Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Vietnamese English

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác, nạo vét, nâng cấp luồng hàng hải

22/12/2017 16:56
1. Khái niệm:

Theo Điều 4 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015, luồng hàng hải là  phần giới hạn vùng nước được xác định bởi hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình phụ trợ khác để bảo đảm an toàn cho hoạt động của tàu biển và các phương tiện thủy khác. Luồng hàng hải bao gồm luồng hàng hải công cộng và luồng hàng hải chuyên dùng.
Theo Thông tư 07/2015/TT-BGTVT, luồng hàng hải chuyên dùng là luồng nhánh cảng biển và luồng hàng hải khác được đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác phục vụ hoạt động của cảng chuyên dùng. Luồng hàng hải công cộng là luồng cảng biển được đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác phục vụ hoạt động chung của cảng biển.



2.Quy chuẩn kỹ thuật đối với luồng hảng hải:
Theo quy định mới áp dụng từ ngày 01 tháng 02 năm 2018, luồng hàng hải được tính từ vị trí của tâm rùa neo phao báo hiệu luồng hàng hải ra hai bên luồng được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật luồng hàng hải, cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 60 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng lớn hơn 210 m và cao độ đáy thiết kế lớn hơn 20 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào bề rộng luồng lớn hơn 230 m, cao độ đáy thiết kế lớn hơn 17 m;
b) Tối thiểu 50 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng từ 190 m đến 210 m và cao độ đáy thiết kế từ 16 m đến 20 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng từ 210 m đến 230 m, cao độ đáy thiết kế từ 14 m đến 17 m;
c) Tối thiểu 40 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng từ 140 m đến 190 m và cao độ đáy thiết kế từ 14 m đến 16 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng từ 150 m đến 210 m và cao độ đáy thiết kế từ 12 m đến 14 m;
d) Tối thiểu 30 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng từ 80 m đến 140 m và cao độ đáy thiết kế từ 8 m đến 14 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng từ 90 m đến 150 m và cao độ đáy thiết kế từ 7 m đến 12 m;
đ) Tối thiểu 20 m đối với luồng hàng hải có bề rộng luồng nhỏ hơn 80 m và cao độ đáy thiết kế nhỏ hơn 8 m ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng nhỏ hơn 90 m và cao độ đáy thiết kế nhỏ hơn 7 m.
 

3. Công tác quản lý khai thác, nạo vét, nâng cấp luồng hàng hải:
  1. Quản lý khai thác:
Để phát huy hiệu quả khai thác luồng hàng hải, ngày 08/10/2012 Bộ GTVT ra Thông báo số 528/TB-BGTVT về việc công bố luồng hàng hải nhằm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải. Theo đó, cỡ tàu theo quy hoạch là cơ sở kỹ thuật để tính toán quy mô, chuẩn tắc luồng, cầu cảng. Trong thực tế, khai thác cầu cảng, luồng hàng hải được phép tiếp nhận tàu ra, vào làm hàng không giới hạn bởi trọng tải tàu theo quy hoạch mà được xem xét trên cơ sở thông số kỹ thuật phù hợp với chuẩn tắc kỹ thuật luồng tàu, như độ sâu, chiều rộng, đường kính vũng quay trở, tĩnh không, bán kính cua cong và năng lực cầu cảng. Bộ GTVT giao cho Cục Hàng hải Việt Nam công bố luồng hàng hải theo chuẩn tắc thiết kế và phổ biến quán triệt nội dung tới các cảng vụ hàng hải, các hãng tàu…
b) Công tác nạo vét, duy tu, nâng cấp:
Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước của 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển. Hàng năm, Nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông. 
Công tác nạo vét duy tu hàng hải hàng năm là công việc mang tính định kỳ hàng năm, có đặc thù là chỉ có thể thực hiện thi công hiệu quả trong khoảng thời gian nhất định trong năm (do chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, thủy văn, hải văn, bão lũ theo mùa). Về trình tự, thủ tục thực hiện chịu sự điều chỉnh đồng thời của các quy định về cung ứng dịch vụ công ích, đồng thời phải tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đấu thầu, môi trường
Từ năm 2014 đến năm 2016, công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải thực hiện theo quy định tại các văn bản:
- Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
- Thông tư số 28/2014/TT-BGTVT ngày 29/7/2014 của Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét duy tu các tuyến luông hàng hải do Bộ GTVT quản lý, sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước;
- Thông tư số 77/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, Sài Gòn - Vũng Tàu theo cơ chế thí điểm.
- Thông tư số 25/2013/TT-BGTVT ngày 29/8/2013 của Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét luồng hàng hải, khu nước vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải
- Thông tư số 58/2015/TT-BTC ngày 25/4/2015 hướng dẫn lập, phân bổ dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện cung ứng dịch vụ công ích nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý.
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, bao gồm:
          - Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013 của Bộ GTVT quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm;
          - Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 của Bộ GTVT thay thế Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.
 
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện (từ tháng 2/2014 đến nay) để nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm theo hình thức “xã hội hóa” từ vốn của các doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, cuối năm 2016 đã có trên 90 dự án nạo vét tại 30 tỉnh, thành phố được Bộ này chấp thuận theo hình thức “xã hội hóa”. Đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa có tận thu sản phẩm cát được Bộ Giao thông vận tải cấp phép. Ngoài hoạt động khai thác, hiện cả nước có hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó còn có hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát, không được cấp có thẩm quyền cho phép, hoặc chỉ có hợp đồng thuê đất của cấp xã, phường; các bãi chứa đều chất tải quá mức quy định. Bộ TN&MT dự kiến sẽ xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông theo hướng phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đạt hiệu quả tốt hơn.

VITIC tổng hợp theo Báo cáo logistics Việt Nam 2017 và thuvienphapluat.vn
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 28
Số người truy cập: 5.357.919
Chung nhan Tin Nhiem Mang