Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Chuyên gia Nhật Bản: nhu cầu vận chuyển cho chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam sẽ tăng mạnh

04/10/2018 09:04

Tại buổi “Đối thoại Chính sách Logistics Việt Nam - Nhật bản năm 2018” do Bộ GTVT Việt Nam phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức ông Toshihiro Matsumoto, Phó Thứ trưởng phụ trách logistics, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đề xuất Việt Nam cần thay đổi một số chính sách để phát triển logistics như: bãi bỏ việc thu phí hạ tầng cảng biển đối với các container ra vào ku vực cảng Hải Phòng bởi việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến chi phí phân phối của công ty vận tải và giá bán sản phẩm. “Hiện nay, việc làm thủ tục hải quan hàng hóa XNK giữa TP.Hồ Chí Minh (Mộc Bài) và Campuchia (Bavet) mất rất nhiều thời gian, làm giảm tỷ lệ xoay vòng của xe tải, phát sinh các chi phí không cần thiết. Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng cổng làm thủ tục hải quan, thực hiện cơ chế một cửa, tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục hải quan giữa hai nước”, đại diện phía Nhật Bản đề xuất.

Đại diện cơ quan Nhật Bản cũng dự báo, thời gian tới, nhu cầu vận chuyển cho chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam sẽ tăng mạnh. “Thông thường khi mức thu nhập bình quân theo đầu người vượt quá 3.000 USD thì nhu cầu về đồ điện gia dụng sẽ tăng cao. Hiện, GDP đầu người của Hà Nội là 3.000 USD còn của TP.Hồ Chí Minh là 5.000 USD, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam lại ngày càng tăng, lối sống của người Việt sẽ thay đổi lớn và việc phát triển chuỗi cung ứng lạnh sẽ là điều tất yếu”.

Chuỗi cung ứng lạnh là một khái niệm khá phổ biến ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, được hiểu là các chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát và duy trì nhiệt độ thích hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản lạnh khác nhau, nhằm bảo đảm và kéo dài tuổi thọ của các mặt hàng nhạy cảm với nhiệt độ cao như sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, hàng đông lạnh chế biến, hoa tươi cắt cành, các sản phẩm dược phẩm đặc biệt là vacxin.

Về cấu trúc, các chuỗi cung ứng lạnh bao gồm hai hệ thống logistics cơ bản: (1) Mạng lưới nhà kho lạnh được kiểm soát tốt về nhiệt độ để bảo quản các mặt hàng nhạy cảm và dễ hỏng. (2) Hệ thống vận tải lạnh bao gồm các loại phương tiện chuyên chở như xe tải, container lạnh, các thiết bị chuyên dụng cho hoạt động vận chuyển và giao nhận kiểm tra, duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết.

Tùy thuộc vào loại sản phẩm và yêu cầu cụ thể về thời gian và khoảng cách cũng như mục tiêu sử dụng của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, chuỗi lạnh sẽ cung cấp các khoảng nhiệt độ thích hợp cho sản phẩm trong toàn bộ quá trình cung ứng với các tiêu chuẩn nhiệt độ phổ biến là: Đông lạnh sâu (Deep Frozen) từ -28 đến -300C. Đây là mức nhiệt độ lạnh nhất chủ yếu dành cho vận chuyển hải sản. Đông lạnh (Frozen) Từ -16 đến -200C, chủ yếu dành cho vận chuyển thịt. Lạnh (Chiller) từ 2 đến 40C, là mức chuẩn nhiệt độ trong tủ lạnh và thường được sử dụng để vận chuyển trái cây và rau quả để có được thời hạn sử dụng tối ưu. Ngoài ra mức từ 2 đến 80C, là thích hợp để bảo quản dược phẩm thông thường. Khoảng nhiệt từ 12 đến 140C thích hợp cho chuỗi cung ứng chuối, là một trong những loại trái cây sản xuất và vận chuyển nhiều nhất thế giới.

