Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Hàng Việt còn nhiều dư địa sang Hoa Kỳ

04/07/2024 14:12

Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG THAM KHẢO TẠI ĐÂY

-------------------------

Máy vi tính; điện thoại, linh kiện; máy móc, thiết bị, phụ tùng; hàng dệt may; giày dép… từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch vài chục tỷ USD mỗi năm và còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Hàng hóa sản xuất từ Việt Nam xuất đi Hoa Kỳ từ đầu năm đến nay tăng mạnh, đạt mức tăng cao nhất trong các thành viên khu vực ASEAN, cao gấp đôi Thái Lan và Singapore.

Đi qua nửa đầu năm 2024, đã có xấp xỉ 55 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ, với mức tăng trưởng cao nhất, tăng gần 26% so với cùng kỳ, dẫn đầu và vượt xa mức tăng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc…

Cụ thể, Việt Nam có 8 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm, trong đó, máy tính, linh kiện vượt 10 tỷ USD.

Trong danh sách những mặt hàng được Hoa Kỳ nhập nhiều từ Việt Nam 6 tháng qua, ngoài máy tính, điện thoại, còn có máy móc, thiết bị, phụ tùng, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ giảm khoảng 13 tỷ USD so với năm 2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, nhưng vẫn có 97 tỷ USD hàng Việt được xuất bán sang thị trường này. Trong đó, chỉ riêng nhóm hàng điện tử xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã lên tới 25 tỷ USD trong năm qua. Đặc biệt, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu duy nhất vượt 100 tỷ USD/năm.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: “Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm nay chiếm 33% trong tổng xuất khẩu của ASEAN sang Hoa Kỳ”.

Đáng nói, nhiều chính sách của Hoa Kỳ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng Việt. Các nhà cung ứng Việt Nam được lợi từ chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường. Dữ liệu cho thấy, trong năm 2023, điện thoại thông minh từ Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 10%, trong khi mặt hàng này được nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần, hay máy tính xách tay từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gấp 4 lần.

Còn nhiều dư địa tăng trưởng

Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) từng chia sẻ, ngay sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại của các doanh nghiệp trong nước hỏi về cơ hội, triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Theo ông Dương, khi quan hệ giữa 2 nước được nâng cấp, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, kéo theo các công ty của nước thứ 3 cũng đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, y tế, dầu khí, năng lượng..., tạo dư địa cho phát triển trong thời gian tới. Chính vì vậy, với góc nhìn của mình, ông Dương cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong ngắn hạn sẽ không tạo ra hiệu ứng đột biến, nhưng trong dài hạn sẽ tăng.

Lúc này, nhiều doanh nghiệp Việt và cả doanh nghiệp Hoa Kỳ đều chờ đợi Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, để khơi thông những “điểm nghẽn” cho trao đổi thương mại hàng hóa, nhất là việc hàng Việt dễ bị áp thuế cao trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng đánh giá: “Khi Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ làm thay đổi lớn về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khác xa so với khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, gây ra nhiều trở ngại và rào cản trong các mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư”.

Theo đó, hàng loạt hàng hóa, từ con tôm, sản phẩm gỗ, đến hàng dệt may, lốp xe… sẽ thêm cơ hội khi cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ, hàng hóa Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ giảm các loại thuế chống bán phá giá.

Mặt khác, người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi nhiều hơn, khi được tiếp cận nguồn hàng chất lượng từ Việt Nam với mức giá phải chăng.

Hiện diện tại Việt Nam từ năm 1995, Cargill - tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi của Hoa Kỳ cho hay: “Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với Cargill. Cargill từ lâu đã ủng hộ việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đặc biệt khi xét đến những tác động đối với các ngành công nghiệp trọng điểm như nuôi trồng thủy sản”.

Thực tế, việc Việt Nam bị xếp là nền kinh tế phi thị trường những năm qua đã dẫn đến việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá đáng kể với các mặt hàng như cá tra, tôm, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của Cargill với các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ.

“Việc công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ kích thích sản xuất và dịch vụ trong các ngành mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, trong đó có nông sản. Điều này sẽ thúc đẩy sự hợp tác kinh tế lớn hơn giữa các quốc gia”, đại diện Cargill chia sẻ.

Có thể thấy, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào năm 1994 và 2 nước nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Gần 30 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cục Thương mại quốc tế (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) nhận định: “Nguồn vốn FDI lớn vào Việt Nam những năm qua đã giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn. Năm năm qua, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 230%, trong khi giá trị nhập khẩu tăng hơn 175%”.

Cơ hội cho hàng Việt sang Hoa Kỳ vẫn còn lớn khi nước này tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng và ưu tiên thị trường ASEAN. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất xuất khẩu quan trọng, từ hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đến nông, lâm, thủy sản.

Vấn đề của các nhà cung ứng Việt Nam là bắt nhịp với xu hướng mới của các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Hoa Kỳ, chuẩn hóa sản xuất theo hướng xanh hóa, cắt giảm phát thải trong sản xuất, lưu trữ dữ liệu hàng hóa xuất khẩu để chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ trong các vụ việc phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ

Link gốc

 
(1)  Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các mặt hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(3) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(4) Thông tin hoạt động Logistics trong XUẤT KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(5) Thông tin hoạt động Logistics trong NHẬP KHẨU năm 2023 và quý 1/2024, phân tích sâu một số mặt hàng tiêu biểu, vui lòng xem TẠI ĐÂY
 
(6) Báo cáo nghiên cứu thị trường Halal logistics và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 24
Số người truy cập: 6.018.052
Chung nhan Tin Nhiem Mang