Đẩy mạnh xuất nhập khẩu thông qua kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Lào - Campuchia
Nghiên cứu thị trường Lào kinh tế, thương mại, đầu tư, logistics và chính sách, quy định liên quan; cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam , vui lòng xem TẠI ĐÂY
----------------
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia đầu tư hàng đầu tại Campuchia và Lào, kết quả này mở ra nhiều cơ hội kết nối xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa giữa doanh nghiệp ba nước.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia - Lào năm 2024 do Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP Hồ Chí Minh, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tại TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Campuchia tại TP Hồ Chí Minh, Tổng lãnh sự quán Lào tại TP Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia thuộc Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Campuchia, Lào; doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp Campuchia, Lào tham dự nhằm thúc đẩy hợp tác kết nối giao thương giữa doanh nghiệp ba nước.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chi Minh Bùi Xuân Cường cho rằng, sau đại dịch Covid-19, bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều trì trệ, diễn biến phức tạp và phục hồi chậm, 3 nước cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn. Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối 3 nước như: Dư án xây dựng cao tốc Hà Nội - Vientiane, Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Nội Bài kết nối PhnomPênh và nhiều dự án khác.
Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường cho rằng, Diễn đàn sẽ chuyển tải thông điệp tích cực, có ý nghĩa thiết thực trong tình hình hiện nay. Từ đó, có thêm các hoạt động nghiên cứu đầu tư, xúc tiến các hợp đồng hợp tác về sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, Campuchia, Lào, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào.
Theo báo cáo tại diễn đàn cho thấy, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Campuchia trong 8 tháng năm 2024 đạt 6,8 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến cả năm sẽ đạt mốc 10 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào tăng trưởng ổn định, đạt 1,65 tỷ USD trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia đầu tư hàng đầu tại Campuchia và Lào. Trong đó, 205 dự án đầu tư vào Campuchia (tổng giá trị khoảng 2,95 tỷ USD); 245 dự án đầu tư tại Lào (tổng giá trị đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD). Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mà Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnôm Pênh là một điển hình sinh động, minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa TP Hồ Chí Minh và Kinh đô Phnôm Pênh.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị giữa Campuchia - Việt Nam - Lào trong việc phát triển giao thương, ông Ouk Sophon, Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia cho rằng, ba nước cùng nhau có thể tạo ra một hệ sinh thái năng động cho sự hợp tác cùng có lợi hơn cho người dân mỗi nước. “Campuchia sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam và Lào, hỗ trợ doanh nhân 3 nước tiếp tục phát triển và thành công, tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới và thịnh vượng chung”- ông Ouk Sophon nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, đại diện các nước đã chia sẻ về tình hình hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Campuchia - Lào và các định hướng phát triển kinh tế; chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, Campuchia, Lào; trao đổi về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, Lào; thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch giữa doanh nghiệp ba nước Việt Nam - Campuchia và Lào.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Công ty Khải Duyên tại Việt Nam và Công ty Xúc tiến Dịch vụ Thương mại XNK Thần Tài tại Campuchia cho rằng, trong thời gian qua, với sự đầu tư hạ tầng hoạt động XNK của doanh nghiệp khá thuận lợi. Để thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, bà Mỹ Duyên đề xuất, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí cho đoanh nghiệp; cải thiện hạ tầng vận tải, kho bãi các tuyến biên giới. Đồng thời xây dựng thương mại điện tử liên kết giữa 3 nước, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và giao dịch trực tuyến; hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn sản phẩm để hàng hóa dễ thông quan.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia cho rằng cần xây dựng cơ chế hợp tác giữa tổ chức hiệp hội doanh nghiệp 3 nước, sớm xây dựng các bước đi cụ thể về khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư; thường xuyên trao đổi thông tin... để doanh nghiệp mỗi nước có thêm thông tin hợp tác, thêm cơ hội gia tăng đơn hàng XNK trong thời gian tới.
--------------
THÔNG TIN THAM KHẢO VỀ CÁC THỊ TRƯỜNG CÓ HOẠT ĐỘNG BIÊN MẬU VỚI VIỆT NAM
(1) Nghiên cứu thị trường Lào kinh tế, thương mại, đầu tư, logistics và chính sách, quy định liên quan; cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam , vui lòng xem TẠI ĐÂY
(2) Nghiên cứu thị trường Campuchia: kinh tế, thương mại, đầu tư, logistics và chính sách, quy định liên quan; cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(3) Nghiên cứu thị trường: Cập nhật chính sách, quy định và các xu hướng mới tác động đến giao thương với thị trường Trung Quốc (giai đoạn 2019-2024 và dự báo), vui lòng xem TẠI ĐÂY