Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Vietnamese English

Vận tải quốc tế năm 2017

25/12/2017 22:46
1. Tình hình chung: 
 
Cùng với sự phục hồi của thương mại thế giới, ngành vận tải quốc tế có điều kiện để sôi động hơn. Các tuyến thương mại tăng trưởng mạnh mẽ (hơn 5%) trong năm 2016 và trong thập kỷ qua bao gồm cả Việt Nam - Hoa Kỳ, đứng ở vị trí hàng đầu, tiếp theo là Uruguay - EU, Qatar - Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ - Hoa Kỳ,  Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất- Hoa Kỳ, Algeria - EU, Ni-gê-ri-a - EU và Băng-la-đét – EU, đồng thời cũng là những tuyến có hoạt động vận tải quốc tế có mức tăng trưởng tốt nhất. 
 
Tuy nhiên, đến tháng 12/2017, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn nhận định nguồn cung vận tải container có khả năng dư thừa và các doanh nghiệp vận tải có khả năng sẽ canhjtranh với nhau về giá khốc liệt hơn nữa. Giá cước vận tải đã bắt đầu giảm khi bước sang tháng 12/2017. Ví dụ mức giá cước vận tải từ Thượng Hải đến Los Angeles hiện là 1.078 USD/TEU, so với 2.211 USD/TEU vào tháng 1 năm nay.
 
Theo báo cáo của MarketLine (2017), doanh thu ngành vận tải toàn cầu đạt khoảng 4 nghìn tỷ USD vào năm 2017.
Các loại hình vận tải hàng hóa gồm đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt và vận tải đa phương thức và vận tải đường ống. 

 
2. Các loại hình vận tải chính: 

a) Đường bộ:
Vận tải đường bộ và logistics đường bộ chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường vận tải toàn cầu, chiếm hơn 74% về giá trị. MarketLine ước tính ngành vận tải hàng hóa đường bộ toàn cầu tăng 27% trong giai đoạn 2010-2015. Châu Mỹ chiếm 56% ngành vận tải đường bộ trên thế giới. Ngành vận tải đường bộ được đặc trưng bởi sự phân khúc và khả năng gia nhập thị trường dễ dàng hơn so với vận chuyển bằng các hình thức khác.

b) Đường biển:
Thị trường vận tải biển hàng hải toàn cầu dự kiến sẽ vượt 730 triệu TEU vào năm 2017. 
Tăng tỷ trọng container trong vận tải hàng hải cho phép các công ty cắt giảm chi phí vận tải một cách đáng kể, qua đó thúc đẩy thương mại toàn cầu. Hoạt động của thị trường logistics hàng hải được thúc đẩy bởi sự gia tăng thương mại, đầu tư vào các cơ sở hạng tầng cầu, cảng, bến bãi, tăng tần suất vận tải hàng hải toàn cầu và mạng lưới vận tải. Ngành này cũng sẽ tăng trưởng do nhu cầu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đang tăng ở Châu Á, thúc đẩy sự tăng trưởng trong việc vận tải hàng hoá lỏng và khí. Trong vận tải đường biển, các tuyến đường lớn nhất hiện là các tuyến kết nối các cảng của Hoa Kỳ với các điểm đến ở Trung Quốc. Cước vận tải biển EU - Trung Quốc giảm 4,8%. Các tuyến khác gồm EU - Ma-rốc (tăng 25,9%) có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số 10 tuyến hàng hải, sau đó là Hoa Kỳ - Mexico (tăng 12,1%), EU - Ả Rập xê út (tăng 12,1%) và Hoa Kỳ - Braxin (11,7%). Trong số 25 tuyến phát triển nhanh nhất, sự tăng trưởng chủ yếu do lượng ngũ cốc trồng cao hơn, với một vài ngoại lệ nổi bật. 
Trong nhiều năm, tăng trưởng vận tải biển toàn cầu toàn cầu được thúc đẩy bởi hoạt động trên tuyến chính Đông - Tây xuyên Thái Bình Dương và tuyến thương mại Á - Âu, phần nào phản ánh động lực từ hoạt động thương mại của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy vận tải hàng hóa container bằng đường biển nội khối và giữa các nước Nam - Nam vẫn chiếm tới 40%, trong khi tuyến Bắc - Nam chỉ đạt 13%.

