định hướng phát triển cỡ trọng tải tàu đến 30.000 DWT. Nhưng hiện nay, trọng tải tàu ngày càng tăng.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, 5 năm qua, số lượng tàu có trọng tải lớn ra vào cảng biển Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2019, số lượng tàu trọng tải lớn ra vào cảng biển khoảng 4.538 lượt thì tới năm 2023, con số này là 5.474 lượt.
Theo cơ quan này, những năm 2000, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ định hướng phát triển cỡ trọng tải tàu đến 30.000 DWT.
Để được tiếp nhận các tàu lớn vượt thiết kế ra vào cảng, các doanh nghiệp cảng cần đánh giá kết cấu hạ tầng cầu, bến cảng, lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong quá trình khai thác.
Nhằm tận dụng khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng bến cảng, luồng tàu đã được xây dựng và để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nâng cao năng suất hàng hóa thông qua cảng, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, cơ quan này đã ban hành văn bản hướng dẫn các cảng vụ hàng hải về việc thống nhất cấp phép đưa tàu vào, rời cảng biển.
- Trong đó, các tàu trọng tải đến 10.000 DWT/GT được áp dụng hệ số vượt tải khoảng 60%. Tàu có trọng tải đến 20.000 DWT/GT được áp dụng hệ số vượt tải 40%.
- Tàu có trọng tải đến 30.000 DWT/GT được áp dụng hệ số vượt tải 25% và tàu có trọng tải từ 40.000 DWT/GT trở lên, áp dụng thêm hệ số vượt tải 10%.
Các cảng vụ hàng hải sẽ tổ chức áp dụng, đồng thời phối hợp với hoa tiêu hàng hải xem xét, đánh giá điều kiện tự nhiên tại thời điểm tàu dự kiến đến cảng; Kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn tăng cường như tàu lai hỗ trợ và kiểm tra lượng dãn nước của tàu (bảo đảm nhỏ hơn hoặc bằng lượng dãn nước của tàu theo quyết định công bố), chiều dài tàu (phù hợp với chiều dài cầu cảng)… để xem xét, quyết định việc điều động tàu thuyền trọng tải lớn vào, rời bến cảng.
Những năm gần đây, đội tàu trên thế giới có xu hướng tăng mạnh về cỡ trọng tải để tăng năng suất, giảm thiểu chi phí vận tải biển.
Nắm bắt xu hướng này, Cục Hàng hải VN cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp cảng triển khai việc đánh giá kết cấu hạ tầng cầu, bến cảng có nhu cầu tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế.
Cụ thể, với tàu thuyền có trọng tải toàn phần hoặc dung tích toàn phần lớn hơn trọng tải của tàu theo thiết kế tại quyết định công bố bến cảng nhưng nằm trong giới hạn cho phép, Cục Hàng hải có trách nhiệm chỉ đạo cảng vụ hàng hải kiểm tra việc đáp ứng theo các điều kiện quy định. Trường hợp thoả mãn các điều kiện thì được áp dụng.
Với những cầu, bến cảng có nhu cầu tiếp nhận tàu trọng tải lớn hơn thiết kế, Cục Hàng hải VN xem xét hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ đánh giá kết cấu hạ tầng cầu cảng, khả năng đáp ứng của luồng hàng hải, khu quay trở và neo đậu đối với trọng tải tàu đề xuất tiếp nhận, tiến hành cải tạo, nâng cấp (nếu có).
Hồ sơ đánh giá kết cấu này được Cục Quản lý đầu tư xây dựng (với công trình cấp đặc biệt, cấp I), Sở GTVT (với công trình cấp II trở xuống) thẩm định.
Trường hợp cầu, bến cảng phải thực hiện biện pháp đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp, Cục Quản lý đầu tư xây dựng hoặc Sở GTVT kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ hoặc văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Phương án bảo đảm an toàn hàng hải gửi Cục Hàng hải VN để xem xét, phê duyệt.
Với những cầu, bến cảng có nhu cầu tiếp nhận tàu trọng tải lớn hơn thiết kế và lớn hơn quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, sau khi được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép, doanh nghiệp cảng được nghiên cứu, cải tạo, nâng cấp bến cảng hiện hữu để tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế. Cùng đó, lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong quá trình khai thác.
Sau đó, Cục Hàng hải xem xét, chỉ đạo cảng vụ hàng hải tổ chức, cho phép điều động tàu thuyền ra, vào khai thác tại bến cảng.
Hiện nay, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các cảng vụ hàng hải phổ biến, hướng dẫn cụ thể tới các chủ đầu tư, đơn vị quản lý khai thác bến cảng trong khu vực vùng nước cảng biển có nhu cầu tiếp nhận tàu trọng tải lớn vào rời bến cảng.
Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, hoạt động tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế vào khai thác được chấp thuận và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng từ Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN đã tạo thuận lợi lớn trong việc triển khai thực hiện và đánh giá hiệu quả, an toàn và sự phù hợp của hạ tầng cảng biển.
(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(3) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY