Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử

28/05/2023 16:05

Giải bài toán thương hiệu

Theo Bộ Công Thương, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất khẩu Việt Nam dự tính tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kì vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Có thể nói, thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt để phục hồi và tăng tốc trên trường đua thương mại quốc tế. Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp gặt hái được những “trái ngọt” khi hòa mình vào dòng chảy hòa vào dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới. Câu chuyện của Tập đoàn Sunhouse là một minh chứng điển hình.

Theo ông Vũ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sunhouse, sau khi chính thức tham gia bán hàng trên Amazon từ đầu năm 2022, Sunhouse đã thu được những kết quả kinh doanh bước đầu vượt mong đợi. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số của Sunhouse tăng trưởng trung bình 160 - 200% mỗi tháng, một số sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng. “Một doanh nghiệp sẽ mất vài năm để tự mình tìm hiểu một thị trường mới. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể”, ông Hải chia sẻ.

Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt đã được mở rộng đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đa phần mới chỉ tập trung gia công cho thương hiệu khác hoặc xuất khẩu bán buôn hơn là khai thác tiềm năng xuất khẩu bán lẻ trực tiếp cho khách hàng ở thị trường nước ngoài. Kết quả là việc ngành gỗ nội - ngoại thất Việt đứng trước thách thức chậm chuyển đổi do thiếu kinh nghiệm và nguồn lực để chuyển mình trong giai đoạn số hóa sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch khi chuỗi cung ứng truyền thống đứt gãy, gián đoạn.

Trước thực trạng này, Beefurni - doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất Việt Nam, đã phát triển và xây dựng thương hiệu riêng, tiếp cận trực tiếp với khách hàng thông qua thương mại điện tử, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Phú Vương, Trưởng nhóm Marketing của Beefurni trên kênh Amazon cho biết, qua kênh Amazon, kết quả kinh doanh của Beefurni trong năm 2022 đã tăng gần 300% so với năm trước. Không phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn hàng gia công sỉ, với lượng đơn hàng từ Amazon, công suất của nhà máy đã tăng lên đáng kể, kế hoạch sản xuất trong nhà xưởng cũng ổn định hơn, đáp ứng nhu cầu công việc tốt hơn cho công nhân.

Nhiều cơ hội cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trước đây hoạt động xuất nhập khẩu dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và khả năng tiềm lực kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có thể bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu nếu họ thực sự chủ động. Dẫn chứng, bằng sản phẩm đan lát trang trí nhà cửa, ChicnChill- một thương hiệu thủ công mỹ nghệ do ông Trần Tuấn Dũng thành lập, đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng 700% chỉ sau một năm hợp tác kinh doanh trên Amazon. Để có con số này, ông Dũng đã xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp làm quảng cáo, hình ảnh và nội dung, từ đó giúp doanh nghiệp thu được nguồn ngoại tệ ổn định trong việc xuất khẩu online. Trong những năm tiếp theo, thương hiệu đặt mục tiêu tăng trưởng 200 - 300%/năm và tiến tới mở rộng thị trường sang các nước châu Âu.

Chia sẻ câu chuyện xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW, phấn khởi cho biết, trong năm 2021 doanh nghiệp đã đứng vững giữa những khó khăn do dịch Covid-19, kiếm được những hợp đồng hàng trăm nghìn USD. Tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu xuất khẩu nông sản trên sàn Alibaba.com của công ty đang tăng trưởng 350% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này có được là nhờ vào hai thị trường trọng điểm Trung Quốc và Hàn Quốc. Tính riêng thị trường Trung Quốc, hiện doanh thu ước đạt xấp xỉ 2 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW đặt mục tiêu xuất khẩu cuối năm 2023 sẽ đạt 3,5 triệu USD và thâm nhập thị trường EU trong thời gian tới...

Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam cho biết, mặc dù tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử xuyên biên giới là rất lớn nhưng thực tế cũng còn không ít thách thức cho doanh nghiệp khi tham gia sân chơi này. Hiện vẫn chưa có quy định riêng về ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nhằm thúc đẩy và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Trần Đình Toản nhận định, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, giá cả cạnh tranh. Cần đầu tư một cách bài bản, xây dựng hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Thu Dịu
Link gốc

 

THÔNG TIN THAM KHẢO
ĐỂ CẬP NHẬT CÁC THÔNG TIN, SỐ LIỆU CHI TIẾT VÀ MỚI NHẤT VỀ THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BIỂN, CẢNG BIỂN, MỜI THAM KHẢO TÀI LIỆU

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 8
Số người truy cập: 6.015.934
Chung nhan Tin Nhiem Mang