Chiến lược "Vành đai- Con đường và dự báo các tác động
20/10/2017 15:46
(Phân tích)
1. Giới thiệu chung về chiến lược "Vành đai- Con đường"
Năm 2013, Trung Quốc khởi xướng sáng kiến “Vành đai – Con đường” theo tuyến Con đường tơ lụa xưa. Toàn bộ “Vành đai - Con đường” kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Riêng Con đường Tơ lụa trên biển kết nối bờ biển Trung Quốc với châu Âu qua Biển Đông, Ấn Độ Dương và đi từ bờ biển Trung Quốc qua Biển Đông ra Nam Thái Bình Dương. Dự án tập trung vào xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đường ống dẫn dầu, đường dây điện, và hệ thống viễn thông để tăng cường kết nối liên khu vực. Sáng kiến này được thực hiện đúng thời điểm biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia lớn nên đang tạo ra sự xoay trục đáng kể trong thương mại toàn cầu.
Từ năm 2016, Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sáng kiến khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại Mỹ (Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP) và châu Âu (Brexit). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngoài những mục tiêu về ngoại giao và an ninh chiến lược, động cơ chính của kế hoạch này vẫn là kinh tế. Trung Quốc đã rơi vào tình cảnh dư thừa công suất ở một số ngành công nghiệp chủ lực và năng lực cạnh tranh suy giảm (giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, vị thế công xưởng của thế giới bị chia sẻ với một số địa chỉ mới như Ấn Độ hay các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam) kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm sút. Việc đẩy mạnh triển khai sáng kiến "Vành đai - Con đường" có thể giúp Trung Quốc giải quyết những vấn đề trên. Đặc biệt khi việc hợp tác với các quốc gia thuộc tầm ảnh hưởng của sáng kiến sẽ đi kèm với các khoản vay có điều kiện sử dụng nhân công và vật tư từ Trung Quốc. Phát triển cơ sở hạ tầng cũng là lĩnh vực sẽ giúp giải tỏa phần dư công suất của Trung Quốc đối với nhiều ngành công nghiệp nặng, vốn trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Với quy mô bao trùm khoảng 60 quốc gia trải dài từ khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, châu Phi và châu Âu, sáng kiến "Vành đai - Con đường" cũng sẽ mở ra một thị trường thương mại rộng lớn cho Trung Quốc - quốc gia đang tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới thay thế cho sự suy giảm từ các khu vực phát triển như Bắc Mỹ hay châu Âu. Đồng thời, với vị thế là quốc gia giữ vai trò chủ chốt của sáng kiến, Trung Quốc cũng dễ dàng hình thành các vành đai kinh tế, cộng đồng kinh tế chung dọc theo "Con đường tơ lụa" mới. Tại đó, Trung Quốc là nước sẽ áp đặt các "quy tắc".
Kế hoạch này được đánh giá là nhiệm vụ "trọng tâm của trọng tâm" của các lãnh đạo tại quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế. Trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 13, Trung Quốc đã xác định 3 định chế tài chính đa phương sẽ tham gia vào công cuộc này là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ (Silk Road Fund - SF) và Ngân hàng phát triển mới (NDB). Deutsche Bank và China Development Bank dự định hợp tác đầu tư 3 tỷ USD trong 5 năm tới để hỗ trợ các dự án dọc theo Con đường Tơ lụa mới. Tổng giá trị các khoản hỗ trợ tài chính được công bố đã lên tới 124 tỷ USD. Trong khi đó, theo tính toán của một số tổ chức nghiên cứu, từ 2014 - 2016, các doanh nghiệp của Trung Quốc đã ký kết những dự án trị giá khoảng 305 tỷ USD ở các quốc gia nằm trong sáng kiến.
2. Tác động tới ASEAN
Sáng kiến này đã được chào đón ở hầu hết các nước ASEAN bởi kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Quan trọng nhất, đây có thể là nguồn vốn đáng kể để các chính phủ ASEAN phát triển cơ sở hạ tầng - hiện còn nghèo nàn và lỗi thời tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế. Theo một báo cáo của ADB, trong giai đoạn 2016–2030, các nước Đông Nam Á sẽ cần 2.759 tỷ USD, tương đương 5% GDP, cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Do vậy, việc tiếp cận các khoản đầu tư của Trung Quốc qua “Vành đai - Con đường” được các nước ASEAN đánh giá cao, đặc biệt là khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế còn hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu của khu vực.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế cho rằng các nước ASEAN không nên quá lạc quan về những lợi ích tiềm tàng của sáng kiến này bởi Trung Quốc rất có thể sẽ ràng buộc các khoản đầu tư “Vành đai - Con đường” với một số điều kiện nhất định. Do một trong những mục tiêu ngầm của “Vành đai - Con đường” là nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài, các nước nhận vốn sẽ phải sử dụng công nghệ, thiết bị, và nhà thầu của Trung Quốc cho các dự án do sáng kiến này cấp vốn. Ngoài ra, ASEAN có thể vẫn phải đối mặt với những rủi ro khác, như những rủi ro đe dọa đến sự thống nhất của ASEAN và khả năng phản ứng lại sự hung hăng trên biển của Trung Quốc trong tương lai. Ví dụ, khi cạnh tranh với nhau để giành các khoản vay “Vành đai - Con đường”, các nước trong khu vực có thể sẽ phải ký các thỏa thuận song phương với Trung Quốc nằm bên ngoài các cơ chế của ASEAN.
3. Tác động tới Việt Nam
Theo phân tích của giáo sư David M. Lampton - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế cao cấp (SAIS) thuộc trường Đại học Johns Hopkins, Việt Nam ít có lựa chọn khác ngoài việc tham gia vào sáng kiến, và sẽ rất bất lợi nếu không gia nhập "Vành đai" kéo dài từ Côn Minh, Lào, Thái Lan, Malaysia cho tới Singapore trên đất liền và "Con đường Tơ lụa" trên biển.
Chỉ trong 2 năm gần đây, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng tại các nước láng giềng của Việt Nam với Trung Quốc đã được thiết lập. Năm 2015, Lào và Trung Quốc đã tái khởi động xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn - Côn Minh dài 500km. Cuối năm 2015, Trung Quốc và Thái Lan chính thức khởi động dự án Bangkok - Nakkon với tổng chiều dài 873km. Khi dự án này hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thêm hai tuyến đường sắt kết nối Côn Minh và Singapore dọc theo các quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương. Hạ tầng giao thông được định hình có thể thúc đẩy sự phát triển của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia nhưng có thể làm giảm lợi thế của Việt Nam vì khi hệ thống cơ sở hạ tầng mới tạo ra tuyến giao thông thông suốt giữa Trung Quốc và Đông Nam Á mà không cần đi qua Việt Nam, vai trò cầu nối với khu vực Đông Nam Á sẽ bị giảm đi. Điểm yếu trong hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam là chủ yếu đẩy mạnh vào phát triển theo chiều dọc Bắc - Nam, trong khi việc xây dựng kết nối Đông - Tây với các nước láng giềng còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, nếu không tham gia, Việt Nam có khả năng cũng sẽ bỏ lỡ những khu vực kinh tế chung dọc theo tuyến "Con đường Tơ lụa", nơi được định danh sẽ là những thị trường thương mại trong tương lai với triển vọng tiềm năng.
Tuy nhiên, nếu tham gia vào sáng kiến này, tác động tới Việt Nam cũng cần bàn tới. Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là hiệu quả của các dự án do Trung Quốc thực hiện. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài hiện ở mức 600-650 tỷ USD, tuy nhiên nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc làm tổng thầu trên thế giới bị nghi ngờ về tính hiệu quả. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), từ năm 2009 đến 2016, có khoảng 15 dự án với tổng vốn đầu tư gần 68 tỷ USD của Trung Quốc đã bị các quốc gia từ chối do lo ngại về vấn đề môi trường, xã hội và sự thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu. Ngoài ra, việc vay vốn của Trung Quốc để đầu tư cơ sở hạ tầng đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc quản lý, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chi phí và xử lý các vấn đề môi trường, xã hội. Một số trường hợp điển hình như nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận hay tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
Theo Giáo sư Lampton, cơ hội của Việt Nam khi tham gia "Vành đai và Con đường" là điều chắc chắn, song Nhà nước cần nâng cao khả năng quản trị để tránh xảy ra những tình cảnh không thể quản lý được nguồn vốn với một số dự án từ Trung Quốc, đơn cử như các dự án cảng biển tại Sri Lanka hay Mozambique. Bên cạnh đó, gánh nặng nợ vay và bài toán nợ công với Việt Nam nếu tiếp tục gia tăng vay nợ để phát triển cơ sở hạ tầng là điều đáng ngại. Ngoài ra, áp lực trả nợ hàng năm lớn (mức lãi suất khoản vay bình quân từ Trung Quốc từ 4 đến 4,5% mỗi năm) cũng gây sức ép lên ngân sách, vốn đang căng thẳng do nguồn thu sụt giảm trong những năm gần đây.
