Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Báo cáo: Logistics trong ngành dệt may- Điểm nút cần tháo gỡ

23/10/2017 16:46
 
1. Đặc điểm ngành dệt may Việt Nam: 

1.1. Ngành sợi
Doanh nghiệp dệt trong nước chủ yếu sử dụng các loại sợi bông và bông pha (chải thô và chải kỹ), PE, sợi filament. Các loại sợi khác như lên, đay, lanh, visco được sử dụng ít hơn. Trong đó sợi bông và bông pha (chải thô và chải kỹ) sản xuất trong nước đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của doanh nghiệp, sợi PE phát triển nhanh và từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, sợi filament chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất sợi phát triển trong khi dệt – nhuộm hoàn tất kém phát triển vì vậy doanh nghiệp phải xuất khẩu sợi với số lượng lớn.
1.2. Ngành dệt
- Dệt thoi: Hiện sản phẩm dệt thoi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu cần thiết để phục vụ may xuất khẩu. Nhìn chung các doanh nghiệp lĩnh vực dệt thoi chỉ có trình độ công nghệ ở mức trung bình khá; sản phẩm vải dệt thoi trong nước có sản lượng thấp; chủng loại chưa đa dạng; chất lượng thấp và không ổn định về độ đồng màu và độ bền màu của vải nhuộm; giá cả chưa cạnh tranh.
- Dệt kim: Vải dệt kim chủ yếu sử dụng để may áo T-shirt, Polo-shirt, quần áo lót với các kiểu dệt single, dệt trơn và dệt biến đổi. Đây là nhóm sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất tính theo cả khối lượng và giá trị. Đối với vải dệt kim tròn, tỷ lệ cung cấp cho may xuất khẩu đạt từ 65 đến 70%. Các mặt hàng dệt kim phẳng như màn tuyn, rèm chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Sự tăng trưởng mạnh về sản lượng vải dệt kim trong thời gian gần đây là do có sự đầu tư mạnh từ các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này chủ yếu cung cấp vải trực tiếp cho các nhà máy  may sản xuất hàng xuất khẩu đi Mỹ, EU. Về sản xuất vải không dệt, tổng công suất trong nước hiện nay khoảng 10.000 tấn/năm.
1.3. Nhuộm và hoàn tất
Hiện trình độ công nghệ trong ngành dệt nhuộm Việt Nam chậm hơn các nước trong khu vực khoảng từ 15 đến 20 năm. Do công đoạn nhuộm và hoàn tất của Việt Nam còn kém phát triển nên các doanh nghiệp phải xuất vải mộc chưa qua nhuộm và hoàn tất, sau đó lại nhập khẩu vải đã qua xử lý về để sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phần lớn sản phẩm dệt trong nước đều phải xuất khẩu mà không được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
1.4. sản xuất phụ liệu dệt may
Sản phẩm chủ yếu là kim, chỉ, mếch, cúc, khóa, băng chun, nhãn… Hiện chỉ may đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước, nhiều doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nước ngoài) đã mua 100% chỉ may trong nước để phục vụ sản xuất. Sản xuất phụ liệu dệt may là lĩnh vực được chú trọng thu hút đầu tư nhưng hiện sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Các loại khuy, cúc, mex và khóa kéo phải nhập khẩu với số lượng lớn và nguồn cung chủ yếu là Trung Quốc.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU cũng chưa được 27 nước thành viên EU thông qua. Thêm vào đó, giá sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện phải chịu chi phí đầu vào cao hơn một số nước trong khu vực, bao gồm chính sách tiền lương, BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH và BHYT cao hơn các nước trong khu vực 2,5 lần. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách chống bán phá giá sợi màu, sợi polyester của một số nước. Trong bối cảnh khó khăn đó, các nhà máy dệt sợi, nhuộm, may của Việt Nam đều đã áp dụng các mô hình quản lý hiện đại. Qua đó giúp ngành dệt may Việt Nam tăng năng suất lao động lên mức tương đối cao so với các nước. Hiện sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có thể cạnh tranh được về giá, thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm với các nước. Do đó, trong chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2017 - 2025, ông Giang khẳng định xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 100 - 110 tỷ USD vào năm 2025.
Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng lên rất nhiều. Cụ thể, trước đây, DN Việt Nam chủ yếu làm gia công dựa trên cơ sở khách hàng đưa mẫu đến để DN Việt Nam tính toán định mức, giá thành sau đó chào ngược trở lại. Nhưng hiện nay phương thức gia công không còn nhiều nữa, thay vào đó hình thức FOB và ODM ngày càng tăng. 

