Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho e-logistics

15/10/2018 14:36
Xu hướng công nghệ 4.0 sẽ là nền tảng cốt lõi để đưa logistics cất cánh trong tương lai, và không chỉ có các công ty lớn tham gia giải quyết các bài toán của logistics mà còn các startup cũng sẽ đưa ra những giải pháp đột phá trong từng khâu của chuỗi cung ứng nói chung và logistics nói riêng.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với WEF nhằm giúp Việt Nam định hướng tốt hơn trong giai đoạn CMCN 4.0, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.


CMCN 4.0 mang lại cơ hội lớn cho các nước đang phát triển nói chung, trong đó có Việt Nam có thể rút ngắn quá trình CNH, HĐH bằng cách “đi tắt, đón đầu”, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Bởi vì, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính toàn diện, từ cấu trúc thị trường, đến cách thức sản xuất, tiêu dùng và quản lý nhà nước. “Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống cũng như việc tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/internet để tăng trưởng nhanh với giá trị gia tăng cao và bền vững.CMCN 4.0 đang và sẽ mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh; các loại hình kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, logistic, robotics… thông minh hóa.



CMCN 4.0 còn giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Việt Nam đã có các chính sách phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, mặc dù các chính sách đó có thể chưa trực tiếp liên quan nhiều đến CMCN 4.0. Theo đó, các Đề án “Thanh toán không dùng tiền mặt” của Ngân hàng Nhà nước; “Số hóa” của Bộ Thông tin và Truyền thông; “Đổi mới công nghệ” của Bộ Khoa học & Công nghệ… và các chỉ thị của các cấp cao hơn.

 
Trong lĩnh vực logistics, Việt Nam có cơ hội kế thừa và ứng dụng những công nghệ sau đây để tạo ra sự bứt phá trong e-logistics: 



Tự động hóa và robotics: sẽ giúp giảm thiểu tối đa các lỗi phát sinh trong quy trình logistics và nâng cao năng suất lao động lên một tầm mới. Khái niệm “cobot” – collobarative robot (Robot cộng tác với con người) ra đời giúp giải phóng sức lao động của con người khỏi các công việc mang tính thủ công, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc thông qua tự động hóa.

 

Amazon là đơn vị tiên phong trong việc nhân rộng quy mô của quy trình sử dụng cobot phục vụ việc hoàn thành đơn hàng (fulfiment) dựa trên công nghệ từ Kiva Systems (một startup về Robotics Amazon mua lại vào năm 2012). Các cobot được trang bị máy ảnh có độ phân giải cao, cảm biến áp suất, và khả năng tự học để có thể dễ dàng lập trình hỗ trợ công nhân trong các khâu: chọn hàng, đóng gói và phân loại. Ngoài ra, các cobot có thể dễ dàng di chuyển giữa các kho hàng, hỗ trợ hoàn thành đơn hàng thương mại điện tử tốt hơn, đem lại sự linh hoạt trong quản trị kho hàng. Ngoài ra, DHL cũng đang thử nghiệm Sawyer robot (1 cánh tay, nặng 19kg) hỗ trợ quá trình phân phối, dỡ hàng, vận chuyển hàng hóa.

Công nghệ thực tế ảo (VR) & thực tế tăng cường (AR)

AR đang nhanh chóng trở thành công nghệ quan trọng giúp kết nối thế giới thực và ảo. Trong logistics, công nghệ này có thể giúp công nhân nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh thời gian làm hàng. DHL đã thử nghiệm AR ở châu Âu và Hoa Kỳ bằng cách trang bị cho công nhân kho hàng kính thông minh AR, giúp nhận diện các món hàng theo thời gian thực, trên đó hiển thị tuyến đường tối ưu để thu gom đơn hàng, giúp giảm thời gian trong kho hàng. Ngoài ra, công nhân không cần phải scan các gói hàng, chiếc kính có thể làm thay họ.

Lợi ích của AR bao gồm nâng hiệu quả, giảm thiểu sai sót, tối ưu hóa việc huấn luyện và sử dụng nhân lực. Tuy vẫn tồn tại một số vấn đề kỹ thuật trong việc sử dụng các thiết bị AR như hiệu suất, tuổi thọ pin, kích thước và khối lượng nhưng các nhà phân tích cho rằng những rào cản kỹ thuật này sẽ được giải quyết trong vòng một vài năm tới.

Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IOT)

Theo Gartner, ước tính đến năm 2020, sẽ có hơn 50 tỷ đồ vật được kết nối với Internet, mang lại cơ hội lớn trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la cho logistics. Như vậy, IoT sẽ giải quyết được nhiều bài toán ứng dụng trong các khâu thuộc quy trình logistics.

IoT có thể được tích hợp trong kho bãi thông qua các cảm biến cài đặt tại các kệ, hàng hóa. Thông tin về vị trí, tình trạng đơn hàng, khối lượng sẽ được cập nhật theo thời gian thực từ các pallet (tấm kê hàng), gửi tới hệ thống quản lý kho bãi (WMS), giúp giảm nhẹ các công việc tiêu tốn nhiều thời gian như kiểm đếm. Các máy quay gắn ở cổng có thể được dùng để phát hiện các hỏng hóc và theo dõi lỗi hàng.

IoT cũng mang lại giải pháp tốt hơn trong việc quản lý đội xe giao hàng bằng cách tối ưu hóa thời gian trống của xe hoặc đưa ra các dự báo bảo trì xe tự động dựa trên các cập nhật từ cảm biến gắn trên xe. IoT đem tới một giải pháp giao hàng toàn diện cho người tiêu dùng thông qua năng lực giao hàng thông minh, ví dụ như trường hợp giao hàng tới tận cốp xe của khách hàng thông qua mã code mã hóa hoặc khóa thông minh của Amazon.

Amazon đã cài đặt thêm cảm biến và thiết bị dọc suốt trên hệ thống băng chuyền để các cảm biến tự động quét mã vạch của các kiện hàng, cho phép Amazon theo dõi vị trí của từng kiện hàng. Khi nhân viên của Amazon xếp các kiện hàng này lên các xe tải giao hàng, các máy quét trên khoang cửa sẽ cảnh báo nhân viên trong trường hợp kiện hàng bị xếp lên nhầm xe.

Song hành cùng IoT, những công nghệ ngày càng ảnh hưởng sâu rộng tới logistics còn bao gồm dữ liệu lớn (Big Data) và AI bởi lượng dữ liệu khổng lồ phát sinh trong chuỗi cung ứng. Dữ liệu lớn giúp tối ưu năng lực, nâng cao trải nghiệm người dùng, giảm thiểu rủi ro và tạo ra mô hình kinh doanh mới. Thêm nữa, dữ liệu lớn giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, chất lượng quá trình, hiệu suất để tăng tốc độ và minh bạch trong việc ra quyết định, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ví dụ, mối tương quan giữa các luồng dữ liệu như thông tin giao hàng, thời tiết, giao thông có thể được tận dụng cho việc lên kế hoạch theo thời gian thực, tối ưu hóa các trình tự tải và dự đoán thời gian xe đến theo thời gian thực.

Bên cạnh đó công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát triển năng lực tự học, phục vụ việc phân tích và đưa ra những dự đoán trong ngành.

 

Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghệ gốc, công nghệ nguồn, nhân lực chất lượng cao; chính sách và hạ tầng kỹ thuật số; quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia…

Về công nghệ, do trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều, nên khi tiếp cận với CMCN 4.0 sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng lại là thuận lợi, vì chúng ta không phải chi phí quá tốn kém để phá hủy cái cũ thay thế cái mới.

Trong lĩnh vực sản xuất, xu hướng robot thông minh thay thế con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thể hiện rõ nhất ở các công việc có những thao tác đơn giản khi robot đóng vai trò ngày càng lớn. Trong tương lai, con người có thể còn không được làm những công việc đơn giản khi mà robot làm tốt và chính xác hơn.

Công nghệ năng lượng, vật liệu mới, in 3D sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên, khi thế giới không còn phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động như khai thác, quặng, than, dầu khí… Những lao động thủ công trong các ngành dệt, may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng lần này.

Theo dự báo, 20 năm tới, sẽ có từ 70-75% những công việc đơn giản, thủ công sẽ bị thay thế, khiến hàng chục triệu lao động truyền thống bị thất nghiệp, đòi hỏi Nhà nước ta cần có sự chủ động ứng phó và kiểm soát tốt nhất để bảo đảm an ninh cho người dân và chủ quyền của đất nước.

Theo nhận định của ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF, Việt Nam là nền kinh tế rất nổi bật với dân số gần 100 triệu người có nhân khẩu học rất tích cực, tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh. Do đó, cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung là rất lớn.

VITIC tổng hợp

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 19
Số người truy cập: 6.012.798
Chung nhan Tin Nhiem Mang