VITIC tổng hợp và phân tích
Năm 2013, Trung Quốc khởi xướng sáng kiến “Vành đai – Con đường” theo tuyến Con đường tơ lụa xưa. Toàn bộ “Vành đai - Con đường” kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Riêng Con đường Tơ lụa trên biển kết nối bờ biển Trung Quốc với châu Âu qua Biển Đông, Ấn Độ Dương và đi từ bờ biển Trung Quốc qua Biển Đông ra Nam Thái Bình Dương. Dự án tập trung vào xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đường ống dẫn dầu, đường dây điện, và hệ thống viễn thông để tăng cường kết nối liên khu vực. Sáng kiến này được thực hiện đúng thời điểm biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia lớn nên đang tạo ra sự xoay trục đáng kể trong thương mại toàn cầu.
Từ năm 2016, Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sáng kiến khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại Mỹ (Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP) và châu Âu (Brexit). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngoài những mục tiêu về ngoại giao và an ninh chiến lược, động cơ chính của kế hoạch này vẫn là kinh tế. Trung Quốc đã rơi vào tình cảnh dư thừa công suất ở một số ngành công nghiệp chủ lực và năng lực cạnh tranh suy giảm (giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, vị thế công xưởng của thế giới bị chia sẻ với một số địa chỉ mới như Ấn Độ hay các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam) kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm sút. Việc đẩy mạnh triển khai sáng kiến "Vành đai - Con đường" có thể giúp Trung Quốc giải quyết những vấn đề trên. Đặc biệt khi việc hợp tác với các quốc gia thuộc tầm ảnh hưởng của sáng kiến sẽ đi kèm với các khoản vay có điều kiện sử dụng nhân công và vật tư từ Trung Quốc. Phát triển cơ sở hạ tầng cũng là lĩnh vực sẽ giúp giải tỏa phần dư công suất của Trung Quốc đối với nhiều ngành công nghiệp nặng, vốn trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Với quy mô bao trùm khoảng 60 quốc gia trải dài từ khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, châu Phi và châu Âu, sáng kiến "Vành đai - Con đường" cũng sẽ mở ra một thị trường thương mại rộng lớn cho Trung Quốc - quốc gia đang tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới thay thế cho sự suy giảm từ các khu vực phát triển như Bắc Mỹ hay châu Âu. Đồng thời, với vị thế là quốc gia giữ vai trò chủ chốt của sáng kiến, Trung Quốc cũng dễ dàng hình thành các vành đai kinh tế, cộng đồng kinh tế chung dọc theo "Con đường tơ lụa" mới. Tại đó, Trung Quốc là nước sẽ áp đặt các "quy tắc".
Kế hoạch này được đánh giá là nhiệm vụ "trọng tâm của trọng tâm" của các lãnh đạo tại quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế. Trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 13, Trung Quốc đã xác định 3 định chế tài chính đa phương sẽ tham gia vào công cuộc này là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ (Silk Road Fund - SF) và Ngân hàng phát triển mới (NDB). Deutsche Bank và China Development Bank dự định hợp tác đầu tư 3 tỷ USD trong 5 năm tới để hỗ trợ các dự án dọc theo Con đường Tơ lụa mới. Tổng giá trị các khoản hỗ trợ tài chính được công bố đã lên tới 124 tỷ USD. Trong khi đó, theo tính toán của một số tổ chức nghiên cứu, từ 2014 - 2016, các doanh nghiệp của Trung Quốc đã ký kết những dự án trị giá khoảng 305 tỷ USD ở các quốc gia nằm trong sáng kiến.
2. Tác động tới ASEAN
Sáng kiến này đã được chào đón ở hầu hết các nước ASEAN bởi kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Quan trọng nhất, đây có thể là nguồn vốn đáng kể để các chính phủ ASEAN phát triển cơ sở hạ tầng - hiện còn nghèo nàn và lỗi thời tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế. Theo một báo cáo của ADB, trong giai đoạn 2016–2030, các nước Đông Nam Á sẽ cần 2.759 tỷ USD, tương đương 5% GDP, cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Do vậy, việc tiếp cận các khoản đầu tư của Trung Quốc qua “Vành đai - Con đường” được các nước ASEAN đánh giá cao, đặc biệt là khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế còn hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu của khu vực.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế cho rằng các nước ASEAN không nên quá lạc quan về những lợi ích tiềm tàng của sáng kiến này bởi Trung Quốc rất có thể sẽ ràng buộc các khoản đầu tư “Vành đai - Con đường” với một số điều kiện nhất định. Do một trong những mục tiêu ngầm của “Vành đai - Con đường” là nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài, các nước nhận vốn sẽ phải sử dụng công nghệ, thiết bị, và nhà thầu của Trung Quốc cho các dự án do sáng kiến này cấp vốn. Ngoài ra, ASEAN có thể vẫn phải đối mặt với những rủi ro khác, như những rủi ro đe dọa đến sự thống nhất của ASEAN và khả năng phản ứng lại sự hung hăng trên biển của Trung Quốc trong tương lai. Ví dụ, khi cạnh tranh với nhau để giành các khoản vay “Vành đai - Con đường”, các nước trong khu vực có thể sẽ phải ký các thỏa thuận song phương với Trung Quốc nằm bên ngoài các cơ chế của ASEAN.
