Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Hà Nội: Cần nâng cấp hệ thống đường bộ cho sự phát triển của logistics

05/03/2018 22:20
Mạng lưới đường bộ khu vực Hà Nội được cấu thành bởi các trục đường giao thông liên tỉnh là những quốc lộ hướng tâm có dạng nan quạt và các trục đường đô thị bao gồm các đường vành đai, các trục chính đô thị và các đường phố. Thời gian qua, nhiều dự án nâng cấp cải tạo đường bộ khu vực Hà Nội đã được thực hiện và làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông Thủ đô như các dự án: mở rộng và hoàn thiện đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long), mở rộng quốc lộ 32, đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù và tuyến đường hai đầu cầu …

Đường vành đai 3 trên cao giai đoạn 2 là công trình giao thông trọng điểm nhằm giảm ùn tắc lưu thông đường bộ của Hà Nội

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có khoảng 3.974 km đường bộ; trong đó 9 quận nội thành cũ có 643 km đường (chiếm khoảng 6,8% diện tích đất đô thị), quận Hà Đông có 37,1 km đường (chiếm 8,8% diện tích), thị xã Sơn Tây có 50,7 km đường (chiếm 4,9% diện tích). Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý 10 đoạn tuyến quốc lộ qua Hà Nội với chiều dài khoảng trên 150 km (gồm: QL2, QL3, QL5, QL6, QL18, đường Hồ Chí Minh, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Láng - Hoà Lạc, đường Nội Bài - Bắc Ninh, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài) và ủy thác quản lý gồm 4 tuyến với chiều dài 142,45 km và 25 cầu (gồm: QL32, QL21B, QL21 và QL2C). Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có khoảng 3.628 km đường và 237 cầu các loại (Sở Giao thông vận tải quản lý 1.178 km đường với 583 tuyến; các quận huyện, thị xã quản lý, duy trì khoảng 2.450 km đường giao thông nông thôn gồm các tuyến chưa đặt tên, tuyến đường trục của huyện, đường liên xã).

Nhìn chung, mạng lưới đường tại nhiều khu vực dân cư còn chưa hoàn chỉnh, mạng lưới đường tại các khu quy hoạch mới cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tương lai; chỉ tiêu về mật độ m2 đường giao thông/người tuy không thấp nhưng tính theo % trên tổng diện tích Thành phố lại thấp; dân cư tập trung dày đặc trong nội đô ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tổ chức giao thông và dịch vụ xã hội. Mạng lưới đường đô thị của Hà Nội theo dạng đường hướng tâm và đường vành đai, một số khu vực ổn định theo dạng bàn cờ nhưng còn thiếu các đường nối giữa các trục chính quan trọng. Nhiều tuyến đường rất quan trọng (kể cả trục Đông - Tây) chưa được cải tạo, nối thông và mở rộng để đảm bảo năng lực cần thiết.

Các trục chính giao cắt với nhiều tuyến phố dẫn tới tình trạng ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Các điểm giao thông tĩnh như bến xe, bãi dừng đỗ xe… bố trí chưa hợp lý, khoa học. Khả năng mở rộng các tuyến đường theo quy hoạch trong khu vực nội thành rất khó thực hiện do chi phí giải phóng mặt bằng rất cao, gây áp lực lớn đến ngân sách nhà nước. Việc sử dụng đèn tín hiệu giao thông hoặc bố trí các đảo tròn tại các ngã tư không đáp ứng được năng lực thông qua, gây ùn tắc. Hệ thống điều hành giao thông thông minh của Thành phố mới đang từng bước nghiên cứu, thí điểm triển khai.

Những vấn đề trên của thực trạng giao thông Hà Nội cần được giải quyết, để thúc đẩy sự phát triển dịch vụ logistics bởi ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện… đã làm gia tăng các chi phí của doanh nghiệp (thời gian, nhiên liệu, lưu thông) để vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa đến nơi tiêu thụ.

VITIC tổng hợp
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 13
Số người truy cập: 6.260.953
Chung nhan Tin Nhiem Mang