Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Tăng sức cạnh tranh hàng Việt: Cần những giải pháp tổng thể

02/09/2024 16:15

Báo cáo: Phân tích các lợi thế và định hướng phát triển ngành giao nhận, chuyển phát nhanh của Trung Quốc năm 2024, kinh nghiệm và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY

----------

Thông qua hàng loạt tổng kho ngoại quan sát biên giới, doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đưa hàng hóa vào Việt Nam khiến hàng Việt chịu sức ép không nhỏ.

Áp lực giao hàng nhanh, chi phí thấp

Thường xuyên mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, anh Lê Hiệp (Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mua hàng từ Trung Quốc về đến Hà Nội chỉ mất khoảng 3-4 ngày, nếu áp được mã giảm giá (tùy từng cửa hàng) thì chi phí vận chuyển 0 đồng, với những đơn hàng bình thường, phí vận chuyển dao động trong khoảng 16-30 nghìn đồng/đơn. Anh Lê Hiệp nhẩm tính, nếu mua hàng từ Trung Quốc, chi phí vận chuyển thậm chí còn rẻ hơn cả mua hàng từ TP. Hồ Chí Minh chuyển ra Hà Nội.

Có thể thấy, thông qua hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới phía Bắc và các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng Việt. Đáng chú ý, hàng Trung Quốc phong phú, đa dạng, giá rẻ, giao nhanh, cước vận chuyển thấp… đang gây áp lực rất lớn đến các công ty Việt Nam và hàng Việt.

Số liệu từ Metric - một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu thương mại điện tử - cho thấy doanh số quy mô năm sàn thương mại điện tử nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 143.900 tỉ đồng, tăng trưởng 54,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này lại sụt giảm gần 7% so với sáu tháng cuối năm 2023.

Mức tăng trưởng chung trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng áp đảo của hai sàn Shopee và TikTok Shop. Và đây cũng là hai sàn có tăng trưởng về doanh số, trong khi 3 sàn còn lại "đi lùi". Cụ thể, doanh số 6 tháng đầu năm nay của TikTok Shop tăng tới 150,5% so với cùng kỳ, Shopee ghi nhận mức tăng gần 66%. Trong khi đó Lazada, Tiki, Sendo lần lượt giảm gần 44%, 48% và 70%.

Nói về “làn sóng” hàng Trung Quốc giá rẻ như hiện nay nhờ vào lợi thế xây dựng hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đã đưa một dẫn chứng trên sàn thương mại điện tử Shopee, đó là cùng một loại sản phẩm, nếu mua thương hiệu của Việt Nam sẽ có mức giá là 300.000 đồng, còn giá hàng Trung Quốc chỉ có 95.000 đồng, trong khi thời gian giao hàng là tương đương nhau.

Với mức giá chênh lệch cao như vậy, chưa kể hàng Trung Quốc được vận chuyển đến tay người tiêu dùng khá nhanh và còn có thể miễn phí giao hàng với một số mặt hàng cần được giải phóng tồn kho nhanh, hàng Việt đang chịu sức ép cạnh tranh từ “làn sóng” hàng Trung Quốc giá rẻ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Lào Cai tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc lần thứ 10, cơ quan này đánh giá hệ thống logistics và hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phía Trung Quốc đang rất phát triển. Qua các chuyến khảo sát và thông tin từ phía Trung Quốc, Sở Công Thương Lào Cao cho biết tỉnh Vân Nam đã hình thành Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu) và ở một số cửa khẩu khác dọc trên tuyến biên giới Việt - Trung.

Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu), phân khu Hồng Hà cách cửa khẩu đường bộ Hà Khẩu (Cửa khẩu số I) 3 km. Tổng diện tích sử dụng đất, diện tích xây dựng lên tới 660.000 m2. Tổng mức đầu tư là 3,68 tỷ nhân dân tệ (tương đương 525 triệu USD).

