Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Tình hình thương mại trong 11 tháng đầu năm và giải pháp

08/12/2017 09:35
1. Xuất nhập khẩu
Hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó nhập khẩu được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn.
Về cán cân thương mại, trong tháng 11/2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD; đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

1.1. Xuất khẩu
1.1.1. Về  nhóm hàng xuất khẩu
a) Nhóm hàng nông sản, thủy sản
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,5 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 16,9% so với cùng kỳ.
* Xuất khẩu thủy sản: Xuất khẩu 11 tháng năm 2017 ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản.
* Xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 2,5 tỷ USD, tăng 24,9%.
Đáng chú ý là mặc dù gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng trưởng mạnh (11 tháng tăng 24,1% về lượng và 24,9% về trị giá so với cùng kỳ 2016) do tác động của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo tại một số nước giảm qua đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như: Trung Quốc, Malaysia, Philippin, Hàn Quốc…, đặc biệt việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như:  Bangladesh, Irắc… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng trong năm nay.
Cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu. Trong đó, lượng gạo thơm xuất khẩu tăng mạnh do Irắc đẩy mạnh nhập khẩu với 30 nghìn tấn gạo thơm và Ả Rập Xê út nhập khẩu 18,78 nghìn tấn gạo thơm của Việt Nam. Tương tự, gạo lứt xuất khẩu tăng là do Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu với 12 nghìn tấn gạo lứt trong tháng 10/2017.
b) Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ, chiếm 2,0% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của cả 4 mặt hàng than đá, dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản khác đều đạt mức tăng trưởng dương.
c) Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 157,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch cao là:
* Mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại
Trong 11 tháng năm 2017, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu (tăng khoảng 16 tỷ USD so với 11 tháng năm 2016).
- Điện thoại các loại và linh kiện: đạt 41,29 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 9,7 tỷ USD.
- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: đạt 23,6 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 6,5 tỷ USD.
* Nhóm sản phẩm dệt may
- Xuất khẩu hàng dệt, may 11 tháng năm 2017 ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
- Xuất khẩu xơ sợi là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may với mức tăng trưởng mạnh 21,7% so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD).
* Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ: 11 tháng năm 2017, xuất khẩu gỗ ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2016.
1.1.2. Về thị trường xuất khẩu: Các thị trường xuất khẩu chính có mức tăng tương đối mạnh, thị trường Châu Á là thị trường cũ, tuy nhiên ước xuất khẩu 11 tháng có mức tăng khá với cùng kỳ năm 2016 (30,8%), chiếm tỷ trọng 52,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ.

1.2. Nhập khẩu
1.2.1. Theo nhóm hàng
- Nhóm hàng cần nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 170,63 tỷ USD, chiếm 89,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
- Nhóm hàng cần kiểm soát: Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 11,16 tỷ USD, chiếm 5,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 7,9% so với cùng kỳ.
1.2.2. Về thị trường nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng năm 2017 tăng đáng kể so với cùng kỳ, xấp xỉ 21%, thị trường Châu Á có mức tăng mạnh 22,2% và chiếm 81% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Như vậy, với mức tăng trưởng lên tới 21,1%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta sau 11 tháng năm 2017 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017. Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Dự kiến cả năm 2017, xuất khẩu sẽ vượt qua mốc dự kiến 202 tỷ USD và có thể sẽ đạt trên 210 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với năm 2016).

2. Thương mại nội địa
Nhìn chung cả nước công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo; Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 ước đạt 344.809 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 10 nhưng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 3.600.658 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2016. 
Dự báo thương mại nội địa trong những tháng cuối năm:
- Tình hình sản xuất các mặt hàng nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm thiết yếu gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh. Dự báo giá cả của nhóm hàng sẽ tăng nhẹ trong tháng 12.
- Một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý giá tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình. Trong tháng cuối năm, sức mua sẽ tăng trưởng cao hơn những tháng đầu năm do chuẩn bị cho lễ tết...; các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, các hoạt động hưởng ứng "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam" tiếp tục được triển khai rầm rộ hơn, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được thực hiện... 
Với các yếu tố như trên, dự báo diễn biến thị trường năm 2017 về cơ bản giữ được ổn định, cung cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Theo đó, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 10-11% so với năm 2016.

Bộ Công Thương
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 4.281.259
Chung nhan Tin Nhiem Mang