Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Bộ Tài chính: Áp thuế tiêu thụ đối với đồ uống có đường phù hợp với bối cảnh thực tiễn

29/05/2023 03:17
 ĐỂ CẬP NHẬT THÔNG TIN PHÂN TÍCH, DỰ BÁO CHI TIẾT VỀ THỊ TRƯỜNG ĐỒ UỐNG VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, VUI LÒNG THAM KHẢO TẠI ĐÂY

Tại dự thảo hồ sơ xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng, trong đó có đồ uống có đường.

Đánh thuế đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng

Đề cập đến các căn cứ về cơ sở pháp lý để đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho biết, Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng gồm: “rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về… xây dựng chính sách, cơ chế tài chính bao gồm cả việc chi trả của bảo hiểm y tế cho các hoạt động dinh dưỡng trong cơ sở y tế và trường học; xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế TTĐB với đồ uống có đường…”; đồng thời, Quyết định số 155/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 đã giao Bộ Tài chính "nghiên cứu đề xuất mức thuế phù hợp đối với các sản phẩm đồ uống có đường, các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe và các sản phẩm kinh doanh có điều kiện để hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe”.

Bộ Tài chính cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB: Năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Trong ASEAN có 6/10 nước (Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar) đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường và hiện Indonesia đang xem xét áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng này.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), trước đây, chúng ta đã từng đặt ra vấn đề cần đánh thuế TTĐB các sản phẩm này, tuy nhiên, sau khi cân nhắc đã xem xét lại thời gian áp dụng để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Đến thời điểm hiện nay, sức khoẻ cộng đồng thay đổi cùng với chế độ dinh dưỡng được chú trọng, trong đó hướng đến hạn chế những đồ ăn, đồ uống có hại cho sức khoẻ, đảm bảo sức khoẻ lành mạnh, an toàn. Vì vậy, vấn đề hạn chế các sản phẩm có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, trong đó có đồ uống có đường tiếp tục được đề cập đến.

Nhấn mạnh thuế TTĐB là loại thuế mang tính chất riêng với mỗi quốc gia tại mỗi thời điểm nhất định nhằm điều tiết ở mức hợp lý, định hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm đó, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc nghiên cứu đưa sản phẩm nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong dự án Luật thuế TTĐB lần này là phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.

Xác định thời điểm, mức độ và cách đánh thuế phù hợp

Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý. “Đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm mức tiêu thụ nước ngọt có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm. Nếu áp dụng thuế TTĐB, sản lượng có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên, nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng. Hơn nữa, về bản chất thuế TTĐB là đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng. DN chỉ là người nộp hộ, nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng, thì các DN trong ngành ít chịu các tác động khác”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh. Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, vấn đề quan trọng là DN sản xuất, kinh doanh đồ uống có đường phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án để thích ứng với các chính sách mới trong lĩnh vực này; còn cơ quan quản lý phải đưa ra thời điểm và mức độ, cũng như cách đánh thuế sao cho phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, chính sách thuế TTĐB với đồ uống có đường cần nghiên cứu các mức thuế phù hợp, hài hoà, thống nhất với các chính sách thuế khác có liên quan. “Hiện nay, chúng ta có thể áp dụng cơ chế thuế theo tỷ lệ % trên giá bán, hoặc theo số lượng trên 1 lon, 1 lít. Bên cạnh đó, có thể áp dụng theo phương pháp thuế hỗn hợp, tức là áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % và phương pháp tính thuế tuyệt đối, ví dụ như 1 lít thì sẽ có thuế cố định tuyệt đối là bao nhiêu và tỷ lệ % là bao nhiêu... Đồng thời, có thể lựa chọn các sản phẩm đánh các mức thuế khác nhau theo mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Ví dụ như dòng sản phẩm có tác động lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì đánh mức thuế cao hơn các dòng sản phẩm có mức độ ảnh hưởng thấp hơn”, bà Cúc cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, trên thế giới hiện có một số cách thức đánh thuế khác nhau, như đánh thuế theo tỷ lệ %, theo dung tích, theo hàm lượng hoặc theo ngưỡng đường trong đồ uống. Mỗi phương thức có ưu, nhược điểm khác nhau. Theo đó, việc thiết kế chính sách thuế theo ngưỡng đường sẽ mang lại kết quả hài hòa, khi đó chính sách thuế - với tư cách là công cụ điều tiết của Nhà nước sẽ góp phần làm cho thị trường cân bằng hơn, tức là sản lượng đồ uống có đường sẽ không tăng hoặc giảm đi chút ít. Người dân giảm tiêu thụ đồ uống nhiều đường và tăng tiêu thụ đồ uống không đường, ít đường, qua đó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dân.

Theo các chuyên gia, vấn đề điều tiết tiêu dùng không chỉ phụ thuộc vào chính sách thuế mà còn phụ thuộc vào các biện pháp khác (như quy định xử phạt hành chính); cần tuyên truyền, giáo dục để người dân thấy được tác hại của đồ uống có đường. Theo đó, ngoài biện pháp thuế, Nhà nước cũng nên tiến hành các biện pháp bổ trợ khác như quy định công bố hàm lượng đường ở nhãn bao bì, cảnh báo mức độ đường với thông tin rõ rệt để người dân lựa chọn; cấm quảng cáo và tiến hành các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức cho nguời tiêu dùng, thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh, nhằm ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh lý khác do sử dụng quá nhiều đường gây ra. Việc kết hợp các biện pháp khác cùng với việc đánh thuế sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.

Hoài Anh
Link gốc

ĐỂ CẬP NHẬT THÔNG TIN PHÂN TÍCH, DỰ BÁO CHI TIẾT VỀ THỊ TRƯỜNG ĐỒ UỐNG VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, VUI LÒNG THAM KHẢO TẠI ĐÂY

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 4.343.521
Chung nhan Tin Nhiem Mang