Sở Công Thương Lào Cai cho biết các kho hàng, trung tâm thương mại điện tử tại khu vực biên giới này có chức năng: thu gom trong nước và phân phối ở nước ngoài; cung cấp chức năng giao hàng trực tuyến, livestreams bán lẻ… cung cấp dịch vụ khai báo, kiểm tra, khai báo đặt hàng; gửi bưu kiện trong nước đi nước ngoài, tiếp nhận, mở các bưu kiện nước ngoài, trung chuyển các bưu kiện quá cảnh...

Vì vậy, Sở Công Thương Lào Cai nhận định, thời gian tới hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc được nhập khẩu thông qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Không để mất chỗ đứng trên sân nhà

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C (mô hình doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng cuối cùng) của Việt Nam có thể đạt 650.000 tỉ đồng vào năm 2024. Trong đó, năm sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310.000 tỉ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Trước bối cảnh các công ty Trung Quốc triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với Việt Nam, đây là thách thức lớn cho các doanh nghiệp nội địa trong việc cải thiện tốc độ giao hàng, giá cước vận chuyển.

Trước thực tế này, theo bà Vũ Kim Hạnh, Nhà nước cần phối hợp cùng với các doanh nghiệp để tìm ra những cách thức để giải quyết vấn đề cạnh tranh sống còn nêu trên. Bên cạnh đó, cần xác định thế mạnh của hàng Việt Nam khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ Trung Quốc là nằm ở đâu.

Về phía doanh nghiệp trong nước bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, thì cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới hiệu quả hơn.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc Vinamit -cho rằng, các doanh nghiệp không nên hoang mang mà cần tìm giải pháp ứng phó để đứng vững và không mất lợi thế cạnh tranh. Trước hết, các doanh nghiệp Việt phải nghĩ tới các kho ngoại quan tại các tỉnh, thành lân cận và cả chính kho ngoại quan của Trung Quốc để có thể tận dụng, xâm nhập vào thị trường của họ.

Các chuyên gia cũng nhận định, để hàng Việt cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ ngay trên “sân nhà” đang buộc các doanh nghiệp trong nước sẽ phải có những thay đổi lớn hơn nữa. Nhất là trong cách thức bán hàng theo các công nghệ mới nổi. Cùng với đó đẩy mạnh hệ thống logistics thì chắc chắn hàng Việt vẫn sẽ có chỗ đứng.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ mở rộng quy mô kho hàng tại nước ngoài nhằm thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Cụ thể, vào tháng 6/2024 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với các Bộ ngành liên quan ban hành "Ý kiến mở rộng xuất khẩu thương mại điện tử qua biên giới, thúc đẩy xây dựng kho hàng ở nước ngoài".

Số liệu cho thấy, hiện nay Trung Quốc đã xây dựng hơn 2.500 kho hàng ở nước ngoài, diện tích hơn 30 triệu mét vuông. Dữ liệu mới nhất do Tổng Cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, nửa đầu năm 2024, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đạt 1,22 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 10,5% so với cùng kỳ, cao hơn tổng mức tăng ngoại thương của Trung Quốc là 4,4% trong cùng kỳ. Từ 1,06 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2018 đến 2,38 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2023, trong 5 năm, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng 1,2 lần.

Link gốc

THÔNG TIN THAM KHẢO VỀ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH HÀNG, LOGISTICS

(1) Báo cáo Nghiên cứu thị trường: Cập nhật chính sách, quy định và các xu hướng mới tác động đến giao thương với thị trường Trung Quốc (giai đoạn 2019-2024 và dự báo), vui lòng xem TẠI ĐÂY

(2) Báo cáo: Phân tích các lợi thế và định hướng phát triển ngành giao nhận, chuyển phát nhanh của Trung Quốc năm 2024, kinh nghiệm và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 17
Số người truy cập: 6.257.982
Chung nhan Tin Nhiem Mang