Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương: Vai trò của tự do hàng hải và an ninh hảng hải, hàng không.

22/01/2018 20:56
Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề "Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững" diễn ra từ ngày 18-21 tháng một năm 2018 với sự tham gia của đoàn đại biểu nghị viện của 21 quốc gia trong khu vực.

Trong Tuyên bố Hà Nội được thông qua vào ngày 20/1/2018, APPF đã kêu gọi các quốc gia giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, các thỏa thuận có liên quan, bao gồm Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS). Tuyên bố cũng khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, an ninh an toàn hàng hải, hàng không.


APPF-26 diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam

UNCLOS 1982 được thông qua tại thành phố Môn-tê-gô-bay của Gia-mai-ca vào ngày 10/12/1982. Các nước ven Biển Đông tham gia Công ước là Việt Nam, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po và Bru-nây. Công ước quy định các quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển. UNCLOS 1982 quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển. Theo đó, quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc qua lại lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, nhập cư, y tế) và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua.

Cũng trong Tuyên bố này, các nghị sỹ trong khu vực cam kết thúc đẩy hơn nữa phạm vi hoạt động của APPF và xây dựng một mối quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm hướng tới tương lai của một cồng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững. Các nghị sỹ tái khẳng định cam kết ủng hộ hệ thống đa phương dựa trên quy tắc, tự do, mở, minh bạch và bao trùm; cam kết kêu gọi các chính phủ hạn chế áp đặt các biện pháp bảo hộ mới. Tăng cường tính sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tạo điều kiện cho các MSMEs tiếp cận về vốn, công nghệ và quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách và khung pháp lý về khởi nghiệp và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các MSMEs.

Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) được thành lập ngày 15/3/1993, dành cho các nghị sĩ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Hiện, APPF có 27 nghị viện thành viên. 

VITIC tổng hợp
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 6
Số người truy cập: 4.359.416
Chung nhan Tin Nhiem Mang