Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực đưa bến số 3 cảng Chân Mây vào hoạt động năm 2018

26/02/2018 12:55
Bến số 3 cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) có quy mô 13 ha, trong đó diện tích bến bãi hơn 10ha và gần 3ha khu nước trước bến, chiều dài 270m với tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng. Đây là cảng tổng hợp và các dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng tải đến 50 ngàn tấn ra vào.

Việc xây dựng bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 và là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng. Dự báo đến năm 2020, lượng hàng qua Cảng Chân Mây sẽ đạt 7,4 triệu tấn/năm.

Trước đó, ngày ngày 16/5/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 31221000061 cho Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đầu tư bến số 3 Cảng Chân Mây. Theo đó, công ty đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và các dịch vụ hậu cần cảng đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng đến 50.000 DWT ra vào làm hàng với quy mô dự án hơn 13 ha; trong đó diện tích bến bãi hơn 10 ha, chiều dài bến 270m, tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý IV năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018.

Năm 2003, Cảng Chân Mây chỉ có 9 tàu cập cảng và 12 ngàn tấn hàng xếp dỡ khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về tương lai của nó.Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau - năm 2005, Cảng Chân Mây tiếp nhận 145 tàu, trong đó có 42 tàu quốc tế với 6 tàu du lịch; sản lượng hàng xếp dỡ trên 310 ngàn tấn và trên 2.500 khách lên bờ. Năm 2009, trong bối cảnh nền kinh tế chung bị suy giảm, Cảng Chân Mây đón 233 tàu, trong đó có 81 tàu quốc tế với 15 tàu du lịch; sản lượng hàng hóa xếp dỡ trên 1 triệu tấn và hơn 20.400 khách lên bờ.


Sự phát triển Cảng Chân Mây không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mà điều quan trọng nhất là góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong vùng kinh tế động lực của miền Trung. Mấy năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp của tỉnh và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình... đã chọn Cảng Chân Mây xuất nhập hàng hóa thay vì vào Cảng Đà Nẵng nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí vận tải. Hàng hóa trung chuyển đến Lào, Thái Lan qua Cảng Chân Mây cũng gần hơn so với vào cảng Đà Nẵng. Nhiều tàu du lịch cập cảng Chân Mây để đưa du khách cùng lúc đi tham quan các di sản văn hóa nhân loại tại Cố đô Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng...

VITIC tổng hợp
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 10
Số người truy cập: 4.380.956
Chung nhan Tin Nhiem Mang