Ở các chuỗi lạnh chất lượng cao, các thiết bị theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ là ưu tiên hàng đầu vì nó cho phép các hàng hóa bảo quản có được các điều kiện bảo quản chính xác trong những điều kiện mong muốn. Chuỗi cung ứng lạnh không chỉ chú ý tới các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm tạo ra cho hàng hóa, mà nhân tố thời gian cũng được kiểm soát khá chặt chẽ, chính vì vậy các chuỗi cung ứng lạnh có tốc độ cung ứng rất kịp thời. Để tạo ra những lợi thế này, về mặt tổ chức các chuỗi lạnh thường tập trung vào 3 hợp phần chính là: Trang bị các thiết bị dự trữ và vận chuyển hàng hóa an toàn đồng bộ trong điều kiện khí hậu được kiểm soát. Đào tạo các nhà quản lý và nhân viên có chuyên môn trong điều hành, sử dụng và duy trì các thiết bị chuyên dụng. Xây dựng các thủ tục để quản lý các quá trình vận hành, quy trình kiểm soát và sử dụng các thiết bị tối ưu.

Bằng việc tạo ra các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp cho hàng hóa trong những khoảng thời gian thích ứng với chu kỳ tươi mới của các sản phẩm dễ hỏng, chuỗi cung ứng lạnh mang lại lợi ích thiết thực trong giảm chi phí sản xuất kinh doanh, gia tăng hiệu quả, giảm tổn thất cho các chuỗi cung ứng hàng hóa dễ hư hỏng.

Gia tăng giá trị cho các sản phẩm dễ hỏng nhờ việc duy trì và kéo dài chu kỳ sống cho sản phẩm trong tình trạng an toàn. Nghiên cứu ở hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy, các sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng rất thấp, ở Ấn Độ (7%), Trung Quốc (23%) trong khi các nước phát triển là 100%. Việc sử dụng chuỗi lạnh sẽ kéo dài thời gian sử dụng của rau quả từ 2-3 ngày tới 7 ngày khi bảo quản tại nhà, cũng như tăng thời gian trưng bày tại cửa hàng từ 3 lên đến 7 ngày và làm giảm hao hụt từ 60-70 %.

Gia tăng sự hài lòng của khách hàng do đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thúc đẩy nền kinh tế theo hướng bền vững.

Nhờ các hoạt động bảo quản và dự trữ tốt trong các điều kiện của chuỗi lạnh, chất lượng hàng hóa được duy trì, sự tươi mới đảm bảo, số lượng hàng hóa hao hụt giảm đi, nhờ đó lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường tại chỗ sẽ gia tăng, góp phần đáp ứng nhiều và tốt hơn cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương và nội địa. Hao hụt ít hơn đồng nghĩa với khối lượng sản phẩm nhiều hơn, nhờ vậy, các mặt hàng dễ hỏng như nông sản, thủy sản, hoa quả… có thể xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới với khoảng cách xa nhưng chất lượng vẫn được duy trì trong thời gian dài do các điều kiện của chuỗi lạnh tạo ra.

Các chuỗi cung ứng lạnh hợp nhất (Cold Chain Interaction System) còn cho phép phối hợp tốt hệ thống thông tin giữa các hoạt động logistics trong chuỗi nhờ đó, chuỗi lạnh không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí mà còn nâng cao hiệu quả và sức mạnh của sản phẩm trên thị trường. Các hệ thống cung ứng lạnh còn có thể trở thành một phần hợp nhất quan trọng của chiến lược thương hiệu sản phẩm, giúp thỏa mãn khách hàng tốt hơn, thị phần lớn hơn, lợi nhuận cao hơn và rủi ro ít hơn.

Phát triển các chuỗi cung ứng lạnh còn góp phần hỗ trợ nhà nước trong hoạt động quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm với hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Giải quyết tốt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo vệ sinh thái và tăng trưởng kinh tế bền vững.

VITIC tổng hợp

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 3
Số người truy cập: 4.289.517
Chung nhan Tin Nhiem Mang