2. Logistics phục vụ ngành dệt may: 
Trong số các ngành công nghiệp nhẹ, ngành dệt may Việt Nam có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn. Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2017 ước khoảng 30 tỷ USD; trong đó, chi phí logistics chiếm 9,1%, khoảng 2,7 tỷ USD.

Hoạt động logistics đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh trạnh của doanh nghiệp thông qua các tiêu chí như: giảm thời gian lưu thông hàng hóa tăng độ tin cậy và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các tiêu chí trên có thể được cải thiện tốt hơn nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may. nếu doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hợp tác với nhau sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của cả hai phía. Tuy nhiên nếu muốn hợp tác tốt, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu về hoạt động các điểm mạnh, điểm yếu để bổ sung cho nhau trên tinh thần thiện chí cùng có lợi.  Môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp giảm mặt bằng giá thành và tăng chất lượng dịch vụ, trong khi vẫn đảm bảo sự phát triển chung của các doanh nghiệp logistics nội địa. Bên cạnh đó việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ gắn kết tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển dịch vụ logistics.
Đặc thù của ngành dệt may là nhập nguyên phụ liệu và xuất thành phẩm, do vậy doanh nghiệp có thể kết hợp giữa dịch vụ logistics cho hàng nguyên phụ liệu nhập về với hàng xuất đi. Sự kết hợp này sẽ giúp giảm giá cước, thời gian và về các thủ tục khác.
Cần nhấn mạnh rằng, đối với ngành dệt may nói riêng và với nhiều ngành công nghiệp khác, giảm được chi phí và tăng khả năng giao hàng đúng hạn, mang lại tiện lợi cho khách hàng trong quá trình giao dịch. 

Logistics trong nội bộ doanh nghiệp: Chìa khóa nằm ở áp dụng các tiêu chuẩn quản lý

Khảo sát ngành cho thấy hầu hết các DN trong ngành đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2000; hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; hệ thống trách nhiệm xã hội SA8000, quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025... Gần đây, nhiều DN thành công trong áp dụng tích hợp 3 hệ thống: ISO 9001-2000, ISO 14000, SA 8000, như: May Đức Giang,  Hưng Yên, Thắng Lợi... Việc áp dụng hệ thống quản lý đã giúp DN tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.Đối với hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và phương pháp thử, phần lớn DN dệt may xuất khẩu sử dụng tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng. Đó là các tiêu chuẩn quốc tế đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới: Tiêu chuẩn châu Âu (EN); tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM và AATCC); tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS)... Việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn trên đã giúp cho công tác quản lý chất lượng tại các đơn vị đi vào nền nếp, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, DN không ngừng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Có thể kể đến dây chuyền sản xuất vải Denim của Tổng công ty Dệt may Hà Nội; dây chuyền kéo sợi của Công ty CP Sợi Phú Bài; dây chuyền may Comple của Tổng công ty May Nhà Bè... Các dây chuyền, nhà máy sau khi đi vào hoạt động đã sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thêm nữa, nhiều phần mềm phục vụ công tác thiết kế sản phẩm như: Gerber, Lectra, Nedgraphics, EAT... đã được mua và phát triển để phục vụ công tác thiết kế, quản lý.



VITIC tổng hợp và phân tích
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 9
Số người truy cập: 5.945.008
Chung nhan Tin Nhiem Mang