3. Tác động tới Việt Nam
Theo phân tích của giáo sư David M. Lampton - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế cao cấp (SAIS) thuộc trường Đại học Johns Hopkins, Việt Nam ít có lựa chọn khác ngoài việc tham gia vào sáng kiến, và sẽ rất bất lợi nếu không gia nhập "Vành đai" kéo dài từ Côn Minh, Lào, Thái Lan, Malaysia cho tới Singapore trên đất liền và "Con đường Tơ lụa" trên biển.
Chỉ trong 2 năm gần đây, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng tại các nước láng giềng của Việt Nam với Trung Quốc đã được thiết lập. Năm 2015, Lào và Trung Quốc đã tái khởi động xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn - Côn Minh dài 500km. Cuối năm 2015, Trung Quốc và Thái Lan chính thức khởi động dự án Bangkok - Nakkon với tổng chiều dài 873km. Khi dự án này hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thêm hai tuyến đường sắt kết nối Côn Minh và Singapore dọc theo các quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương. Hạ tầng giao thông được định hình có thể thúc đẩy sự phát triển của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia nhưng có thể làm giảm lợi thế của Việt Nam vì khi hệ thống cơ sở hạ tầng mới tạo ra tuyến giao thông thông suốt giữa Trung Quốc và Đông Nam Á mà không cần đi qua Việt Nam, vai trò cầu nối với khu vực Đông Nam Á sẽ bị giảm đi. Điểm yếu trong hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam là chủ yếu đẩy mạnh vào phát triển theo chiều dọc Bắc - Nam, trong khi việc xây dựng kết nối Đông - Tây với các nước láng giềng còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, nếu không tham gia, Việt Nam có khả năng cũng sẽ bỏ lỡ những khu vực kinh tế chung dọc theo tuyến "Con đường Tơ lụa", nơi được định danh sẽ là những thị trường thương mại trong tương lai với triển vọng tiềm năng.
Tuy nhiên, nếu tham gia vào sáng kiến này, tác động tới Việt Nam cũng cần bàn tới. Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là hiệu quả của các dự án do Trung Quốc thực hiện. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài hiện ở mức 600-650 tỷ USD, tuy nhiên nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc làm tổng thầu trên thế giới bị nghi ngờ về tính hiệu quả. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), từ năm 2009 đến 2016, có khoảng 15 dự án với tổng vốn đầu tư gần 68 tỷ USD của Trung Quốc đã bị các quốc gia từ chối do lo ngại về vấn đề môi trường, xã hội và sự thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu. Ngoài ra, việc vay vốn của Trung Quốc để đầu tư cơ sở hạ tầng đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc quản lý, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chi phí và xử lý các vấn đề môi trường, xã hội. Một số trường hợp điển hình như nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận hay tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
Theo Giáo sư Lampton, cơ hội của Việt Nam khi tham gia "Vành đai và Con đường" là điều chắc chắn, song Nhà nước cần nâng cao khả năng quản trị để tránh xảy ra những tình cảnh không thể quản lý được nguồn vốn với một số dự án từ Trung Quốc, đơn cử như các dự án cảng biển tại Sri Lanka hay Mozambique. Bên cạnh đó, gánh nặng nợ vay và bài toán nợ công với Việt Nam nếu tiếp tục gia tăng vay nợ để phát triển cơ sở hạ tầng là điều đáng ngại. Ngoài ra, áp lực trả nợ hàng năm lớn (mức lãi suất khoản vay bình quân từ Trung Quốc từ 4 đến 4,5% mỗi năm) cũng gây sức ép lên ngân sách, vốn đang căng thẳng do nguồn thu sụt giảm trong những năm gần đây.
VITIC tổng hợp và phân tích