c) Đường hàng không:
Thị trường vận tải hàng hóa ngành hàng không toàn cầu chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng trong giai đoạn 2013- 2016 so với giai đoạn 2007- 2011. Tuy nhiên, theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) năm 2017, doanh thu của ngành hàng không toàn cầu ước đạt khoảng 743 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Lợi nhuận của ngành sẽ đạt khoảng 31,7 tỷ USD. 
Nếu tính riêng vận tải hàng hóa đường hàng không, thì doanh thu năm 2017 ước đạt  khoảng 50 tỷ USD, vẫn thấp hơn so với mức trung bình 40 tỷ USD đã đạt được trong 5 năm đầu của thập niên này.
Các tuyến đường hàng không sôi động nhất nối từ EU hoặc Hoa Kỳ đến các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Braxin và Nam Phi. Tuyến EU - Ấn Độ có khả năng tăng trưởng hai con số (10,5%), tiếp theo là EU - Mexico (7,6%). Đối với tất cả các tuyến khác trong nhóm 10, tăng trưởng dự kiến sẽ ở mức thấp hơn, ví dụ EU - Brazil giảm 6,7%, Hoa Kỳ - Braxin giảm 11,6%. Tám tuyến hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất có nguồn gốc EU, gồm EU - Việt Nam (tăng 37,2%), EU – Pa-kix-tan (tăng 31,0%), EU - Colombia (tăng 18,7%), EU – O-man (tăng 14,4%) và EU - Ấn Độ (tăng 10,5%).
Vận chuyển hàng hóa đường hàng không của EU đến các thị trường mới nổi giảm 1,8% trong năm 2016, trong khi của Hoa Kỳ đến những thị trường tương tự giảm khoảng 6,3%. 

d) Đường sắt:
Vận tải đường sắt thế giới tăng trưởng khoảng 8% trong giai đoạn 2011-2016 và đạt khoảng 390 tỷ USD vào năm 2017. Logistics ngành đường sắt dự báo tăng trưởng trung bình 3,58%/năm giai đoạn 2017-2021.
Vận chuyển hàng hóa đường sắt có lợi thế cạnh tranh ở chỗ tiết kiệm 4,5 đến 6 lần nhiên liệu so với vận tải bằng xe tải và giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra các quốc gia cũng có động lực đầu tư cho vận tải đường sắt để giảm tắc nghẽn trong vận tải đường bộ, trung bình, một chuyến vận tải hàng hóa đường sắt có thể thay thế 45-50 xe tải hạng nặng trên đường.
Để khắc phục hạn chế lớn trong vận tải đường sắt về tính linh hoạt trong giao nhận hàng, các công ty logistics đang nỗ lực phát triển vận tải đa phương thức, kết hợp đường sắt với các phương thức vận tải khác.

e)  Vận tải đa phương thức:
Vận tải hàng hóa vận tải đa phương thức được dự báo là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất, gần 5% trong giai đoạn 2017-2021, nhờ các giải pháp hiệu quả về chi phí và khả năng vận chuyển các mặt hàng phức tạp. Nhu cầu vận tải đa phương thức đã thúc đẩy công ty logistics đầu tư các công nghệ liên ngành để có hiệu quả tốt hơn. Ví dụ, ngành Đường sắt quốc gia Canada đã thông báo đầu tư 250 triệu USD để phát triển trung tâm vận tải đa phương thức và hậu cần tại Milton, Ontario. Ngoài ra, CSX, một công ty vận tải ở Hoa Kỳ cung cấp các giải pháp logistics, đã phát triển các hệ thống theo dõi giúp các chủ hàng theo dõi các container đa phương thức từ nguồn đến đích.

 
VITIC tổng hợp
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 16
Số người truy cập: 5.358.048
Chung nhan Tin Nhiem Mang